Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 7 năm 2024 | 10:10

“Nóng” tình trạng phân bón kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử phạt nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm  

Những tháng đầu năm 2024 là thời kỳ chăm sóc cây trồng vụ xuân nên nhu cầu sử dụng phân bón người nông dân khá cao. Nắm bắt được nhu cầu trên, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh sản xuất, nhiều đơn vị sản xuất phân bón phớt lờ các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, tung ra thị trường lượng lớn phân bón không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm.

Công ty Phân bón Thần Nông Thanh Hoá  bị xử phạt 7,5 triệu đồng do vi phạm chất lượng phân bón.

Đầu tháng 2/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 170 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Công nghệ cao Sao Đỏ (có địa chỉ: xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống) về hành vi vi phạm hành chính sản xuất phân bón trung lượng HT CALMAG Zn, mã số phân bón 11434 khi không có giấy phép đủ điều kiện sản xuất phân bón và hành vi không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa phân bón ra lưu thông trên thị trường đối với 05 lô hàng kiểm tra, khối lượng 64,5 tấn. Trong đó, có 03 lô sản xuất tại tại xưởng sản xuất của Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hóa vào các ngày 20/7/2023, 06/11/2023, 10/12/2023; 02 lô sản xuất tại Công ty CP Phân bón Nhật Long Thanh Hóa, vào các ngày ngày 20/7/2023 và 11/9/2023.

Để việc sản xuất, kinh doanh phân bón đảm bảo quy định của pháp luật, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành thanh tra 17/18 đơn vị sản xuất phân bón trên địa bàn.

Đoàn thanh đã lấy mẫu của 16/17 đơn vị với tổng số mẫu là 40 mẫu, trong đó có 33 mẫu phân bón vô cơ hỗn hợp và 7 mẫu phân bón hữu cơ. Sau khi có kết quả phân tích, đoàn kiểm tra đã xác định có 11 mẫu phân bón của 9 đơn vị sản xuất vi phạm về chất lượng và đã tiến hành xử phạt các đơn vị trên (trừ Công ty cổ phần Phân bón Sông Mã đang khiếu nại kết quả thanh tra, đề nghị phân tích lại mẫu và tiêu chí vi phạm).

Cụ thể: Xử phạt Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Nông nghiệp Xanh (45 triệu đồng); Công ty cổ phần Phân bón Long Điền Thanh Hoá (22,5 triệu đồng); Công ty cổ phần Thành Nông Thanh Hoá (15 triệu đồng); Công ty cổ phần Phân bón Nhật Long Thanh Hoá (15 triệu đồng); Công ty cổ phần Phân bón Phúc Thịnh (1,5 triệu đồng); Công ty Phân bón Thần Nông Thanh Hoá (7,5 triệu đồng); Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hóa sản xuất lô phân bón Hàm Rồng (3,5 triệu đồng); Hợp tác xã sản xuất thương mại Nông nghiệp sạch Hoằng Đạo (1,5 triệu đồng).

Tổng số tiền xử phạt 8 đơn vị nêu trên là hơn 110 triệu đồng, buộc tái chế hoặc chuyển mục đích sử dụng khối lượng phân bón đã sản xuất vi phạm chất lượng.  

Nhiều doanh nghiệp phân bón tại Thanh Hóa vi phạm chất lượng.

Mới đây, Cục Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSMT) – Bộ Công an ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (địa chỉ 274B, đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) số tiền hơn 1,3 tỉ đồng về hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng...

Kết quả thử nghiệm 14 mẫu phân bón của 7 loại sản phẩm phân bón NPK được Đoàn kiểm tra của Cục CSMT thu thập có các chỉ tiêu chính đạt yêu cầu, nhưng chỉ tiêu chất lượng bổ sung là Silic hữu hiệu đều không đạt. Lô hàng này có khối lượng hơn 525 tấn, Cục CSMT quyết định xử phạt ở mức hơn 1,2 tỷ đồng.

Đối với số hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ từ 3 lô phân bón hỗn hợp NPK có hàm lượng Silic hữu hiệu không phù hợp với quy chuẩn tại Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Nam Hằng, Cục CSMT quyết định xử phạt Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông số tiền hơn 157 triệu đồng.

Hình phạt bổ sung được Cục CSMT đưa ra là buộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông thay đổi mục đích sử dụng đối với 14 lô phân bón hỗn hợp NPK với số lượng đã sản xuất trên. Đồng thời buộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng với 9,6 tấn phân bón tại Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Nam Hằng.

