Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 7 năm 2024 | 14:43

Nuôi trồng thuỷ sản thiếu bền vững, trách nhiệm thuộc về ai?

Sáng 10/7, tiếp tục ngày làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa VIII, sau phần báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

>> Đáp ứng sự mong đợi, tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân và cử tri vào các hoạt động của HĐND tỉnh Phú Yên

Giải pháp quản lý quy hoạch, vùng nuôi

Đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT, đại biểu Đặng Thị Hồng Nga cho rằng, theo cơ cấu phát triển của ngành thì lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, như công tác quy hoạch vùng nuôi, phương thức quản lý chưa kịp thời với nhu cầu và phát triển của thị trường; đặc biệt là nhu cầu người nuôi so với diện tích mặt nước được quy hoạch, công nhận vùng nuôi thì chưa cụ thể, chưa kể tác động xấu đến môi trường sinh thái biển và ảnh hưởng đến việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định về sự bất cập này như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị giám đốc sở cho biết giải pháp khả thi về quy hoạch, quản lý vùng nuôi ổn định để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững đồng thời đảm bảo môi trường để phát triển du lịch sinh thái biển trong thời gian tới như thế nào?

TX. Sông Cầu là vùng nuôi có mật độ thả nuôi cao. 

Trả lời đại biểu Nga, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh Phú Yên được triển khai thực hiện từ ngay sau tái lập tỉnh và hơn 30 năm qua, quy hoạch này đã định hướng, tạo điều kiện cho người dân cải tạo vùng bãi triều, cửa sông ven các đầm, vịnh, đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, kém hiệu quả đưa vào nuôi trồng thủy sản hàng ngàn ha; tạo việc làm, thu nhập cao cho trên 16.000 lao động sinh sống tại các địa phương ven đầm vịnh, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT trả lời chất vấn

Tuy nhiên, những năm gần đây, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh, diện tích nuôi trồng thủy sản một số vùng giảm mạnh như: Hạ lưu sông Bàn Thạch, ven bờ vịnh Xuân Đài. Để duy trì sinh kế, trong lúc chưa có ngành nghề tốt hơn thay thế, nhiều hộ gia đình, bao gồm các hộ gia đình khai thác thủy sản ven bờ kém hiệu quả tự phát chuyển sang nuôi tôm, cá lồng bè trên các đầm, vịnh, vùng biển ven bờ. Việc này bên cạnh các lợi ích đạt được, đã và đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập như: nhu cầu của người nuôi nhiều nhưng diện tích mặt nước được quy hoạch không đáp ứng; mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định đã phát sinh trong nhiều năm qua nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến nuôi trồng thủy sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức kiểm tra và ban hành Kết luận số 360-KL/TU ngày 22/11/2019 về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2006 - 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ, lộ trình cho các địa phương thực hiện sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản theo đúng quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, những quy định nghiêm ngặt về quy hoạch, về giao đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, các địa phương, sở ngành liên quan lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ được giao. Mặt khác, trong thời gian qua việc phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản giữa các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Một số nguyên nhân khác là mật độ lồng nuôi quá dày

Ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết thêm, để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững trong thời gian tới, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở NN-PTNT sẽ tiến hành rà soát, tham mưu tỉnh xây dựng một số chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản từng vùng, từng đối tượng cụ thể. Hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; làm cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp vùng nuôi, lồng bè nuôi phù hợp với vùng quy hoạch và sức tải môi trường, hài hòa với các ngành kinh tế khác, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khuyến khích chuyển sang nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp tại các vùng biển mở theo quy hoạch tại các vùng biển mở xã Xuân Cảnh và xã Xuân Phương, TX. Sông Cầu 1.000 ha. Kêu gọi các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại các vùng quy hoạch tại xã Xuân Bình, TX. Sông Cầu 80 ha.

Nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy

Liên quan đến khu vực xứ đồng phường Phú Lâm, Phú Thạnh (TP. Tuy Hoà), phường Hoà Hiệp Bắc (TX. Đông Hoà) có diện tích trên 200 ha là nơi sản xuất chính của bà con nông dân nhưng nhiều năm qua không được đầu tư, nạo vét dẫn đến khả năng tưới, tiêu rất kém, đại biểu Huỳnh Lữ Tân cho hay: Đầu mùa vụ thì không đủ nước, ảnh hưởng đến lịch gieo sạ, khi có mưa thì không tiêu thoát nước được làm cho hơn 200 ha đất canh tác lúa hai vụ của bà con nông dân bị ngập úng, hư hại, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của bà con nông dân. Vấn đề này cử tri đã kiến nghị nhiều lần, qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa được quan tâm giải quyết.

Đại biểu Huỳnh Lữ Tân chất vấn

Ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết, đối với kênh tiêu quốc lộ 1 đoạn từ trạm bơm 3/2 đến trạm bơm 19/5 dài 2,8km, đoạn từ trạm bơm 19/5 ra Sông Cạn dài 2,7km tiêu nước ra sông Đà Rằng, công tác tu bổ nạo vét hệ thống kênh mương này được Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam (Công ty Đồng Cam) thực hiện thường xuyên hàng năm. Tuy nhiên, vào mùa mưa, khi có mưa lớn, lượng nước tập trung về nhiều, tiêu thoát không kịp, gây ngập úng một số vùng trũng thấp trong thời gian ngắn, do hiện nay người dân tái lấn chiếm hành lang công trình (một số vị trí lòng kênh bị người dân lấn chiếm như: đặt ống buy làm móng xây nhà, công trình phụ, làm đường, làm cầu qua kênh trái phép; trồng cây hoa màu trên bờ kênh; đổ rác thải xuống lòng kênh...) gây co hẹp lòng kênh, ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước.

Vào mùa mưa, khi có mưa lớn, lượng nước tập trung về kênh mương nhiều, tiêu thoát không kịp, gây ngập úng một số vùng trũng thấp.

Đối với kênh tiêu Rộc Đăng dài 5,5km; kênh tiêu Bầu Bèo dài 16km tiêu nước về sông Bàn Thạch, tiêu thoát nước từ khu vực phường Phú Thạnh, Hòa Hiệp Bắc về kênh tiêu Bầu Bèo, thoát nước ra sông Bàn Thạch. Tại vị trí K2+100 kênh tiêu Rộc Đăng có kênh máng (thuộc hệ thống tưới nội đồng do HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phú Lâm quản lý) bắc qua đã bị hư hỏng, sụp lún nằm chắn ngang trong lòng kênh (kênh máng này lâu nay đã không còn hoạt động) gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, gây tình trạng ngập úng khu vực phường Phú Thạnh. Công ty Đồng Cam cũng đã nhiều lần đề nghị đơn vị quản lý tháo dỡ, trả lại lòng kênh thông thoáng nhưng chưa được thực hiện.

Để giải quyết nội dung kiến nghị của cử tri, Sở NN-PTNT đề nghị Công ty Đồng Cam xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm tu bổ nạo vét, khai thông dòng chảy hệ thống các kênh này; thường xuyên kiểm tra, thu dọn bèo, rau muống, tháo dỡ các bờ cản trên kênh, nạo vét các vị trí bồi lấp cục bộ để đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, đề nghị UBND TP. Tuy Hòa chỉ đạo: HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phú Lâm khẩn trương thực hiện tháo dỡ kênh máng đã hư hỏng, gãy sụp xuống lòng kênh tiêu Rộc Đăng. Các địa phương tích cực phối hợp cùng với Công ty Đồng Cam thực hiện công tác giải tỏa hành lang đoạn kênh tiêu từ trạm bơm 19/5 ra sông Cạn mà người dân lấn chiếm. Các xã, phường tăng cường tuyên tuyền, giáo dục cho người dân ý thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường, không đổ rác thải, vật thải, xác súc vật chết xuống lòng kênh gây ô nhiễm môi trường.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top