Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2023 | 10:55

Nông dân Ukraine, tiến thoái lưỡng nan

Một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ Ukraine với lý do bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước khi nguồn cung dư thừa khiến giá nông sản giảm mạnh.

Cấm nhập khẩu lương thực từ Ukraine

Một số quốc gia EU cấm nhập khẩu lương thực từ Ukraine đã gây ra những bất đồng giữa các nước thành viên và đặt EU trước thách thức củng cố tình đoàn kết nội khối.

Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra (tháng 2/2022), hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine, một trong những vựa lương thực của thế giới, đã bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, để hạn chế những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu, Ủy ban châu Âu (EC) đã thiết lập các “làn đường đoàn kết” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu của Ukraine.

Ukraine là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngô, lúa mì, hướng dương, lúa mạch và các loại thực phẩm khác. Ảnh: Vadim Ghirda.

Đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu của nền kinh tế Ukraine vốn đang gặp nhiều khó khăn, bởi xuất khẩu nông sản là nguồn thu quan trọng. Nhờ sáng kiến nêu trên, ngũ cốc từ Ukraine được trung chuyển bằng đường bộ qua các quốc gia láng giềng EU, từ đó vận chuyển sang nhiều khu vực trên thế giới. Để tạo điều kiện cho Kiev, EU cũng loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 nước thành viên.

Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể nông sản Ukraine sau khi vào EU không được xuất khẩu tiếp mà được bán phá giá tại các nước thành viên, tác động trực tiếp tới ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia. Bất bình vì hoạt động sản xuất và kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực do ngũ cốc giá rẻ tràn ngập thị trường, hàng nghìn nông dân đã tiến hành các cuộc biểu tình phản đối. Nhiều người thậm chí đã dùng xe tải và máy kéo chặn đoàn xe vận chuyển ngũ cốc của Ukraine vào EU.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước Hungary, Ba Lan, Slovakia và Bulgaria vừa áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và nông sản từ Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhấn mạnh, nếu hoạt động nhập khẩu tiếp tục diễn ra, nông dân quốc gia Trung Âu này sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề.

Theo Budapest, lệnh cấm sẽ kết thúc vào cuối tháng 6 tới. Trong khi đó, giới chức Bulgaria cũng cho biết, thời gian qua, một lượng lớn nông sản Ukraine không được xuất sang nước thứ ba mà tiêu thụ ngay tại nước này, gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, Bulgaria buộc phải áp dụng các lệnh cấm để bảo vệ ngành nông nghiệp khỏi những biến động trên thị trường.

Trước đó, một số nước thành viên EU tại khu vực Trung và Đông Âu như Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria cũng yêu cầu EU thiết lập công cụ hỗ trợ mua ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, cũng như áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine vào thị trường chung của khối.

Tuy nhiên, động thái cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine của một số quốc gia thành viên EU đang vấp phải những ý kiến trái chiều. EC cho rằng, đây là hành động đơn phương và “không thể chấp nhận”, đồng thời kêu gọi các nước phối hợp giải quyết vấn đề.

100 triệu Euro chưa đủ sức gỡ lệnh cấm ngũ cốc Ukraine

Cuộc đàm phán giữa EC và 5 quốc gia Đông Âu cuối tháng 4 đã không giải quyết được tranh chấp ngày càng tăng liên quan đến việc nhập khẩu ngũ cốc miễn thuế của Ukraine.

Trước cuộc đàm phán, phía Vương quốc Bỉ đã đưa ra một loạt biện pháp “đặc biệt” cho phép vận chuyển lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine qua năm quốc gia nhưng không được thu mua với mục đích tiêu thụ trong nước cũng như không được lưu trữ trong lãnh thổ của họ. Đồng thời, gói hỗ trợ mới cho nông dân bị ảnh hưởng trị giá 100 triệu euro cũng được đưa ra thảo luận.

Nông dân gỡ bùn bám trên bánh xe kéo trên cánh đồng tại vùng Kherson, Ukraine. Ảnh: AP

“Chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng tuân theo cách tiếp cận chung của EU, thay vì các giải pháp đơn phương né tránh nhiều lệnh cấm hay các giải pháp khiến thị trường nội bộ gặp rủi ro”, ông Valdis Dombrovskis - Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ thương mại, ông Janusz Wojciechowski - Ủy viên châu Âu về nông nghiệp,  chia sẻ trong một tuyên bố ngắn sau cuộc đàm phán diễn ra không thành công.

