Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 21:49

Những gam màu sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt Nam đang được nhiều quốc gia ưa chuộng. Dự báo xuất khẩu rau quả trong những tháng tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa thu hoạch nhiều trái cây.

Thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc mở cửa trở lại.

Trong bức tranh hàng hóa xuất khẩu phủ gam màu xám bởi đợt giảm cầu ở nhiều thị trường thì trái cây hiện là nhóm hàng hiếm hoi xuất khẩu có mức tăng gần 43% trong 5 tháng đầu năm.

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc nhập khẩu tăng 80,2% và chiếm gần 63,5% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả tăng mạnh

Xuất khẩu chuối đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia của Hợp tác xã (HTX) chuối Laba Banana Đạ K’Nàng trong 5 tháng đầu năm tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Võ Thị Thu, Phó chủ nhiệm HTX này, cho biết hiện sản phẩm chuối trồng của HTX trên diện tích 400 héc ta ở tỉnh Lâm Đồng không đủ cung ứng thị trường các nước do nhu cầu khách hàng tăng cao, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 70%.

“Nhu cầu của các nhà nhâp khẩu lên đến khoảng 30 tấn/ngày, trong khi khả năng cung ứng của HTX chỉ được 13 tấn/ngày”, bà Thu nói. Đó là chưa tính đến khách hàng là nhà nhập khẩu cho thị trường Mỹ cũng đề nghị được nhập khẩu đặc sản trái chuối ở Lâm Đồng của HTX.

Hiện HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đang hợp tác với các chủ đất lớn ở địa phương để tăng diện tích trồng 400 ha lên 700 ha vào cuối năm nay.

Tương tự, tại Vina T&T Group, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc của Vina T&T Group, cho hay lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ lực vẫn là thị trường Trung Quốc, và công ty cũng không ngừng đẩy mạnh ở các thị trường khó tính khác như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc…

Không riêng ở hai doanh nghiệp nói trên có kết quả xuất khẩu tăng cao, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, mặt hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu trên 2,03 tỉ đô la Mỹ, đạt mức trị giá xuất khẩu trong 5 tháng cao nhất từ trước tới nay và tăng tới 42,9% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít, dưa hấu, vải thiều… đều tăng trưởng cao. Các doanh nghiệp nhận xét, năm nay xuất khẩu các loại trái cây, rau quả sang hầu hết các thị trường đều thuận lợi, đơn hàng tăng trưởng đều đặn. Song, bùng nổ nhất vẫn là thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng việc tăng trưởng cao này là do từ đầu năm nay thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch. Những năm gần đây Trung Quốc bị hạn hán rất nặng, ảnh hưởng đến diện tích, sản lượng cây trồng, cây ăn trái trong nước. Diện tích trồng bị thu hẹp, trong khi nhu cầu của người dân ở nước này ngày càng tăng cao.

Cùng với đó, người dân có xu hướng tăng mua thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật để ngăn ngừa bệnh tật, tăng tuổi thọ. Do đó, việc sử dụng rau quả ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu. Hơn nữa, Việt Nam nằm sát với Trung Quốc, thị trường tỉ dân là lợi thế rất lớn.

Thực tế, từ đầu năm 2023 khi Trung Quốc khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh bình thường ở biên giới phía Bắc, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, nhất là các địa bàn trọng điểm như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… mỗi ngày có hàng trăm xe hàng nông sản xuất khẩu được thông quan.

Nhiều cơ hội để trái cây Việt Nam tiếp tục vươn xa

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam cho thấy có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng trưởng cao và vươn xa khi gần đây liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực ở các thị trường nhập khẩu, mở ra bước ngoặt lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Sơ chế quả vải xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Đỗ Phong.

UBND tỉnh Đồng Nai tuần vừa qua đã tổ chức lễ xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên 360 tấn sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, 20 xe container chở 360 tấn sầu riêng (giống Dona và Ri6) đã xuất bến sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Với diện tích hơn 11.345 ha, Đồng Nai được xem là “thủ phủ” trồng sầu riêng của Đông Nam bộ với tổng sản lượng đạt gần 69.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói, 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820 héc ta được cấp mã vùng trồng, sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện có 61 vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 2.000 ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số.

Với diễn biến trên cho thấy cơ hội xuất khẩu trái sầu riêng của Việt Nam rất lớn. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sự tăng trưởng rau quả trong 5 tháng vừa qua cũng có sự đóng góp đáng kể của sầu riêng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, dù mới được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cuối năm 2022 nhưng trong 5 tháng đầu năm, sầu riêng đã ở vị trí tốp đầu trong ngành trái cây xuất khẩu, đạt hơn nửa tỉ đô la, tăng 475,8 triệu đô la, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu đô la của cùng kỳ năm trước.

Hoặc với trái vải đang vào mùa vụ, 56 tấn vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Đây là lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu qua đường sắt sang thị trường Trung Quốc.

Ở khu vực miền Trung, cùng thời gian trên Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm (Thanh Hóa) đã hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ trái vải không hạt sang Nhật Bản và 5 tạ sang Anh bằng đường hàng không, đánh dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm 2023 sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt Nam đang được nhiều quốc gia ưa chuộng. Dự báo xuất khẩu rau quả trong những tháng tới tiếp tục khả quan khi bước vào mùa trái cây, đặc biệt là vải thiều rộ mùa vào tháng 6, tháng 7.

