Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 8 năm 2024 | 11:40

Nghệ An: Cần ngăn chặn tình trạng người dân chặt bán keo non

Giá keo liên tục tăng cao, đạt gần 1,3 triệu đồng/tấn, người dân Nghệ An ồ ạt thu hoạch keo non để bán, khiến năng suất không cao, lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp chế biến gỗ thiếu nguyên liệu sản xuất.

Ồ ạt chặt bán keo non

Nghệ An hiện có 224.141 ha rừng trồng trong quy hoạch lâm nghiệp (QĐ số 2357/QĐ-BNN-KL, ngày 14 tháng 6 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong đó rừng trồng Keo chiếm 63,7% tổng diện tích rừng trồng của cả tỉnh (Tô Xuân Phúc và cộng sự, 2021), tương ứng với diện tích 142.777 ha (phần lớn là Keo lai).

Với chu kỳ kinh doanh bình quân 5 năm, mỗi năm Nghệ An có khoảng 20.000 ha rừng trồng Keo khai thác (không kể rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp). Với mật độ trồng rừng Keo ở Nghệ An bình quân 2.500 – 3.000 cây/ha, nhu cầu giống Keo để trồng rừng khoảng 50 – 60 triệu cây giống/năm.

Thời điểm này, đi dọc Quốc lộ 48 qua huyện Quỳ Châu thấy cảnh người dân nhộn nhịp khai thác keo, có những đồi keo cây đang còn khá nhỏ nhưng vẫn được khai thác.

Ông Vi Văn Tình ở xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu đang bóc vỏ keo chia sẻ: Gia đình có hơn 2 ha keo, mặc dù mới được hơn 3,5 tuổi nhưng thời điểm này giá keo tăng từ 1,1 triệu đồng lên đến gần 1,3 triệu đồng/tấn nên gia đình quyết định chặt bán, hơn nữa vào mùa mưa bão chúng tôi muốn chặt bán vì sợ bị đổ gãy.

Ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND Châu Hạnh cho biết: Địa bàn xã Châu Hạnh có trên 4.000 ha keo, hàng năm khai thác 300 ha. Nguyên nhân keo tăng giá là thời điểm này khan hàng, nhiều rừng keo khai thác gần hết, các nhà máy và cơ sở chế biến đẩy giá tăng cao để thu mua. Một số hộ dân thấy giá keo tăng cao và do sợ thiên tai mưa gió nên chặt bán keo non.

Việc khai thác keo chưa đủ tuổi kéo theo nhiều hệ lụy, đó là năng suất rừng trồng giảm sút, chất lượng gỗ thấp, lợi nhuận thu được không cao. Chưa kể, khi keo non bị khai thác ồ ạt trong một thời điểm thì diện tích rừng trống và đồi trọc tăng lên, dẫn đến nguy cơ xói mòn, sạt lở... Thời gian qua xã tuyên truyền vận động người dân không khai thác keo non, tuy nhiên khó khăn do người trồng rừng thiếu vốn đầu tư sản xuất chặt bán để lấy tiền trang trải.

Toàn huyện Quỳ Châu hiện có trên 23.000 ha rừng keo, hàng năm thu hoạch trên 3.000 ha keo, trong đó có khá nhiều diện tích keo non được khai thác. Với những diện tích keo thu hoạch chưa đúng chu kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ giảm sút. Hiện nay huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non. Khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, khai thác đúng chu kỳ nâng cao giá trị kinh tế.

Keo non chỉ to chưa bằng bắp tay. Ảnh: Văn Trường

Đặc biệt, trong năm 2024, huyện Quỳ Châu đã thu hút được một doanh nghiệp đầu tư trên 20 tỷ đồng dây chuyền chế biến gỗ ghép thanh và băm dăm dự kiến cuối tháng 9 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, thu mua keo cho người dân địa bàn. Về lâu dài huyện đang rất cần các doanh nghiệp chế biến gỗ ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm trồng rừng, khai thác đủ tuổi.

Tương tự tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, nông dân đang khai thác keo non, xe công nông ra tận đồi để chở keo. Đồi keo cây còn khẳng khiu, chưa đến tuổi khai thác đã bị cưa đổ nằm ngổn ngang.

