Đang vào vụ thu hoạch, lạc, dưa bở, dưa chuột, mướp đắng… không những được mùa mà còn được giá, người nông dân rất phấn khởi.
Lạc được mùa, tăng giá
Thời điểm này đang là cao điểm thu hoạch lạc xuân, nông dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An) phấn khởi vì thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.
Bà con phơi lạc ngay trên đồng sau khi thu hoạch xong. Ảnh: Hồng Diện
Năm nay, lạc tươi bán ngay tại chân ruộng có giá 16.000 đến 17.500 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 2 – 7,5 nghìn đồng/ kg. Đối với lạc củ khô có giá 37.000 - 40.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg lạc nhân. Theo người trồng lạc thì các mức giá này đã đạt cao kỷ lục chưa từng có trong hàng chục năm qua.
Năm nay sức mua tăng mạnh nên nông dân thu hoạch đến đâu được các thương lái đến thu mua ngay tại ruộng đến đó. Bên cạnh việc xuất bán lạc tươi, một số hộ ở địa phương chọn cách phơi khô để bán quanh năm.
Theo ông Vũ Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu): Vụ sản xuất này nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích lạc trên địa bàn phát triển xanh tốt. Dự kiến sản lượng lạc tươi của xã đạt 60 tạ/ha, với giá trị đạt hơn 100 triệu đồng, cao gấp đôi so với vụ xuân năm 2022. Lạc năm nay củ chắc đều, bán được giá nên nông dân rất phấn khởi và khoảng 10 ngày tới sẽ là thời điểm thu hoạch đồng loạt trên tất cả các xứ đồng.
Năm 2023, Nghệ An phấn đấu sản xuất 9.500 ha lạc, trong đó các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu... là những vùng sản xuất trọng điểm của loại cây màu này.
Nông dân Thạch Hà vào vụ thu hoạch dưa
Hiện nay bà con nông dân ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang vào vụ thu hoạch các loại dưa lê, dưa gang, dưa hấu. Giá bán ổn định nên người dân phấn khởi vào vụ thu hoạch.
Ông Đậu Xuân Lý (thôn Việt Yên, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) đang tất bật thu hoạch dưa. Ông Lý cho biết: “Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 2 sào dưa bở, dưa lê và dưa hấu. Tuy đầu vụ thời tiết thất thường ảnh hưởng đến sự phát triển của cây nhưng nhờ chăm sóc tốt nên năng suất vẫn ổn định, nhiều quả dưa bở đạt trên 3kg. Chỉ mới giữa vụ nhưng chúng tôi đã thu hoạch đạt trung bình khoảng 8 tạ/1 sào dưa lê; dưa dưa bở và dưa hấu đạt 1-1,2 tấn/1 sào”.
Ông Đậu Xuân Lý (thôn Việt Yên, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) đang tất bật thu hoạch dưa.
Mỗi sào trồng dưa, người dân đầu tư khoảng 1 triệu đồng, bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chưa tính tiền công chăm sóc. Nếu vụ dưa cho năng suất 7- 8 tạ/sào và bán được giá nhập tại vườn từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, bà con sẽ thu lãi khoảng 10 triệu đồng.
Dưa lê là cây trồng ngắn ngày cho năng suất cao. Thời gian từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch trong khoảng từ 55 – 60 ngày. Những năm gần đây, để tránh tình trạng bị thương lái ép giá khi vào vụ thu hoạch rộ, các hộ trồng dưa đã tiến hành trồng gối vụ, giúp việc thu hoạch kéo dài, tiêu thụ được thuận lợi hơn.
Mướp đắng, dưa chuột được giá, nông dân phấn khởi
Các vùng sản xuất của Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã vào chính vụ thu hoạch mướp đắng, dưa chuột. Giá thu mua tốt nên người dân rất phấn khởi thu hoạch.
Chị Thanh (thôn Trung Thành, xã Cẩm Trung) thu hoạch mướp đắng.
Nhiều năm nay, mướp đắng và dưa chuột đều được giá nên ngày càng nhiều các hộ dân đầu tư sản xuất bài bản, mở rộng diện tích. Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Trung Thành, xã Cẩm Trung) có khu vườn rộng 1.500 m2, tất cả đều được sử dụng để trồng mướp đắng.
“Từ buổi tối, thương lái đã hẹn đặt hàng nên tôi tranh thủ hái để kịp bán. Trung bình cứ 2 ngày, tôi ra vườn thu hoạch được gần 1 tạ mướp đắng. Mướp đắng hiện có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu mùa lại nay, tôi đã xuất bán gần 1,5 tấn mướp đắng, thu về hơn 22 triệu đồng", chị Thanh phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Viết Hải (thôn Tân An, xã Cẩm Bình) chia sẻ: “Đầu vụ, dưa chuột có giá 15.000 đồng/kg, thời điểm này 9.000 đồng/kg. Ở mức giá này, nông dân chúng tôi đã có lãi vì trồng dưa chuột chi phí thấp, thị trường ổn định. Vụ này, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 15 tạ, trị giá hơn 13 triệu đồng".
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ - một thương lái thu mua dưa chuột ở xã Cẩm Trung, hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đối với mướp đắng và dưa chuột rất lớn. Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 7 tạ, bán hết trong ngày. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được khoảng 30 tấn, chủ yếu tiêu thụ tại các chợ ở thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh".
Cần có sự liên kết sản xuất chế biến để nâng cao giá trị
Trong khi phần lớn rau quả tươi của Việt Nam khi xuất khẩu có đích đến là thị trường Trung Quốc, thì nhóm sản phẩm rau quả chế biến lại đang tăng trưởng nhanh ở những thị trường xa, đặc biệt là EU và Hoa Kỳ.
Điều này dễ lý giải, do trái cây và rau là những mặt hàng nhanh hỏng, thời gian bảo quản rất ngắn, nên chỉ thích hợp lưu thông và tiêu thụ ở các thị trường gần.
Với thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, rau quả tươi rất khó để vượt qua hành trình tàu biển kéo dài cả tháng. Nếu vận chuyển bằng máy bay thì cước phí vận chuyển quá cao. Trong khi đó, trái cây đã chế biến đóng hộp, nước ép trái cây đóng chai có thời gian sử dụng 1-2 năm, giúp vượt qua những thách thức vận chuyển dài ngày.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây và rau thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt trên dưới 31 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng đưa vào chế biến mới chỉ đạt khoảng 4,5 triệu tấn, chiếm 12 - 17% trong tổng sản lượng rau quả cả nước.
Điều này khiến 76% rau quả xuất khẩu vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng thấp.
Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm, chỉ chế biến được khoảng 8 - 10% sản lượng trái cây, rau củ mỗi năm. Ngoài ra, 3,4 triệu tấn được chế biến bởi 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, những sản phẩm này khó đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C cho hay , phát triển ngành trái cây, rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.
Vì thế, Nhà nước cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu; Tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.