Đối với việc Công ty TNHH Giám định Viancontrol TP Hồ Chí Minh cấp Chứng nhận hợp quy cho Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, Cục CSMT xác định đơn vị này không áp dụng phương pháp thử đối với chỉ tiêu Silic hữu hiệu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng phân bón. Ngược lại, đã xác định hàm lượng Silic hữu hiệu trong phân Silicat kiềm bằng phương pháp khối lượng để ban hành Chứng nhận hợp quy cho một số sản phẩm phân bón hỗn hợp NPK có chứa thành phần bổ sung Silic hữu hiệu phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam là không đúng với quy định pháp luật.    

Nâng cao nhận thức, tăng cường kiểm tra

Qua kết quả thanh, kiểm tra tra vừa qua có thể nhận thấy, việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục. Tuy nhiên, thông qua việc thanh tra đã kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, ngăn chặn một lượng lớn phân bón không đủ tiêu chuẩn ra thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Để các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường, các sở, ngành, lực lượng có liên quan của tỉnh Thanh Hóa cũng như chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định nếu phát hiện các cơ sở vi phạm. Đặc biệt, sẽ chú trọng kiểm tra về hồ sơ sản xuất phân bón; điều kiện sản xuất phân bón: máy móc thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, kho nguyên liệu…; chất lượng phân bón và việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

Ông Vũ Quang Trung, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa), cho biết, định kỳ hàng năm đơn vị tổ chức nhiều đợt kiểm tra các đơn vị kinh doanh, buôn bán phân bón trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng các khuyến cáo, định mức, chủng loại phân bón đưa vào sử dụng trên địa bàn đối với từng loại cây trồng khác nhau. Bên cạnh đó, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón; đào tạo cấp chứng nhận đủ điều kiện cho người đủ điều kiện kinh doanh phân bón.

“Riêng đối với kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón sẽ tổ chức kiểm tra về chủng loại hàng hóa có phù hợp hay không; kiểm tra về đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Một số loại phân bón mới tung ra thị trường, với số lượng lớn hoặc có phản ánh của người dân về chất lượng, chúng tôi sẽ lấy mẫu phân bón để gửi đi kiểm định, đánh giá chất lượng; nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Trung chia sẻ thêm.

Còn theo TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nhiều nông dân khi đi mua phân bón vẫn mua theo thói quen, ra cửa hàng họ đưa loại nào dùng loại đấy. Vô tình thói quen này tạo điều kiện cho những phân bón giả nhãn mác được đưa ra thị trường. Vì thế bà con cần thay đổi từ chính thói quen của mình để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, muốn tránh được phân bón giả phân bón rởm phải có sự đồng lòng của cơ quan nhà nước và người dân. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức của người dân là rất quan trọng.

"Để tránh rủi ro, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi. Đây cũng là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi và sớm chấm dứt tình trạng bát nháo đối với thị trường vật tư nông nghiệp", TS Phùng Hà khuyến cáo.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hằng năm nước ta sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.

Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chính quyền các cấp địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở địa phương tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón phải ký cam kết không kinh doanh phân bón giả, hàng nhập lậu, không đảm bảo chất lượng. Đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về phân bón.

Đề nghị các Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh và chính quyền các địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; theo dõi, nắm chắc tình hình cung cầu, giá cả, phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm để chủ động kiểm tra, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 19 đơn vị vừa sản xuất vừa kinh doanh phân bón, đáp ứng khoảng 40-50% lượng tiêu thụ trên địa bàn (còn lại là do doanh nghiệp ngoài tỉnh cung ứng); 35 cơ sở là doanh nghiệp, đại lý lớn chuyên kinh doanh phân bón, còn lại là các đại lý, hộ gia đình với quy mô và mức độ kinh doanh khác nhau.

Trong quý I/2024, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã cung ứng cho thị trường khoảng 26.650 tấn phân bón các loại. Bao gồm trên 30 loại phân bón khác nhau, như các loại phân khoáng, phân hoá học NPK và các loại phân bón chứa các hỗn hợp nitơ khác…

Lê Thức (t/h từ cand.com.vn, ktdt.vn, baothanhhoa.vn/...)
Ý kiến bạn đọc
Top