Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2024 | 8:40

Ngăn chặn tôm hùm đất nhập lậu để bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp

Tôm hùm đất là loại sinh vật bị cấm bán tại thị trường Việt Nam do tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, bất chấp việc các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán loài sinh vật ngoại lai này.

Tràn lan tôm hùm đất nhập lậu

Tôm hùm đất - tên tiếng anh là Crawfish là loại thủy sản bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Thế nhưng thời gian gần đây, trên thị trường, hoạt động kinh doanh, buôn bán loài tôm này diễn ra khá sôi động và công khai, từ loại còn sống đến loại đã được chế biến.

Theo đó, trên các chợ online, nhiều tài khoản rao bán tôm hùm đất dưới nhiều hình thức như chế biến sẵn, cấp đông. Tại một số địa điểm, tôm hùm đất Trung Quốc còn được rao bán giao hàng tận nơi, hàng tươi sống đang nuôi dưỡng trong bể và người tiêu dùng có thể nuôi ăn dần. Giá bán tôm hùm đất hiện giao động từ 150.000 đồng – 500.000 đồng/kg.

Đơn cử, trên mạng xã hội Facebook, không khó gặp những bài đăng rao bán tôm hùm đất sống, được quảng cáo có nguồn gốc từ Trung Quốc với nhiều mức giá khác nhau. "Thị trường đang bán 280.000 - 350.000 đồng/kg, nay em lại nhập từ Trung Quốc nên giá chỉ 249.000 đồng/kg. Nếu mua sỉ số lượng lớn thì giá siêu đẹp. Khách ở các tỉnh lân cận gửi qua xe khách", tài khoản Facebook H.K quảng cáo.

Tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên chợ online, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến môi trường và ngành Nông nghiệp. Ảnh Thiệu Vũ.

Không chỉ các trang Facebook cá nhân mà còn có cả nhóm công khai mua, bán tôm hùm đất có tên "Hội thích ăn tôm hùm đất" với hơn 5.000 thành viên. Trong "chợ online" này có hàng trăm bài đăng tìm khách mua, bán tôm hùm đất ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Điều đặc biệt, đa số người bán hàng đều không hề hay biết ở Việt Nam cấm bán tôm hùm đất. Chủ một tài khoản rao bán tôm hùm đất có tên “H.M” cho biết: “Tôi ăn thấy ngon, nhiều người hỏi mua nên nhập về bán thôi chứ không biết đây là loại hàng cấm”.

Tài khoản L.T.H, một đầu mối buôn hàng hải sản, có bán tôm hùm đất tại Hà Nội thẳng thắn thừa nhận có biết luật, tuy nhiên chỉ nhập tôm hùm đất về làm thực phẩm chế biến, không bán con giống để nuôi nên cho rằng chưa đến mức bị xử phạt.

Từng có thời gian đi du học tại Trung Quốc và thưởng thức món tôm hùm đất tại đất nước này, anh Nguyễn Văn Long, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Chất lượng thịt của tôm hùm đất không thể bằng các loại tôm phổ biến tại Việt Nam. Loại tôm này thịt ít, tập trung ở phần đuôi, đầu to, vỏ cứng. Gia vị thấm vào đầu con tôm nên ăn thấy ngon gia vị chứ không ngon thịt như tôm bình thường. Người tiêu dùng thích ăn uống theo trào lưu, nhưng nếu để lọt một số con ra môi trường thì chỉ mấy năm sau sẽ diệt không hết”.

Tại khu vực giáp biên giới của tỉnh Quảng Ninh, rất khó mới có người bán đồng ý gặp lấy hàng trực tiếp, vì họ đều biết đây là "hàng cấm". Chỉ cần ra khu vực cửa khẩu, sẽ có ngay đầu mối nhận mua tôm hùm đất mang về theo nhu cầu. Cứ thế, những con tôm hùm đất nhập lậu đã đi khắp cả nước. Ngoài bán lẻ, còn phục vụ cả các nhà hàng. Trở thành mặt hàng độc lạ ba không: không giấy tờ, không nguồn gốc xuất xứ và không kiểm dịch.

Nhiều hệ lụy

Tôm hùm đất có nhiều tên tiếng Anh như: Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish. Loài này có nhiều ở Louisiana (Mỹ) nên còn gọi là Louisiana Crayfish, có đặc tính ăn cả động vật sống, động vật chết và cả thực vật. Chúng thuộc nhóm sinh vật ngoại lai, không có giá trị kinh tế cao và còn phá hoại mùa màng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguy hại của tôm hùm đất là chúng sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Trong môi trường, chúng sẽ tiêu diệt hết các loại cá, tôm khác, làm cây cối, hoa màu chết. Vòng đời ngắn, sinh sản nhanh, nên chỉ một thời gian ngắn chúng sẽ chiếm lĩnh môi trường sống của các loài khác.

