Các loại heo, trâu, bò, gà, vịt và nội tạng không rõ nguồn gốc nhập lậu từ nước ngoài thường mang nhiều mầm bệnh như: lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả, virus cúm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, làm tổn hại cho ngành chăn nuôi và mất ổn định thị trường...
Lợn lậu buôn bán, vận chuyển qua biên giới diễn ra phức tạp
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Campuchia làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển,…
Hầu hết, lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn thức ăn có chứa các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.
Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài trên 230km với nhiều đường mòn, lối mở. Vì vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới luôn diễn biến phức tạp, khó lường.
Cơ quan chức năng đã bắt giữ số lượng lớn con giống gia cầm nhập lậu Ảnh: Tổ QLĐB Lộc Bình (Lạng Sơn)
Thời gian qua, lực lượng chức năng địa phương liên tục phát hiện các vụ buôn lậu, tuy nhiên mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu là hàng tiêu dùng do các cư dân biên giới chẻ nhỏ vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam qua các đường mòn, lối mở và hai bên cánh gà cửa khẩu.
Đối tượng chủ yếu là cư dân các xã biên giới thuộc huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng chuyên vận chuyển thuê hoặc trực tiếp mua bán vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Để chấm dứt ngay tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị địa phương tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn vào Việt Nam.
Sau khi có văn bản từ Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ biên giới vào địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt tập trung xử lý các trường hợp động vật nghi ngờ nhập lậu từ Campuchia.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa điểm tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển trâu, bò, heo, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Riêng các địa phương, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị thống kê số liệu, kiểm soát đàn vật nuôi của địa phương, đặc biệt các xã có chung biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự câu kết, hợp thức hoá nguồn gốc đàn vật nuôi được vận chuyển, nhập lậu. Đồng thời chú ý các trường hợp hợp thức hoá, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng nêu rõ, lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thuỷ sản qua biên giới và địa bàn tỉnh quản lý dẫn đến tình trạng phát sinh dịch bệnh.
Kiểm soát chặt chẽ
Là đầu mối giao thông trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, Trạm kiểm dịch động vật Suối Sâu có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh động vật.
Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, là tỉnh biên giới với nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, cửa khẩu địa phương và nhiều đường mòn lối mở, rất thuận tiện trong việc trao đổi buôn bán... nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm qua đường biên giới rất cao.
Bình quân mỗi ngày có hàng chục lượt phương tiện vận chuyển hàng nghìn gia súc, gia cầm qua Trạm kiểm dịch động vật Suối Sâu. Xác định thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là biện pháp ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, cán bộ tại Trạm luôn tập trung chuyên môn, không lơ là chủ quan, tăng cường kiểm tra, giám sát liên tục 24/24 giờ, đảm bảo trọng trách được giao.
“Cùng với việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Chi cục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật trái phép”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cho biết thêm, đặc điểm của tuyến biên giới của Tây Ninh đa số là đồng bằng, đường đi bằng phẳng rất dễ để các đối tượng buôn lậu nhắm đến.
Xác định nhập lậu gia súc, gia cầm vào biên giới sẽ có tác động đến kinh tế nói chung và mối nguy về việc lây lan dịch bệnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là lực lượng công an, lực lượng hải quan, ngành nông nghiệp tích cực tuần tra, kiểm soát chặt ở các đường mòn, lối mở qua biên giới, kiên quyết không để lợn từ Campuchia vào trong nội biên.
“Người dân không nên tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia súc, gia cầm nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh”, Đại tá Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh khẳng định, từ đầu năm đến nay, tỉnh chưa phát hiện trường hợp, đối tượng buôn lậu lợn qua biên giới.
“Sau khi nhận công văn từ Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu lợn qua biên giới”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Giải pháp “trị” tận gốc
Hiện nay, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng vạn con gia cầm được nhập lậu vào Việt Nam. Theo cơ quan quản lý, đây là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư phát triển chăn nuôi trong nước.
Nói về vấn đền này, ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, khẳng định, trách nhiệm phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm trong ngành nông nghiệp trước hết thuộc về Cục Chăn nuôi. Buôn lậu, gốc rễ nguyên nhân là do chênh lệch giá cả. Còn việc bày bán công khai là trách nhiệm của Sở NN&PTNT từng địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, thẳng thắn cho biết tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp từ nhiều năm nay, nhất là những lúc chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và ngước ngoài. Do đó, việc phòng chống buôn lậu phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ làm từng đợt cao điểm.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, kiến nghị cần cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Ông Dương cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chăn nuôi tăng trưởng từ 3 – 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi, nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi”.
Để ngăn chặn tình trạng này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng địa phương phải tập trung phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm một cách thường xuyên liên tục. “Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành không thể đứng ngoài cuộc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn trường hợp vận chuyển trái phép, nhập lậu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi qua biên giới vào Việt Nam, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kiến nghị cơ quan thẩm quyền về trường hợp vi phạm cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi trên địa bàn; lập kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức kiểm tra, thanh tra về sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định; chỉ đạo lực lượng công an chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm yêu cầu đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường theo quy định…