Sự kiện Nhật Bản bắt đầu xả 1,3 triệu tấn nước thải hạt nhân đã qua xử lý khiến thế giới lo sợ có thể để lại hậu quả lâu dài. Một số quốc gia láng giềng của xứ sở mặt trời mọc ngay lập tức bày tỏ quan ngại chương trình này của Nhật Bản.
IAEA bình duyệt quá trình xả thải
Nhật Bản hiện có khoảng 1,3 triệu tấn nước thải ô nhiễm hạt nhân đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa. Các bể này đã gần hết chỗ chứa, vì vậy, nước cần được xả ra.
Để làm được điều này, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu một hệ thống lọc đảm bảo giúp loại bỏ hầu hết các đồng vị phóng xạ khỏi nước.
Nó được gọi là Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), giúp lọc một số chất gây ô nhiễm phóng xạ khác nhau khỏi nước.
Chỉ riêng ALPS là chưa đủ để có thể loại bỏ một số đồng vị rất nguy hiểm cho con người và hệ sinh thái như Caesium-137 và strontium-90, nó còn phải kết hợp với một số hệ thống khác và hiện tại Nhật Bản đang thực hiện phương án này.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bình duyệt kế hoạch xả thải này của Nhật Bản vào tháng 7. Tổ chức này tin rằng, nó phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, đồng thời họ cũng có kế hoạch tiến hành giám sát độc lập để đảm bảo việc xả thải được thực hiện đúng quy trình.
Hơn 1,3 triệu tấn nước đã tích tụ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima kể từ khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra năm 2011. Ảnh: Nikkei
Giáo sư Jim Smith, Đại học Portsmouth, người đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để nghiên cứu phóng xạ trong đường thủy sau các vụ tai nạn hạt nhân, bao gồm cả ở thảm họa Chernobyl (Pripyat, Ukraina), đánh giá rủi ro từ sự kiện xả thải là rất thấp.
“Theo quan điểm của tôi, nếu vấn đề xả thải được thực hiện đúng cách thì liều lượng bức xạ mà con người và hệ sinh thái nhận được sẽ không đáng kể”.
Nhật Bản đưa ra kế hoạch pha loãng nguồn nước này (tritit hóa) để giảm mức độ phóng xạ xuống dưới 1.500 becquerels mỗi lít (Bq/L), thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của quốc gia là 60.000 Bq/L.
Mỗi ngày, đồng vị phóng xạ tritium thường xuyên được thải vào nước bởi các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên khắp thế giới, cũng như bởi các nhà máy tái xử lý chất thải hạt nhân.
Mức xả thải tritium của các nước
Tất cả các nhà máy điện hạt nhân đều sản xuất ra tritium và chất này thường được xả thải ra đại dương và các tuyến đường thủy khác. Lượng tritium tạo ra phụ thuộc vào từng loại lò phản ứng.
Đối với lò phản ứng nước sôi như ở Fukushima, lượng tritium sinh ra tương đối thấp. Khi nhà máy này đang hoạt động, giới hạn thải tritium được đặt ở mức 22 TBq (tera-becquerel)/năm, thấp hơn nhiều so với mức có thể gây hại (1 TBq = 0,001 PBq). Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Heysham của Vương quốc Anh có giới hạn 1.300 TBq/năm vì loại lò phản ứng làm mát bằng khí này tạo ra rất nhiều tritium. Trong 40 năm, nhà máy Heysham đã thải tritium mà không gây hại cho con người và môi trường.
Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) đã thải ra 52 TBq tritium vào năm 2020; trong khi nhà máy điện hạt nhân Kori ở Hàn Quốc đã thải ra 50 TBq vào năm 2018.
Như vậy có thể thấy, mức thải tritium hàng năm ở các nhà máy điện hạt nhân khác vượt xa mức xả thải dự kiến của nhà máy Fukushima của Nhật Bản. Tuy nhiên, lo ngại của các quốc đảo Thái Bình Dương và một số nước không phải là không có lý do.
