Cua tuyết Na Uy vốn nổi tiếng là loại hải sản ngon hàng đầu với chất lượng hảo hạng, được các đầu bếp kỹ tính nhất thế giới ưa chuộng. Những ngày này, mọi ánh mắt tiếp tục đổ dồn vào loài cua tuyết đặc sản của Na Uy - nhưng với một góc độ khác.
Cuộc chiến pháp lý về quyền đánh bắt cua tuyết ngoài khơi Na Uy về phía Bắc Cực đang trở nên nóng bỏng, khi đây được cho là phép thử về khả năng kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt của nước này. Nhất là khi, biến đổi khí hậu đang khiến Bắc Cực nóng lên và tan băng, làm lộ diện nhiều các nguồn tài nguyên quí hiếm.
Cua tuyết Na Uy đang là tâm điểm của cuộc chiến pháp lý. Nguồn: Euronews
Vụ kiện thu hút sự chú ý của dư luận
Vụ kiện của công ty SIA Sao Bắc (North Star) của Latvia lên Toà án tối cao Na Uy đang thu hút sự chú ý lớn của dư luận không chỉ tại Na Uy mà còn tại châu Âu bởi vụ kiện này có các tác động vượt ra ngoài khuôn khổ các tranh chấp đơn thuần về nguồn lợi hải sản. Cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là vụ kiện đầu tiên của công ty đánh cá Latvia đối với nhà chức trách Na Uy. Cuối năm 2019, chính công ty này của Latvia cũng đã thua kiện trong một vụ kiện lên Toà án tối cao Na Uy về chính các tranh chấp liên quan đến việc khai thác, đánh bắt cua tuyết xung quanh quần đảo Svalbard của Na Uy.
Trong vụ kiện năm 2019, công ty của Latvia đưa ra lập luận rằng cua tuyết là loại hải sản giống như các loại hải sản khác như cá, mực, tức là loại hải sản có di chuyển quanh các vùng nước nên việc đánh bắt cua tuyết phải được kiểm soát bởi các quy định trong các thoả thuận về nghề cá khu vực, cũng như thoả thuận nghề cá giữa Liên minh châu Âu – EU với Nga.
Công ty này cho rằng họ chỉ cần có giấy phép đánh bắt hải sản do Uỷ ban châu Âu cung cấp là được phép khai thác cua tuyết quanh vùng quần đảo Svalbard của Na Uy. Tuy nhiên, lập luận này của phía công ty Latvia năm 2019 bị Toà án tối cao Na Uy bác bỏ vì toà án nhận định, cua tuyết là loại hải sản có tính quần tụ, ít di cư nên theo Luật biển của Liên Hợp Quốc, cua tuyết phải được coi là một nguồn tài nguyên hải sản thuộc về thềm lục địa Na Uy. Khi đó, các ngư dân các nước khác tại châu Âu muốn đánh bắt cua tuyết quanh quần đảo Svalbard của Na Uy cần phải được Na Uy cấp giấy phép chứ không thể chỉ dựa vào giấy phép của EU.
Trong lần kiện này, phía công ty Latvia đưa ra một lập luận khác: đó là theo Hiệp ước Svalbard được nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ký năm 1920, các nước công nhận chủ quyền của Na Uy đối với quần đảo Svalbard nhưng các nước tham gia ký Hiệp ước cũng được phép tiếp cận với vùng biển quanh quần đảo này của Na Uy để đánh bắt hải sản và khai thác các nguồn tài nguyên khác như dầu, khí.
Do đó, phía công ty Latvia khẳng định họ có toàn quyền đánh bắt cua tuyết trong vùng biển mở rộng xung quanh quần đảo Svalbard của Na Uy mà không cần sự cho phép của chính quyền Na Uy. Thực tế, trong câu chuyện này, cua tuyết chỉ là một lí do. Mặc dù ngành công nghiệp đánh bắt cua tuyết mang về mỗi năm hơn 400 triệu euro nhưng nguồn lợi kinh tế này không phải là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tranh chấp cũng như sự phản đối quyết liệt của phía Na Uy. Lí do chính là Na Uy lo ngại rằng nếu chấp nhận cho các nước khác được tự do khai thác cua tuyết quanh quần đảo Svalbard thì đó sẽ là tiền lệ cho việc khai thác tài nguyên khoáng sản như dầu mỏ, khí đốt… quan trọng hơn nhiều tại thềm lục địa của Na Uy.
Tranh chấp tại Bắc Cực
Đây chính là cốt lõi của những tranh chấp liên quan đến việc đánh bắt cua tuyết hiện nay giữa Na Uy với một số nước khác ở châu Âu. Tranh cãi lớn nhất mà Toà án tối cao Na Uy cần phải giải đáp, đó là hiệu lực của Hiệp ước Svalbard năm 1920 cần được áp dụng đến mức độ nào. Phía công ty Latvia, và chắc chắn đứng sau đó là nhiều lực lượng khác, đòi hỏi Hiệp ước Svalbard 1920 cần phải được áp dụng cho toàn bộ vùng biển mở rộng quanh quần đảo Svalbard, tức bao gồm cả thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền của Na Uy nhưng chính quyền Na Uy tuyên bố, Hiệp ước Svalbard chỉ được áp dụng trong phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Svalbard chứ không thể mở rộng ra cả thềm lục địa của Na Uy.