Ông Trần Văn Nam ở xã Nghĩa Khánh cho biết: Giá keo tăng cao đến gần 1,3 triệu đồng/tấn nên gia đình tôi đã triển khai thu hoạch gần 1 ha dù keo chỉ tầm 3 năm tuổi, còn non và sản lượng không cao. Nếu để thêm 2 năm nữa mới thu hoạch thì năng suất cao hơn nhưng vì kinh tế khó khăn và không biết thị trường sẽ biến động ra sao nên bán khi keo đang được giá.

Ông Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Địa bàn huyện Nghĩa Đàn hiện có trên 10.000 ha rừng nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 1.500 ha. Thời gian qua giá keo tăng cao đã có khá nhiều nông dân chặt bán keo non cho giá trị kinh tế thấp. Về lâu dài huyện đang rất cần các doanh nghiệp chế biến gỗ ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm trồng rừng, khai thác đủ tuổi. Hiện tại chủ yếu các thương lái từ khắp nơi đứng ra thu mua, nên vẫn có tình trạng khi keo khó bán thì ép giá.

Thời điểm này, tư thương khắp nơi ồ ạt đổ xô thu mua keo, nên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Một chủ xưởng chuyên thu mua gỗ keo chia sẻ: Trước đây, mỗi ngày chúng tôi thu mua được 70-80 tấn keo nguyên liệu, nay chỉ mua được 15-20 tấn keo, có ngày không thu mua được.

Nguyên nhân khai thác keo non

Ông Hoàng Trung Sơn - Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 40.000 ha. Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dăm gỗ trên địa bàn Nghệ An đã ký được đơn hàng tại thị trường Trung Quốc. Các nhà máy viên nén sinh khối đã hoạt động ổn định, ký kết được các đơn hàng xuất khẩu ở Nhật Bản và các nước châu Âu nên đẩy giá keo tăng cao, có lợi cho người trồng rừng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, chất lượng rừng trồng ở Nghệ An chưa cao, hiệu quả kinh tế từ việc khai thác rừng trồng còn thấp, nhân dân chủ yếu trồng keo theo chu kỳ kinh doanh ngắn phục vụ gỗ bóc, băm dăm… sản phẩm thu hoạch chưa có tính cạnh tranh. Theo tính toán, với những diện tích keo thu hoạch chưa đúng chu kỳ khai thác, lợi nhuận sẽ giảm từ 25 – 30 triệu đồng/ha so với keo đủ tuổi.

Nông dân xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn thu hoạch keo non. Ảnh: Văn Trường

Nguyên nhân khai thác keo non là do người trồng rừng thiếu vốn đầu tư sản xuất, cần nhu cầu trang trải cuộc sống, lâu nay huyện cũng chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm gỗ keo nên khi keo tăng giá là bà con tranh thủ khai thác.

Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh còn thấp so với tổng diện tích rừng hiện có, toàn tỉnh mới có trên 24.000/170.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Nghệ An có hơn 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, hơn 100 doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ và hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Phần lớn các nhà máy chế biến gỗ chưa gắn kết với vùng nguyên liệu, hệ thống dây chuyền máy móc vẫn còn lạc hậu, chủ yếu là sản xuất dăm gỗ, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hóa sau chế biến chưa cao.

Mặt khác, các nhà máy sản xuất gỗ dăm trái phép ở huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa… tái khởi động trở lại, bất chấp lệnh cấm. Với mặt hàng trái phép dễ dàng thu lợi, không chỉ có người địa phương đầu tư, mà các “đại gia” ngoài Hà Nội cũng đổ về Nghệ An làm ăn.

Mới đây, vào ngày 4/7/2024, Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An lại tiếp tục có Văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét xử lý các cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép. Văn bản này liệt kê chi tiết các cơ sở băm gỗ dăm có vi phạm đã được Đoàn liên ngành kiểm tra làm rõ; đồng thời phản ánh, sau khi Đoàn liên ngành kết thúc công tác kiểm tra thì ở một số địa phương xuất hiện mới nhiều cơ sở băm gỗ dăm trái phép.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Hiện có một số doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã đầu tư kinh phí cho một số doanh nghiệp, cá nhân mở các cơ sở chế biến dăm gỗ hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các doanh nghiệp này có các nhà máy chế biến dăm tại Thanh Hóa.

