Trước tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện và xử lý.
Đề nghị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai quyết liệt ngăn chặn nhập lậu gia cầm
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, phản ánh của các hội, hiệp hội ngành hàng và cơ quan truyền thông, trong thời gian qua, tình trạng buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi.
Để khẩn trương chấm dứt tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29 ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và Công điện số 12 ngày 31/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thuỷ sản qua biên giới vào Việt Nam.
Lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp kiểm tra gia cầm tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn các trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi qua biên giới vào Việt Nam, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi trên địa bàn. Lập kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức kiểm tra, thanh tra về sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm yêu cầu đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật về chăn nuôi và pháp luật khác có liên quan.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sản xuất, mua bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng; quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
"Quản lý tốt con giống trong nước, giảm giá thành"
Ngày 8/5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có cuộc họp liên ngành về phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm. Tại buổi làm việc, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết việc buôn lậu gia súc, gia cầm diễn ra tùy thời điểm. Trước và sau Tết, buôn lậu gà, vịt tăng mạnh do nhu cầu thị trường.
“Trước Tết, chúng tôi đi kiểm tra ở miền Trung và Tây Nguyên, thấy có nhiều vụ nhập lậu trâu bò từ Lào về, rồi xuất sang Trung Quốc. Thời gian gần đây lại rộ lên con giống gia cầm”, đại diện C03 thông tin.
Theo C03, khi các lực lượng chức năng "làm mạnh" ở cửa khẩu đường bộ, thì các đối tượng buôn lậu sẽ chuyển sang đường biển.
Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) cũng cho hay, qua công tác điều tra, khu vực biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, nhập gia súc gia cầm nhiều, các đối tượng lợi dụng kẽ hở đưa trứng gia cầm về Việt Nam. Gia súc cũng vậy, các đối tượng lợi dụng đường sắt từ Trung Quốc chạy vào tới Lào, Campuchia, cho nên hàng lậu từ Trung Quốc có thể vào tới miền Trung, Tây Nguyên.
Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện giá lợn giống ở Việt Nam đang cao hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, chỉ thấp hơn Philippines và Indonesia. Do đó, có hiện tượng nhập lậu lợn từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó ‘tẩy trắng nguồn’ để kiếm lời.
Đối với gia cầm, tùy thời điểm, con giống như gà, vịt ở Trung Quốc có giá thành thấp hơn ở Việt Nam. Một số đối tượng hám lợi, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, nhập về bán cho nông dân kiếm lời. Muốn ngăn chặn rốt ráo tình trạng nhập lậu con giống gia súc gia cầm, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng giải pháp hiện tại là quản lý tốt con giống, giảm giá thành.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tình trạng buôn lậu, nhập lậu gia súc gia cầm đang rất phức tạp, thế nhưng hầu như chỉ thấy các cơ quan Trung ương vào cuộc, chưa thấy địa phương chủ động có phát hiện, báo cáo. Nhất là các tỉnh biên giới, cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng ở cửa khẩu và nội địa.
“Đề nghị Cơ quan công an vào cuộc xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu đủ chứng cứ với các trường hợp buôn lậu gia súc, gia cầm", ông Long đề nghị.
Gần đây nhất, ngày 22/5, tại khu vực Trạm thu phí Hải Hà, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, Tổ công tác Đội Kiểm soát Hải quan số 2 chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) và Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra hành chính xe ô tô tải biển kiểm soát 34C-349.18 do ông Đào Văn Dương, thường trú tại xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là người điều khiển xe đang vận chuyển 20.160 con vịt giống.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Đào Văn Dương không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của toàn bộ số con vịt giống nêu trên.
Trước đó, ngày 3/5, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra xe ô tô BKS 34C-349.18 do ông Đ.V.D lái xe kiêm chủ hàng, có địa chỉ tại xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, đang bốc vịt con giống tại Nam Thọ, xã Hải Xuân, TP Móng Cái, lên xe ô tô.
Tại thời điểm khám xe ô tô BKS 34C-349.18 có chứa 15.100 con vịt con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có giấy kiểm dịch thú y.
Lạng Sơn duy trì 2 tổ kiểm tra liên ngành tại biên giới
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho biết, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng lậu qua các đường mòn biên giới tiếp tục được kiểm soát; hầu như không phát sinh nhập lậu hàng hóa, nhập lậu gia cầm giống.
Tại khu vực biên giới huyện Lộc Bình, nơi những tuần trước đây tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về vận chuyển gia cầm giống, thực phẩm nhập lậu, thì nay Ban Chỉ đạo 389 huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu, đặc biệt tại cửa khẩu Chi Ma.
Hiện, Lạng Sơn tiếp tục duy trì 2 tổ liên ngành tại khu vực biên giới: Chốt 1 tại mốc 1248 xã Tú Mịch (Đồn Biên phòng Chi Ma quản lý), Chốt 2 tại mốc 1248/7 thuộc xã Tam Gia (đồn Biên phòng Chi Lăng quản lý).
Trong tuần từ 17 đến 24/5, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chuyên đề với một số địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn phức tạp.
Trong đó, các lực lượng thành viên và Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục quyết liệt ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật.
Trong tuần, địa bàn Lạng Sơn không phát sinh vận chuyển sản phẩm gia cầm giống qua biên giới. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra 116 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; xử phạt vi phạm hành chính 86 vụ.
Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 292.090.000 đồng. Trong đó, tiền phạt vi phạm hành chính 290.850.000 đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm buộc tiêu hủy 1.240.000 đồng.
Nhận định diễn biến của hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đề nghị các bên liên quan thường xuyên nắm tình hình, đôn đốc thực hiện các kế hoạch công tác, chủ động đề xuất giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Đồng thời, trao đổi thông tin trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp với cơ quan báo chí, truyền hình đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh về việc chấp hành các quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Trong 4 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm 2.010 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm (bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính trên 13 tỷ đồng; đã khởi tố 165 vụ, 235 đối tượng.