Tôm hùm đất là sinh vật  không có giá trị kinh tế cao và còn phá hoại mùa màng.

Các chuyên gia khẳng định: Khó khăn trong tiêu diệt tôm hùm đất là chúng lớn rất nhanh và có thể đạt đến chiều dài 5,5-12 cm. Chúng cũng sống được trong môi trường nước có độ muối rất thấp vốn không phù hợp với nhiều loài tôm khác. Chúng có thể sống đến 5 năm, một số con có thể sống trên 6 năm trong điều kiện tự nhiên. Khả năng thích nghi tốt với môi trường vì vậy chúng trở thành những sinh vật ngoại lai có hại khi phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng.

Tại Việt Nam, từ năm 2013, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã cấm nhập khẩu và nhân nuôi tôm hùm đất. Tôm hùm đất cũng không có trong danh mục các thủy sản được phép kinh doanh trên thị trường.

Ông Phạm Anh Tuấn - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết: "Tôm hùm đất có đặc điểm dễ vận chuyển và sống khá dai. Trong điều kiện buôn bán tràn lan, không có tổ chức thì nguy cơ thất thoát ra môi trường sẽ rất lớn. Việc nó đào hang, phá bờ, phá các công trình thuỷ lợi, thậm chí khi nó phát triển quá mức thì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống cây trồng".

Buôn bán tôm hùm đất là vi phạm pháp luật

Tôm hùm đất là sinh vật  không có giá trị kinh tế cao và còn phá hoại mùa màng. Tuy nhiên, chưa nhiều người biết loài tôm này bị cấm buôn bán tại Việt Nam. Nhiều nhà hàng vẫn đưa món này vào thực đơn. Ngay cả người tiêu dùng cũng không biết đến điều này.

Bạn Nguyễn Đại Dương - Hà Nội chia sẻ: "Mình có nghe thông tin như tôm hùm đất khi nuôi sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của các loài động vật khác. Nhưng thông tin tôm hùm đất bị cấm bán ở Việt Nam thì lần đầu mình được nghe đến".

Tang vật 60.000 con tôm hùm giống được giấu trong vali nhập lậu về Việt Nam do Hải quan Đà Nẵng bắt giữ đầu tháng 4/2024. Ảnh: HQĐN.

Từ thực tế trên, để ngăn chặn tình trặng này các cơ quan ban ngành cần khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường trong việc phòng ngừa tác hại của các loài sinh vật ngoại lai nhất là giống tôm hùm đất, tuyệt đối không kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, nuôi, lưu giữ... loài sinh vật ngoại lai trên; tuyên truyền đến người thân, bạn bè về tác hại của tôm hùm đất và các quy định của pháp luật có liên quan; khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu buôn bán, vận chuyển, nuôi, lưu giữ... tôm hùm đất cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.

Được biết, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu hải quan các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất, ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Cảnh Thắng - Trưởng phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh nhận định: "Để hạn chế tình trạng nói trên, chúng tôi tăng cường công tác thu thập thông tin, phối hợp với Chi cục Hải quan các cửa khẩu, phối hợp các lực lượng chức năng để đánh giá phương thức, thủ đoạn vận chuyển để chỉ đạo kịp thời cho các đơn vị Chi cục Hải quan cửa khẩu để thực hiện đấu tranh ngăn chặn ngay tại cửa khẩu, không cho nhập tôm hùm đất cũng như sinh vật ngoại lai cấm nhập, cấm nuôi trồng trong nước".

Bài học trước đây của ốc bươu vàng - một sinh vật ngoại lai khác đã hoành hành phá hoại mùa màng nhiều năm nay, mà đến giờ vẫn chưa thể tiêu diệt triệt để. Ngành nông nghiệp đang bị đe doạ từ nạn buôn bán trái phép tôm hùm đất - sinh vật nhỏ bé gây ra những hệ luỵ lâu dài.

Tại Việt Nam, từ năm 2013, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã cấm nhập khẩu và nhân nuôi tôm hùm đất. Tôm hùm đất cũng không có trong danh mục các thủy sản được phép kinh doanh trên thị trường. Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản. Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Cơ quan chức năng cũng phát đi cảnh báo việc mua bán, nhập khẩu, phát triển, kinh doanh tôm hùm đất là trái quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản. Căn cứ theo Điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nhập khẩu trái phép hoặc phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VTV, baovinhphuc, thoibaotaichinhvietnam...)
Ý kiến bạn đọc
Top