Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 2 năm 2023 | 16:12

Mạnh tay xóa bỏ nạn cờ bạc trong lễ hội đầu Xuân

Những ngày đầu năm mới, hoạt động du Xuân hay đi lễ chùa, tham gia các hoạt động lễ hội dân gian truyền thống từ lâu đã trở thành tập tục văn hóa đẹp của người Việt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn xuất hiện những hình ảnh lợi dụng các điểm thờ tự, lễ hội để tổ chức, thực hiện hoạt động cờ bạc trá hình.

Nạn cờ bạc trá hình

Trên thực tế,  câu cửa miệng dân gian xưa: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè” vẫn ăn sâu vào tư tưởng nhiều người vào mỗi dịp du Xuân, trẩy hội đầu năm, nên nhiều người cho phép bản thân “xả hơi” vào những trò chơi mang tính may rủi.

Vì thế, ngay sau Tết Nguyên đán, cùng với nhiều điểm thờ tự mở cửa đón khách du Xuân và những lễ hội diễn ra khắp các địa phương trên  cả nước thì cũng là thời điểm, cơ hội của những hình thức cờ bạc, đỏ đen trá hình. Tệ nạn cờ bạc diễn ra trong không gian tổ chức lễ hội từ làng quê cho đến các sự kiện lớn mỗi dịp Tết đến Xuân về từ lâu chứ không phải gần đây mới xuất hiện.

Nạn cờ bạc, trò chơi đỏ đen diễn ra ở các lễ hội đầu Xuân đã tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ và gây ra nhiều hệ lụy.

Những năm về trước, tình trạng tổ chức và tham gia các hoạt động cờ bạc, may rủi diễn ra một cách công khai ở các điểm du lịch tâm linh, lễ hội đầu Xuân thực sự là vấn nạn nhức nhối trong xã hội, gây bức xúc dư luận. Nhưng rồi, nhờ công tác tuyên truyền, tổ chức lễ hội tốt và sự quyết tâm bài trừ nạn cờ bạc của các ngành chức năng nên những hình thức  này bị đẩy lùi, thuyên giảm đáng kể.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn xuất hiện những hình ảnh xấu xí liên quan đến cờ bạc, đỏ đen ở một số nơi thờ tự, lễ hội, điểm du Xuân trong đầu năm Quý Mão 2023. Các hình thức có đủ loại, khi là những trò chơi có thưởng như: ném bóng, phi tiêu, chiếc nón kỳ diệu, chọi gà, cờ tướng...; đôi lúc lại xuất hiện các sới bạc gần như công khai với hình thức tôm cua cá, xóc đĩa, đánh bài... và nhiều khi núp bóng dưới những trò chơi dân gian trong chính lễ hội.

Ở khu vực miền Bắc, Lễ hội chùa Hương được xem là  lễ hội đầu Xuân đặc sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương hành hương về đây cầu bình an và may mắn cho một năm. Mới đây, trong những ngày đầu Xuân 2023, báo chí đã phản ánh về tình trạng thuyền đưa du khách đi Lễ hội chùa Hương bị biến thành “chiếu bạc” ngay trên sông.

Tình trạng du khách ngồi thuyền đi trẩy hội nhưng lại chơi bài ăn tiền diễn ra trên khá nhiều thuyền, xuất hiện nhiều nhất ở khu vực của suối Yến để vào Thiên Trù. Nhiều em nhỏ đi lễ hội đầu năm cũng bị lôi kéo vào các cuộc đỏ đen, sát phạt ăn tiền.

Đề cập về vấn đề trên, đại diện Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) thừa nhận: “Tình trạng du khách đánh bạc  vẫn diễn ra. Chúng tôi đã liên tục phát loa tuyên truyền, dán thông báo nhắc nhở người dân không đánh bài hoặc tổ chức các hình thức cờ bạc. Lực lượng công an cũng được huy động để nhắc nhở và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm”.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, khách du xuân những ngày năm mới 2023 ở khu vực chùa Thiên Ấn ngạc nhiên khi thấy sòng tôm cua cá xuất hiện trong khuôn viên chùa với khoảng 20 người vây quanh bàn tán, hô hét, gây huyên náo chốn tôn nghiêm. Anh Đặng Tiến Uy ở thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, nạn cờ bạc trong khuôn viên chùa Thiên Ấn vào dịp Tết xuất hiện nhiều năm nay, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vấn nạn vẫn chưa được xử lý triệt để.