Giới phân tích đánh giá, đây là một cuộc chiến pháp lý “được ăn cả, ngã về không” bởi nếu Toà án tối cao Na Uy đưa ra phán quyết có lợi cho công ty Latvia thì Na Uy có thể mất quyền kiểm soát chủ động đối với các nguồn tài nguyên quan trọng như dầu, khí, khoáng sản… nằm trên thềm lục địa quanh quần đảo Svalbard và các nước châu Âu khác có thể sẽ nhanh chóng nhảy vào đòi hỏi quyền lợi kinh tế tại khu vực này. Tất nhiên về tổng thể chính quyền Na Uy vẫn có quyền kiểm soát nhất định đối với các hoạt động tại khu vực này, như việc quyết định có tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí hay không nhưng việc mở ra một tiền lệ nguy hiểm là điều mà chính quyền Na Uy tuyệt đối không muốn xảy ra.
Chính vì tầm quan trọng của vụ kiện này vượt xa khỏi các tranh chấp liên quan đến đánh bắt cua tuyết nên trong lần xử này, Toà án tối cao Na Uy đã tập hợp đến 16 thẩm phán và sẽ dành rất nhiều thời gian để xem xét vụ kiện, trong khi vào năm 2019, Toà án tối cao Na Uy chỉ tập hợp 5 thẩm phán. Phán quyết sẽ được đưa ra trong thời gian 2-3 tháng tới.
Dự báo kết quả cuộc chiến pháp lý
Quần đảo Svalbard của Na Uy nằm trọn trong vành đai Bắc Cực và là điểm nằm giữa Na Uy với Bắc Cực. Trước đây, do thời tiết băng giá quanh năm nên việc khai thác các nguồn lợi tài nguyên tại Bắc Cực gặp nhiều trở ngại và không được chú trọng nhiều nhưng hiện tại, tình trạng biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên, băng tan nhiều hơn nên việc tiếp cận với Bắc Cực dễ dàng hơn, mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các nước nằm quanh vành đai Bắc Cực.
Giới nghiên cứu địa chính trị ở châu Âu gần đây ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vai trò chiến lược ngày càng lớn của Bắc Cực và dự báo việc trái đất ấm hơn sẽ mang lại cơ hội khổng lồ về kinh tế cũng như quyền lực địa chính trị cho các quốc gia ở vành đai Bắc Cực.
Chẳng hạn, một khi băng tan nhiều hơn, Nga có thể tăng cường khai thác Tuyến đường biển bắc (NSR), giúp rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng hoá từ châu Âu sang Đông Á, qua đó lật đổ vai trò thống trị hàng thế kỷ qua của tuyến đường biển từ châu Âu đi qua kênh đào Suez-Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Kịch bản này có thể sẽ xảy ra trong vài thập kỷ tới và khi đó sẽ kéo theo rất nhiều biến động địa chính trị lớn trên thế giới.
Đó cũng là lí do mà các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung Quốc vài năm qua đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào Bắc Cực nhằm duy trì, xác lập ảnh hưởng cũng như chiếm ưu thế trong việc khai thác các nguồn tài nguyên sau này của Bắc Cực. Theo các nghiên cứu của Cơ quan địa chất Mỹ, Bắc Cực có thể đang lưu giữ khoảng 13% tổng dự trữ dầu và 30% tổng dự trữ khí đốt chưa được khai thác của thế giới.
Đối với Na Uy, Bắc Cực cũng đang ngày càng có vai trò lớn hơn. Quần đảo Svalbard nằm ở vị trí chiến lược, là cửa ngõ để châu Âu tiến lên Bắc Cực và nằm chắn ngang con đường từ Bắc Mỹ sang Bắc Âu. Đây cũng là vùng đất có người sinh sống xa nhất ở cực Bắc châu Âu nên về lâu dài, quần đảo Svalbard là vũ khí địa chính trị, là nguồn lợi kinh tế cực kỳ quan trọng với Na Uy.
Dựa trên các yếu tố đó, giới quan sát cho rằng, Toà án tối cao Na Uy sẽ rất khó đưa ra một phán quyết bất lợi đối với lợi ích quốc gia của Na Uy. Cũng chỉ cách đây vài ngày, Na Uy vừa khám phá ra một mỏ rất lớn quặng sắt, đất hiếm, kẽm ở vùng biển phía Bắc nước này. Các thông tin này càng làm gia tăng vai trò là cường quốc năng lượng hàng đầu châu Âu của Na Uy, giúp nước này có tiếng nói ngày càng lớn hơn tại châu Âu, trong bối cảnh châu Âu giờ đây đang cần dầu và khí đốt của Na Uy hơn bao giờ hết sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine./.
Theo vov.vn
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.