Trồng trọt không thể thiếu phân bón. Việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân. Không chỉ vậy, việc xử lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa này cũng là vấn đề rất nan giải.
Thật, giả khó phân biệt
Thời gian gần đây, phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, nhất là ở khu vực ĐBSCL đã khiến người nông dân vô cùng hoang mang. Trong khi phí sản xuất ngày một tăng, gặp phải phân bón giả sẽ khiến cây trồng bị thiệt hại, tổn thất cho nhà nông là điều không tránh khỏi.
Trên thực tế, nhiều đại lý vì lợi nhuận trước mắt đã mua sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm lời, bất chấp thiệt hại, hậu quả là người nông dân phải trực tiếp gánh chịu. Việc sử dụng phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho người nông dân mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đất đai, nguồn nước bởi các chất độc hại, kim loại nặng có chứa trong phân bón. Sức khỏe người tiêu dùng từ đó cũng bị ảnh hưởng do các chất độc hại còn tồn dư.
Cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh thường xuyên thanh kiểm tra lĩnh vực vật tư nông nghiệp, đảm bảo cho người dân sử dụng sản phẩm đúng chất lượng, nâng cao năng suất cây trồng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) như Long An, Tiền Giang, Kiên Giang... liên tục phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh phân bón giả. Mới đây nhất, ngày 23/6, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Long An cho biết đang hoàn tất hồ sơ, đề xuất xử lý Công ty Yên Trang (ấp 10, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) về hành vi phân phối phân bón giả.
Trước đó, ngày 13/01, ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Nhuần (SN 1986, tài xế, ngụ ấp Bình Đông, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, Long An) với 10 lỗi vi phạm cụ thể trong mua bán phân bón với số tiền 147 triệu đồng, trong đó đã áp dụng hình thức tăng nặng do ông Nhuần mua bán nhiều lần không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ông Nhuần là người trực tiếp bán hàng cho ông Nguyễn Thanh Liêm (SN 1974, ngụ Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) để ông này bán lại cho người dân. Một số loại phân bón có nhãn hiệu được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kết luận là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng... Công ty Yên Trang có tên sản xuất trên bao bì.
Trước đó, ngày 24/5, qua hơn 4 tháng điều tra, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT Sóc Trăng đã tiếp nhận lại vụ việc buôn bán phân bón giả của hộ kinh doanh H.L (thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị) do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạnh Trị chuyển trả cùng với Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Cục QLTT Sóc Trăng đã trình vụ việc đến Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 254,3 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện buôn bán phân bón với thời hạn 4,5 tháng.
Gần 400 triệu đồng cũng là mức phạt mà Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ngày 18/6 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chánh đối với 2 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn về hành vi "Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng"...
Khó xử lý
Theo Tổng cục QLTT, mỗi năm cả nước phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.
Theo cơ quan chức năng, việc khó xử lý nạn phân bón giả hiện nay một phần do một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư. Sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định rồi xóa dấu vết. Bên cạnh việc xử lý nặng các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, truy tố những vi phạm, thì các cơ quan chức năng ngành công thương, nông nghiệp cần có sự phối hợp mạnh hơn, lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên thanh - kiểm tra tại các cơ sở lớn - nhỏ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa để hạn chế thấp nhất tình trạng làm giả, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Việc xử lý các điểm sản xuất, kinh doanh phân bón giả chỉ là xử lý phần ngọn. Ngành nông nghiệp cần hướng người nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu dần phân bón vô cơ cũng là một trong những giải pháp để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, bền vững. Tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất nông nghiệp của người dân, đồng thời tránh được những tác hại do phân bón giả đem lại. Người dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước tăng sản lượng phân bón hữu cơ để giảm áp lực phụ thuộc vào phân bón vô cơ do giá cả tăng mạnh và không có dấu hiệu sẽ giảm giá..
Cần có chế tài xử lý
Trong thời gian tới, Cục QLTT các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời kết hợp phổ biến tuyên truyền để tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh này.
Được biết, để giải quyết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được ký và có hiệu lực thi hành.
Theo nội dung quy chế, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…