Gần đây, Tạp chí Time có bài phân tích cho thấy, các quốc đảo Thái Bình Dương đã phải vật lộn trong nhiều thập niên với di sản từ các vụ thử hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động môi trường ở Thái Bình Dương cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch xả thải này. Ngư dân địa phương lo ngại việc xả thải của Nhật Bản sẽ lại khiến người tiêu dùng e dè, không mua hải sản của họ.
Toàn cảnh khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima (REUTERSP).
Ngày 24/8, ngay khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý ra biển, quốc gia này ngay lập tức đã gặp phải một số hạn chế thương mại. Điển hình như Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thủy, hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, động thái trên đã gây lo lắng lớn khi người dân tại Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố khác đổ xô đi mua... muối vì lo sợ muối ăn trong tương lai sẽ bị nhiễm phóng xạ.
Một tuyên bố của Hải quan Trung Quốc cho biết, việc tạm dừng nhập khẩu thuỷ sản từ Nhật Bản nhằm mục đích “ngăn chặn toàn diện rủi ro nhiễm phóng xạ để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng Trung Quốc, và đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu”. Đây là sự mở rộng của lệnh cấm trước đó mà Trung Quốc đã áp dụng đối với các mặt hàng thuỷ sản của Nhật Bản có nguồn gốc từ các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản, xuất khẩu hải sản từ nước này sang Trung Quốc bao gồm cá tráp đỏ, các loại sò và cá thu. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu cá lớn nhất của Nhật Bản, với kim ngạch 71,7 tỷ Yên, tương đương 493,4 triệu USD, trong năm 2022, bên cạnh kim ngạch 53,56 tỷ Yên từ các loài giáp xác và nhuyễn thể như cua và sò.
Hàn Quốc cũng đã cấm nhập khẩu tất cả hải sản từ 8 quận gần Fukushima của Nhật Bản vào năm 2013 do lo ngại về mức độ phóng xạ tại nhà máy này. Hàn Quốc sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm này cho đến khi mối lo ngại của công chúng về ô nhiễm giảm bớt, ông Chung Hwang-keun, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này khẳng định.
Hồi đầu tháng 7, IAEA nói kế hoạch xả thải của Nhật Bản là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và sẽ có ảnh hưởng “không đáng kể” đối với con người và môi trường.
Tuần trước, Hàn Quốc tuyên bố nước này tôn trọng báo cáo của IAEA. Hàn Quốc nhận thấy việc Nhật Bản xả thải sẽ không có “bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào” đối với các vùng nước của nước này. Tuy nhiên, tuyên bố của Seoul cũng nói thêm rằng: Hàn Quốc “không nhất thiết đồng tình hay ủng hộ kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ” của Nhật Bản.
Theo một số chuyên gia ngành hàng thủy sản, Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng mức độ tác động có thể “không quá lớn” do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều sự khác biệt. Phần lớn thủy sản Trung Quốc nhập từ Nhật Bản là các loại giáp xác và động vật thân mềm. Hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất sang Trung Quốc là tôm và cá tra dự kiến sẽ được “hưởng lợi” từ nhu cầu gia tăng. |
Tại họp báo thường kỳ chiều 6/7, trả lời câu hỏi về việc Nhật Bản chuẩn bị xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam ủng hộ phát triển sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
“Việt Nam cho rằng, trách nhiệm bảo đảm an toàn an ninh hạt nhân thuộc về quốc gia sử dụng năng lượng nguyên tử, đồng thời đề nghị cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, minh bạch trong chia sẻ thông tin, ứng xử có trách nhiệm và theo đúng quy định của luật pháp quốc tế trong trường hợp xảy ra sự cố tai nạn. Việt Nam cũng đề cao việc duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường biển và các tài nguyên biển phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các quy định liên quan của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
IAEA cho biết, sẽ có một nhóm công tác giám sát việc xả thải và đánh giá việc Nhật Bản tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn liên quan của quốc tế. Nhóm công tác của IAEA sẽ có mặt tại hiện trường “trong suốt thời gian xả thải, phù hợp với cam kết của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi về việc IAEA phối hợp với Nhật Bản trong việc xả nước thải đã qua xử lý trước, trong và sau khi việc xả thải diễn ra”.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…