Các sản xuất gỗ dăm trái phép tái khởi động trở lại, bất chấp lệnh cấm.

Vào khoảng năm 2020-2022, các doanh nghiệp này đã đầu tư cho các cá nhân mở cơ sở băm dăm không phép trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để mua lại dăm gỗ do các cơ sở này bán lại. Tuy nhiên, do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo kiên quyết xử lý, đình chỉ, tháo dỡ các cơ sở chế biến dăm gỗ trái phép; giao Điện lực tỉnh ngừng cung cấp điện do hoạt động trái phép; yêu cầu Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng băm dăm không phép trên địa bàn, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật do để xảy ra tình trạng băm dăm không phép. Vì vậy, hiện các doanh nghiệp này đã chuyển địa bàn, đầu tư cho các doanh nghiệp, cá nhân mở các cơ sở băm dăm không phép tại Nghệ An, thậm chí xây dựng các nhà máy trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp...

Vì vậy, nếu cứ để tình trạng hoạt động băm dăm diễn ra ồ ạt, hỗn loạn sẽ dẫn đến các hệ quả sau. Thứ nhất là hiệu quả trồng rừng của bà con không cao. Thứ hai nếu cứ bán dăm thô, khai thác keo non thì hiệu quả kinh tế rất thấp. Phải ưu tiên nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu.

Cần có giải pháp hạn chế chặt bán keo non

Để dần hạn chế tình trạng khai thác cây keo non, thời gian qua tỉnh Nghệ An yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán cây keo non để sản xuất dăm gỗ; vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn; tham gia trồng rừng, quản lý và phát triển rừng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, để phát triển rừng sản xuất đạt hiệu quả, Nghệ An cần phối hợp với các ngành liên quan, thu hút các doanh nghiệp cùng đồng hành hỗ trợ, đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn. Việc được cấp chứng chỉ rừng bền vững sẽ có lợi ích là người dân thu hoạch rừng gỗ lớn, tăng giá trị kinh tế, đặc biệt là được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.

Ngoài ra, cần thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn, đầu tư nhà máy chế biến sâu hiện đại để ký kết, thu mua bao tiêu sản phẩm gỗ keo để người dân thu hoạch đúng chu kỳ mang lại hiệu quả kinh tế.

Vận chuyển keo ở xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn. Ảnh: Văn Trường

Theo các nhà chuyên môn, việc khai thác keo non làm giảm đáng kể giá trị kinh tế của rừng trồng, gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến môi trường sinh thái (trồng rừng và khai thác quá mức trong thời gian ngắn làm suy kiệt nguồn nước, độ phì của đất; dẫn đến nguy cơ xói mòn đất cao, đặc biệt ở những vùng đồi núi dốc).

Việc khai thác keo non được các chuyên gia ngành lâm nghiệp chỉ ra là không mang tính bền vững. Một ngành trồng rừng bền vững chỉ khi có sự liên kết cùng với doanh nghiệp hoặc người dân có đủ vốn để duy trì diện tích rừng trồng từ năm thứ 5 trở lên hoặc trồng thành rừng gỗ lớn mới khai thác. Khi bài toán này được giải quyết thì lúc đó mới ngăn chặn được tình trạng khai thác keo non trong dân và chính các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất.

Ngoài ra, việc tạo chuỗi liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với gỗ lớn cũng đáng được chú trọng. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các hộ trồng cây keo. Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống cây chất lượng cao và cam kết mua sản phẩm với giá ổn định từ người dân. Từ đó, người dân sẽ có động lực hơn trong việc chăm sóc và phát triển rừng trồng, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định cho các doanh nghiệp.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp sản xuất, chế biến gỗ dăm trái phép trên địa bàn tỉnh, đưa hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định, đúng pháp luật, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sâu, quy mô lớn; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

Điều quan trọng nhất là việc thực hiện các biện pháp và giải pháp này cần được thực hiện một cách liên tục và bền vững. Chỉ khi có sự đồng lòng và hợp tác của cộng đồng, nhà nước và doanh nghiệp, ngành trồng keo tại Nghệ An mới có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thiên nhiên quý báu này.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc
Top