Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024 | 19:57

Nhiều địa phương mạnh tay với nạn nhập lậu gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc

Thời gian qua, các lực lượng chức năng của các tỉnh thành trên cả nước đã tăng cường phối hợp, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc gắn với phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, làm giảm tình hình nhập lậu, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Quảng Ninh: Tăng cường kiểm soát nhập lậu gia súc, gia cầm 

Thực hiện công tác kiểm soát thị trường, kiểm tra hàng hóa vận chuyển trong thị trường nội địa, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặc dù đã có sự vào cuộc tích cực nhưng tình hình vận chuyển thực phẩm, con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp cả trên tuyến đường bộ, đường biển và địa bàn biên giới.

Mới đây, ngày 5/7, tại TP Móng Cái, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan số 2, Cục Hải quan tỉnh kiểm tra xe ô tô BKS 34C-349.18, có địa chỉ tại xã Hải Ninh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vận chuyển 20.240 con vịt con giống (khoảng 1-2 ngày tuổi). Qua kiểm tra, lái xe khai nhận mua số vịt giống trên tại TP Móng Cái về bán kiếm lời, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, Đội QLTT số 1 báo cáo Cục Quản lý thị trường tỉnh, bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan tố tụng để tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/6, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh cũng đã chủ trì phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành khám phương tiện thủy có gắn động cơ do ông Lê Đức Chi là người điều khiển. Kết quả khám phương tiện phát hiện 300.000 dây hàu với tổng khối lượng 63 tấn hàu giống, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Toàn bộ số hàu giống trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 1 đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan tố tụng để xử lý theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 3/6/2024, Đội QLTT số 4, Cục QLTT cũng đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế và chức vụ Công an TP Móng Cái tiến hành khám thùng Container và đầu kéo biển kiểm soát 15H-024.62 do ông Trần Trung Thế, trú quán tại Quảng Ninh điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện trên phương tiện vận chuyển 2.220 thùng carton chứa 24.420kg chân gà đông lạnh. Toàn bộ số hàng trên là của ông Nguyễn Thành Long, sinh năm 1980, trú quán tại khu 4, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời. Đội QLTT số 4 hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Cục QLTT tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Thành Long và buộc tiêu hủy hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Trong 7 tháng năm 2024, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 746 vụ, phát hiện xử lý 690 vụ/705 đối tượng/820 hành vi vi phạm, với tổng số tiền trên 22,2 tỷ đồng, bằng 150% so với cùng kỳ 2023; tổng số thu nộp ngân sách trên 10,6 tỷ đồng, đạt 118,8% chỉ tiêu Tổng cục giao. Trong đó, phát hiện, xử lý hàng hóa buôn lậu 83 trường hợp, phạt tiền gần 1,2 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu huỷ trên 1,1 tỷ đồng; xử lý phạm về an toàn thực phẩm 249 trường hợp, phạt tiền trên 2,5 tỷ đồng, bằng 188% so với cùng kỳ 2023, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 5,1 tỷ đồng.

Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh bắt giữ lô hàng thuỷ sản (hàu giống) không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật tại các địa bàn, khu vực trọng điểm. Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, không tham gia tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa, động vật, sản phẩm động vật; không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương đẩy mạnh kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa trên bộ, trên biển; nắm tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Việc buôn bán, nhập lậu số lượng lớn giống vật nuôi vào nội địa đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đàn vật nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi. Trước tình trạng nhập lậu giống vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh về ngăn chặn nhập lậu, vận chuyên trái phép động vật, sản phẩm động vật. Trong đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng, Cục QLTT, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông, đường bộ... kịp thời ngăn chặn các trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi qua biên giới và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm cần phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Hải quan Chi Ma phối hợp bắt giữ và hủy 1,5 tấn chân gà không rõ nguồn gốc

Trước đó, hồi 10 giờ ngày 9/8/2024, trong khi tuần tra, kiểm soát tại thôn Bản Giểng, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, Hải quan Chi Ma phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma và Công an xã Tú Mịch phát hiện 2 nam giới khoảng hơn 20 tuổi đứng bên cạnh 2 hai xe ô tô con màu trắng đang dừng đỗ tại khu vực bãi đất trống ven đường có nhiều biểu hiện nghi vấn.


Hải quan Chi Ma kiểm tra số tang vật vi phạm. Ảnh: HQ Chi Ma

Tại đây, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hành chính, qua đó, phát hiện bên trong 2 hai chiếc xe ô tô có chứa 100 bao hàng chân gà đông lạnh, với tổng trọng lượng 1,5 tấn, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản vi phạm, đưa các đối tượng và toàn bộ tang vật cùng phương tiện về đồn để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 12/8, tổ công tác đã tiến hành tiêu hủy tang vật vi phạm trước sự chứng kiến của các lực lượng chức năng.

Tương tự, Ngày 14/8, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Tổ 141 phía Bắc (Công an tỉnh Quảng Bình) phát hiện và tạm giữ một xe ô tô tải chở 11 tấn mỡ động vật không rõ nguồn gốc, đang có dấu hiệu phân hủy, bốc mùi hôi thối.

Trước đó, vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 13/8/2024, tại Km 671, Quốc lộ 1A, bằng phương pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã đón dừng, kiểm tra xe ô tô tải  73G-012.98 do lái xe Phan Tri Thức (sinh năm 1991, thường trú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) điều khiển.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 225 bao mỡ động vật (khoảng 11 tấn) đang có dấu hiệu phân hủy, bốc mùi hôi thối và không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Lái xe Phan Tri Thức khai nhận đang chở số mỡ này ra phía Bắc tiêu thụ.

Tăng cường triển khai, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Trong nhiều năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng 4,5 – 6%, ngành thủy sản 4 - 8%. Quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi với hơn 6 triệu hộ nông dân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Để giải quyết tình hình trên, Cục Thú y đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo triển khai, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Cơ quan chức năng cũng chỉ ra rằng hệ lụy từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Công tác chống buôn lậu, nhập lậu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Do đó, hoạt động này cần được quan tâm đúng mực và đấu tranh quyết liệt.

Hiện tại, các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về phía các địa phương, cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn, bản. Xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý và tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép trên địa bàn. Tổ chức chỉ đạo thống kê đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết hợp thức hóa nguồn gốc động vật nhập lậu qua biên giới.

Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật. Các đồn biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn khu vực biên giới, tập trung kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép qua biên giới. Hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra chặt chẽ hàng hóa qua cửa khẩu; tập trung kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ở các cửa khẩu. Cơ quan thú y tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối, thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ…

 

 
Thanh Xuân (Tổng hợp từ Baoquangninh, Congly, Thanhnien, baotintuc...)
Ý kiến bạn đọc
Top