Bên cạnh đó, sầu riêng có cơ hội vươn lên trở thành mặt hàng tỉ đô la khi vừa có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay của Việt Nam có thể vượt mốc 4 tỉ đô la, đạt 4,5 tỉ đô la.

Sầu riêng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Cần phát triển bền vững và chuyển đổi nông nghiệp tái sinh

Với chất lượng ngày càng đi lên, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính, mặt hàng trái cây được dự báo sẽ liên tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng bền vững đòi hỏi doanh nghiệp phải hành động nhiều hơn nữa trong việc phát triển bền vững, canh tác hữu cơ, hoặc chuyển đổi nông nghiệp tái sinh – một phương thức dựa trên chất lượng đất và cây trồng.

Bà Võ Thị Thu cho biết HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng có sản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng cao ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia là do HTX đã đi theo hướng phát triển bền vững, trồng chuối hữu cơ theo chuẩn Nhật Bản.

Chuối Laba ở Đạ KNàng phải trải qua một quá trình chọn lọc, đáp ứng hình thức đẹp và chất lượng tốt với một quy trình hết sức khắt khe từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu dưới sự giám sát chặt chẽ của phía đối tác Nhật Bản hơn 6 năm trước.

“Nhờ đạt chuẩn về yêu cầu kỹ thuật mà ở thị trường Nhật Bản giờ đã có ba nhà nhập khẩu và HTX còn xuất khẩu sang Hàn Quốc và Malaysia. Một số nhà nhập khẩu cho thị trường Mỹ cũng liên hệ cung ứng chuối, nhưng Laba Banana Đạ K’Nàng chưa dám nhận vì năng lực hiện không đủ cầu”, bà Thu chia sẻ.

Canh tác theo phương thức hữu cơ, tiêu chuẩn Nhật Bản giúp trái chuối của HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng xuất khẩu tăng mạnh, không đủ cung ứng trên thị trường.

Tổng giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho rằng sản phẩm trái cây Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí ở nhiều thị trường khác nhau, trong đó mỗi thị trường là một sân chơi riêng, mỗi sân chơi lại có luật chơi riêng. Do đó, Vina T&T Group luôn kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn của từng “sân chơi”.

Thực tế cho thấy, trong khi nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận đơn hàng, thậm chí bị từ chối đơn hàng, thì các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, canh tác bền vững, tái sinh…. lại không thể nhận thêm đơn hàng bởi đã quá năng lực cung ứng.

Hiện nay, các thị trường nhập khẩu rau quả khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc… đang hướng tới kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Đây là xu hướng tương lai.

Theo ông Tùng, hiện nay các nhà nhập khẩu chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng, nhưng doanh nghiệp muốn phát triển xuất khẩu phải đầu tư ngay. Đây là vấn đề cấp thiết. “Đừng đợi khi các nhà nhập khẩu ra luật, lúc đó mới bắt tay vào sẽ là chậm, mất cơ hội xuất khẩu”, ông Tùng lưu ý, và dẫn chứng như quy định cà phê không được trồng trên đất rừng. Nhà nhập khẩu ra tiêu chuẩn này doanh nghiệp phải đáp ứng ngay, còn lòng vòng đi chứng minh sẽ mất thời gian, cơ hội tuột khỏi tầm tay.

Đáng chú ý, trên thị trường quốc tế, trái cây Việt Nam gần như không có thương hiệu nào nổi tiếng đáng tự hào như nhiều sản phẩm của Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, New Zealand… Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái cây theo giới phân tích là để gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu 4 tỷ USD dự báo "trong tầm tay"

Theo ước tính từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong nửa đầu năm nay có thể đạt được hơn 2,7 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo về một năm xuất khẩu bùng nổ của ngành rau quả đã được đưa ra từ cuối năm ngoái. Nếu so với mục tiêu là 4 tỷ USD của năm 2023, có thể nói khả năng về đích sớm của ngành rau quả là trong tầm tay.

Năm 2023, xuất khẩu rau quả đón nhận nhiều tin vui, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD trong tầm tay.

Nhìn vào nửa đầu năm nay, thị trường Trung Quốc đóng góp đến gần 64% giá trị xuất khẩu. Hàng loạt các nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch từ cuối năm ngoái được kí kết đã tạo động lực xuất khẩu mạnh mẽ cho rau quả Việt Nam. Sắp tới, cơ quan quản lý của hai nước cũng sẽ tạo điều kiện thông thương để duy trì tốc độ xuất khẩu.

Trong nhóm mặt hàng rau quả chủ lực, sầu riêng soán ngôi của thanh long để vươn lên vị trí dẫn đầu với hơn 500 triệu USD, tiếp sau là chuối, mít… Đây đều là nhóm các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỉ dân.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Trong quý II tình hình xuất khẩu biên giới thuận lợi, kim ngạch cả năm có thể tăng so với năm ngoái khoảng 20%, nhờ kim ngạch của mặt hàng sầu riêng, chuối và mít".

Bên cạnh duy trì tốc độ xuất khẩu để cán đích sớm, quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu và phổ biến tới nông dân quy trình chuẩn hóa.

Tuy nhiên, tỷ trọng rau quả chế biến trong nửa đầu năm nay chỉ chiếm chưa đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Bài toán phát triển bền vững là tăng tỷ trọng rau quả chế biến lên cao hơn. Điều này không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top