Năm quốc gia thành viên có liên quan, trong đó bốn nước có biên giới với Ukraine, đã khiếu nại trong nhiều tuần rằng ngũ cốc Ukraine giá rẻ đang tràn ngập thị trường của họ, lấp đầy kho chứa và khiến các nhà sản xuất địa phương gặp bất lợi.

Năm 2022, EU đã đồng ý đình chỉ thuế quan đối với nhiều loại sản phẩm của Ukraine, bao gồm cả thực phẩm, với mục đích giúp nước này duy trì nền kinh tế vốn đang rất mong manh, đồng thời bù đắp cho sự gián đoạn ở Biển Đen, tuyến đường nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nga.

Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, 5 quốc gia Đông Âu bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề cung vượt cầu đang khiến các nhà kho chật cứng, tắc nghẽn hậu cần và áp lực giảm giá quá mức. Lo sợ thiệt hại nặng nề về tài chính và việc làm, nông dân các quốc gia này đã xuống đường biểu tình để yêu cầu chính phủ của họ hành động khẩn cấp, chẳng hạn như hỗ trợ và áp dụng lại thuế quan.

Các lệnh cấm gây xôn xao dư luận quốc tế đã buộc Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phải can thiệp. Trong một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia thành viên, Chủ tịch EC hứa sẽ thực hiện “các biện pháp ngăn ngừa” nhằm giải quyết tình huống hiện tại và đưa ra gói hỗ trợ trị giá 100 triệu euro để bồi thường thiệt hại cho người nông dân.

Khó khăn mọi bề

Đất nông nghiệp “nhiễm” mìn, chi phí logistic đắt đỏ... đang đẩy nông dân trồng ngũ cốc Ukraine vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Qua con đường mòn giữa tầng lớp những cỏ dại hướng về nông trại phía Nam Ukraine, Volodymyr Zaiets cẩn thận đánh lái bởi chỉ một sơ suất nhỏ, ông sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình tại cánh đồng rải rác mìn.

Cỏ dại mọc cao vút thay thế cho hàng hoa hướng dương từng được gieo trồng trước đó. Khu đất này của ông Zaiets bị hoang hóa kể từ mùa thu 2021 và giờ đây đã trở thành những bãi mìn sót lại sau khi quân đội Nga rút đi.

Ông Zaiets né tránh cảnh báo chính thức và tự phá mìn tại khu đất của mình với mong muốn vớt vát khoảng 15% trong tổng số 1.600ha đất nông nghiệp.

Những người công nhân như Victor Kosituk vẫn miệt mài với công việc dò mìn, nhưng mặt khác họ cũng sẵn sàng bắt đầu công việc trồng trọt với máy kéo. “Chúng tôi phải làm thôi, sao mà phải sợ”, Kosituk nói.

Cuộc xung đột đã đẩy nông dân trồng ngũ cốc ở Ukraine vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ phải mạo hiểm sự sống của mình để gỡ mìn trước vụ gieo trồng mùa xuân sắp tới.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và vận chuyển cũng bị đẩy cao khi các cảng tại Biển Đen bị phong tỏa, trong khi đó, các nước châu Âu áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với ngũ cốc Ukraine để tránh tình trạng quá tải hàng hóa.

Theo các quan chức chính phủ Ukraine và các tổ chức quốc tế, cuộc khủng hoảng kép đang khiến nhiều nông dân phải cắt giảm gieo hạt. Những nút thắt trong vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ và đường biển đang trở thành rào cản và khiến giảm 20-30% sản lượng ngũ cốc.

Việc giảm sản lượng ngũ cốc mạnh mẽ có thể đe dọa tới an ninh lương thực toàn cầu, ông Pierre Vauthier, người đứng đầu Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Ukraine chia sẻ.

FAO cho biết, 90% số doanh nghiệp nông nghiệp mất nguồn thu và 12% đất nông nghiệp bị “nhiễm” mìn. Đất trồng ngũ cốc giảm khoảng 16 triệu hecta năm 2021 và dự kiến giảm tiếp 10,2 triệu hecta trong năm nay.

Việc các cảng ở Biển Đen của Ukraine bị phong tỏa đã tước đi lợi thế vốn có của nước này so với các nước xuất khẩu ngũ cốc khác. Chi phí vận chuyển, hiện cao gấp 4-6 lần so với mức trước chiến tranh, đã khiến việc sản xuất ngũ cốc trở nên đắt đỏ.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top