Hệ lụy khó tránh

Thông thường, nạn cờ bạc hay những trò đỏ đen, may rủi được tổ chức, hoạt động ăn theo những lễ hội, điểm thờ tự, du lịch tâm linh nên các ổ cờ bạc này sẽ được lập ngoài sân hội, khu dịch vụ vui chơi, trong cả khuôn viên các di tích đình, đền, chùa, nơi có hàng nghìn du khách, người hành hương tham quan, lễ bái. Ở một số lễ hội thuộc khu vực làng quê, chiếu bạc, tôm cua cá, chọi gà... còn được tổ chức ngay trên đường làng, ngõ xóm, sân đình.

Những ngày đầu Xuân năm 2023, tình trạng du khách đi Lễ hội chùa Hương biến thuyền trẩy hội thành “chiếu bạc” trên sông vẫn diễn ra.

Có thể nói, đánh bài lá, lắc bầu cua trong dịp đầu năm dường như trở thành thói quen từ lâu tại các vùng miền trên cả nước, thu hút nhiều người tham gia từ già trẻ, gái trai, người lớn đến trẻ nhỏ, từ thành thị đến nông thôn với mục đích giải trí, lấy niềm vui hoặc để thử vận may của năm đó là đỏ hay đen… Có lẽ niềm vui trong những ngày đầu năm mới sẽ trọn vẹn và không có gì để bàn tới, tuy nhiên, những trò may rủi, đỏ đen ngày Tết  bị biến tướng, gây ra những hệ lụy không hề nhỏ, khiến cho nét đẹp văn hóa bị biến đổi theo thời gian.

Thực tế cho thấy, đằng sau những canh bạc ngày Tết là những hệ lụy đối với gia đình, cộng đồng và xã hội là vô cùng lớn, từ canh bạc thâu đêm, suốt sáng không những làm ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng bởi tiếng la hét của những “con bạc” khi máu cờ bạc đã lên, làm cho niềm vui ngày xuân cũng không còn giữ đúng với hương vị của nó, gây mất an ninh trậ tự và làm phát sinh hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật khác như: Trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, đòi nợ thuê, siết nợ, bạo lực gia đình, cố ý gây thương tích và đôi khi làm tan nát hạnh phúc gia đình,… 

Nói về những hệ lụy từ nạn cờ bạc, cờ bạc trá hình diễn ra ở các lễ hội đầu Xuân, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho hay: “Nhiều người dân cho rằng, các hình thức trò chơi dân gian ăn tiền chỉ là vui Xuân song đó chính là tiếp tay cho các đối tượng tổ chức cờ bạc trá hình. Việc xuất hiện các hoạt động đánh bạc và tổ chức đánh bạc núp bóng trò chơi dân gian không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn dẫn đến phát sinh các loại tội phạm khác như gây rối trật tự công cộng; vay nợ dưới hình thức “tín dụng đen”; cố ý gây thương tích, thậm chí có thể dẫn tới trọng án…”.

Với phương châm “phòng hơn chống” không để tội phạm cờ bạc lộng hành, làm xấu hình ảnh các lễ hội đầu năm, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã giao các đơn vị nghiệp vụ tập trung tuyên truyền kết hợp với đấu tranh tại các lễ hội tập trung đông người, như: Lễ hội chùa Hương, tại các địa điểm du lịch tâm linh…

Phòng Cảnh sát hình sự thông tin, ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán, Phòng đã phân công cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại khu vực đình, đền, chùa trên địa bàn nhằm phòng ngừa tội phạm cờ bạc và móc túi. Trước giờ khai hội chùa Hương (mùng 6 Tết âm lịch),đơn vị phối hợp cùng Công an huyện Mỹ Đức và các lực lượng chức năng tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các hoạt động cờ bạc, nhất là việc lợi dụng thời gian đi đò trên suối Yến để đánh tá lả, tam cúc… ăn tiền.

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Văn bản 1240/VHCS-NSVH  về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó, công văn chỉ đạo các địa phương kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh

 

Khôi Đức - Lê Huy
Ý kiến bạn đọc
Top