Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, việc quảng bá, bán hàng hóa, đặc biệt là nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu thế giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng.
Thương mại điện tử đã và đang là kênh tiêu thụ nông sản phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, tình trạng mạo danh đặc sản vùng miền ngày càng tràn lan trên môi trường mạng gây ảnh hưởng đến người sản xuất và người tiêu dùng.
Giả mạo đặc sản ngày càng gia tăng
Theo thống kê mới nhất từ nền tảng số liệu thương mại điện tử (Metric), tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok shop ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu, chiếm 67,9% thị phần.
Hạt điều gắn mác Bình Phước bán tràn lan trên mạng với giá rẻ hơn một nửa so với sản phậm thật trên thị trường. Ảnh: Lê Tỉnh.
Từ con số trên, có thể thấy, thói quen mua sắm đã thay đổi, hiện nay, người Việt đi chợ mạng thường xuyên hơn để mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Nắm bắt xu thế này, nhiều địa phương, HTX nông nghiệp đã tích cực động viên, khuyến khích, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT. Với kênh thương mại điện tử, hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt, ngoài thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm đối tác, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng, TMĐT cũng tạo ra những kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với những thủ đoạn tinh vi cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Bà Thanh Kiều ở TP Thủ Đức (TP HCM) cho biết, bà mua 10 kg bơ 034 trên một tài khoản Facebook tên M.L, được quảng cáo dẻo, thơm ngon, ruột vàng, cơm dày, hạt lép. Khi bà nhận hàng lại phát hiện loại bơ này bị nhão và đây là loại bơ sáp. Đáng nói, phía ngoài thùng carton vẫn dán nhãn “Bơ 034 - Đặc sản Tây Nguyên - Cam kết hàng ngon 100%”. “Tôi liên hệ người bán để trả hàng và yêu cầu hoàn tiền nhưng họ không phản hồi”, bà Kiều kể.
Mới đây, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước, có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh về việc bảo vệ thương hiệu “Hạt điều Bình Phước” trước việc một số website, mạng xã hội... lợi dụng thương hiệu “đặc sản Bình Phước” để rao bán hạt điều giá rẻ.
Theo đó, các cơ sở này rao bán hạt điều bể giá chỉ 100.000 đồng/6 hộp (3 kg) hay 100.000 đồng/3 hộp hạt điều còn vỏ lụa 1,5kg. Thế nhưng, qua xác minh, những sản phẩm trên không có nguồn gốc từ Bình Phước, mà là hạt điều nhập khẩu vụ cũ, kém chất lượng. Cụ thể, sản phẩm có nhiều hạt sâu, nhăn teo, một số bị mốc, không còn mùi vị đặc trưng của nhân điều, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đa số sản phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng.
Trước tình trạng này, Hiệp hội Điều Bình Phước đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, quảng cáo sản phẩm hạt điều giả mạo. Hiệp hội cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua sắm, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Tương tự, HTX chè Khe Năm (Yên Bái) cũng bị mạo danh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và chất lượng sản phẩm của HTX.
Trao đổi với báo chí, anh Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc HTX chè Khe Năm, cho biết, HTX nhận được nhiều phản ánh từ khách hàng về việc mua phải chè mạo danh chè Khe Năm với chất lượng kém, không đảm bảo hương vị và an toàn sức khỏe.
“Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, HTX cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết chè đặc sản chính hãng, nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và uy tín của thương hiệu”, anh Thanh nói.
Trên đây chỉ là vài ví dụ về việc mạo danh nông sản đặc sản. Trên thực tế, việc mạo danh đang trở thành nỗi lo lớn cho cả doanh nghiệp, HTX, người sản xuất và người tiêu dùng.
Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
Tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng TMĐT đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, niềm tin của người tiêu dùng.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng mạo danh đặc sản, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Ham hàng giá rẻ là hành vi tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái!
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.
Tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, cho rằng, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Hàng năm, Cục thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao, triển khai và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, diễn biến của thị trường.
Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm, mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…).
Cùng với đó, doanh nghiệp, HTX sản xuất đặc sản cần chú trọng đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Điều này bao gồm việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sử dụng các biện pháp chống hàng giả và tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng vào sản phẩm chính thống.
Theo các chuyên gia, những sản phẩm thực phẩm giả mạo tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, bởi không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể chứa các chất phụ gia độc hại hoặc không rõ thành phần. Người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
Do vậy, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trước khi mua hàng; áp dụng, công nghệ tiên tiến để theo dõi và xác minh nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, bản thân hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi khi nào người tiêu dùng vẫn còn tâm lý “ham rẻ” thì loại hàng hóa này vẫn còn môi trường để tồn tại.
Đồng thời, cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn như yêu cầu trả hàng, tố cáo với đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu mua phải các mặt hàng vi phạm chất lượng, góp phần bảo vệ doanh nghiệp chân chính và quyền lợi chính đáng của chính mình và cả cộng đồng.