Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân” có ý nghĩa hết sức quan trọng và là một trong những sự kiện trong chuỗi hoạt động Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Toàn cảnh cuộc họp báo. (Ảnh: Thanh Tâm)
"Con thuyền" an sinh ngày càng hiệu quả
Phát biểu tại Lễ Phát động cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức sáng ngày 12/8, bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới. Đặc biệt, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Huỳnh Văn Thuận cho biết, thực tế, sau gần 22 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với quyết tâm cao của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, NHCSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
"Tính đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 373.010 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ đồng (gấp gần 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ động, chiếm 12,7% tổng nguồn vốn, tăng 43.543 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay," Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận cho hay.
Để triển khai tín dụng chính sách xã hội một cách nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương thức cho vay đặc thù, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đất nước, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành trung ương; cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp đã xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Từ đó, tăng cường hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị... nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng lực hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước; đặc biệt, tập trung ưu tiên, cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay với kết quả hết sức ấn tượng.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Huỳnh Văn Thuận cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, NHCSXH đã tạo điều kiện giúp trên 21,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. (Ảnh: Thanh Tâm)
Đặc biệt, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay NHCSXH đã tạo điều kiện giúp trên 21,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tính đến 31/07/2024, tổng dư nợ các chương trình tính dụng chính sách đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%. Trong đó, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 124.020 tỷ đồng, chiếm 35,3%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo 34.309 tỷ đồng, chiếm 9,8%/tổng dư nợ, với hơn 556 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 86.900 tỷ đồng, chiếm 24,8%/tổng dư nợ với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
“Nếu nói tín dụng chính sách như cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi thì Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được xem như ngọn gió đẩy con thuyền an sinh đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ có Chỉ thị dẫn đường, Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội; chú trọng, quan tâm cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay”, bà Hoàng Thanh Nhàn khẳng định.
Phát động cuộc thi “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng lòng Dân”
Để nhìn lại chặng đường đã qua và phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cũng như Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, được sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thời báo Ngân hàng phối hợp với NHCSXH tổ chức Cuộc thi viết “Tín dụng chính sách xã hội - Ý Đảng lòng Dân”.
Bà Hoàng Thanh Nhàn nhấn mạnh: “Những bài viết tham gia cuộc thi sẽ là những câu chuyện sống động, thể hiện tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của toàn xã hội trong việc chung tay vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Qua đó, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tín dụng chính sách xã hội đến với người dân”.
Bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho hay, cuộc thi góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tín dụng chính sách xã hội đến với người dân.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận cũng khẳng định: “Cuộc thi là dịp để chúng ta tôn vinh những điển hình tiên tiến, những cách làm hay và nhân rộng những mô hình hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng vốn vay ưu đãi. Đồng thời, cuộc thi cũng là động lực động viên, khuyến khích các tổ chức tín dụng, đặc biệt là NHCSXH, tích cực hoạt động vì người nghèo và các đối tượng chính sách khác”.
Những tác phẩm dự thi là những bài báo phản ánh sự việc, hiện tượng có thật, người thật, việc thật (không hư cấu) trong triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; phản ánh rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế về tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40. Đồng thời, bài viết nên truyền tải hiệu quả sự vào cuộc của các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương, nêu bật kết quả các chương trình tín dụng chính sách như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững và hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tại Lễ phát động, đại diện Ban tổ chức đã trả lời những câu hỏi của các đại biểu, cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến nội dung, thể lệ cuộc thi và một số vấn đề liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.
Phó tổng biên tập Thời báo Ngân hàng Nguyễn Xuân Hải, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, mọi công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên các cơ quan báo chí... đều có thể tham gia dự thi. Ngoài ra, cuộc thi còn mong đợi các bài viết phản ánh ý kiến đánh giá, phản biện và trao đổi của các chuyên gia kinh tế, ngân hàng, các nhà nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi.
Ban Tổ chức tuyển chọn và trao giải cho các tác phẩm báo chí dự thi theo các tiêu chí cơ bản như: Có tính thời sự cao, phản ánh trung thực việc triển khai thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Những gương điển hình tiên tiến trong việc thoát nghèo nhờ đồng vốn tín dụng chính sách; những cách làm hay, mô hình điển hình về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; những bất cập của cơ chế, chính sách tác động đến việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, việc huy động nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đất nước. Các tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tác động ảnh hưởng rộng lớn và sức sống lâu dài, có ảnh minh họa.
Ban tổ chức sẽ nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/8/2024 đến ngày 31/10/2024. Địa chỉ nhận tác phẩm báo chí dự thi: Điện thoại: 024.37163922 – 024.37163923; Thời báo Ngân hàng – Số 504 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội (ngoài bì thư ghi rõ bài dự thi tác phẩm báo chí viết về "Tín dụng chính sách xã hội – Ý Đảng, lòng Dân" hoặc Email: [email protected] Tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ trên qua đường bưu chính, hoặc qua hộp thư điện tử - Email. Trong bài thi ghi rõ tác phẩm dự thi viết về "Tín dụng chính sách xã hội – Ý Đảng, lòng Dân"; Họ và tên, bút danh, địa chỉ, điện thoại liên hệ. Giải thưởng của cuộc thi viết bao gồm: 01 Giải Đặc biệt trị giá 30 triệu đồng 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng 02 Giải Nhì trị giá 15 triệu đồng mỗi giải 03 Giải Ba trị giá 5 triệu đồng mỗi giải 10 Giải Khuyến khích trị giá 3 triệu đồng mỗi giải Thời gian tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 12/2024./. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.