Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 8 năm 2024 | 15:35

Nguy cơ ngập lụt do mưa lớn sẽ kéo dài, Hà Nội ban hành Công điện khẩn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Hà Nội sẽ có mưa vừa, mưa to, nguy cơ ngập lụt có thể tái diễn như đợt mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024.

Chủ động phòng chống ngập lụt có thể xảy ra là việc cần thiết ngay lúc này ở các địa phương và giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân, Chủ tịch Hà Nội đã ban hành công điện khẩn.

Khả năng xuất hiện mưa vừa và mưa to tại Hà Nội

Bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định từ chiều tối và đêm ngày 11 đến ngày 15/8, tại các tỉnh thành khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.

Người dân một số địa phương tập trung khắc phục hậu quả sau đợt mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024.

Tổng lượng mưa trong đợt này phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 400mm. Chính vì vậy, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu dân cư ven sông là rất lớn.

Đợt mưa lũ xảy ra cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều tuyến đê, kè, các địa phương hiện đang tích cực khắc phục thiệt hại.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt do mưa lớn kéo dài, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Văn phòng Thường trực đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tập trung triển khai các giải pháp ứng phó.

Theo đó, Ban Chỉ huy đề nghị các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV thuỷ lợi sông Đáy Trần Đình Cường, trước thông tin về tình hình mưa lớn kéo dài, đơn vị đã chỉ đạo các xí nghiệp thuỷ lợi trực thuộc phân công cán bộ ứng trực 24/24 giờ để chủ động vận hành hệ thống các trạm bơm tiêu thoát nước dọc sông Bùi, hạn chế thấp nhất nguy cơ ngập lụt.

Nỗi lo “sống chung cùng ngập lụt”

Cuối tháng 7 vừa qua, mực nước sông Bùi, sông Tích lên cao vượt mức báo động III trong nhiều ngày đã khiến hàng ngàn hộ dân các xã ven sông thuộc địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai rơi vào cảnh ngập lụt.

Suốt những ngày qua, khi nước rút hoàn toàn, cuộc sống của người dân mới dần ổn định sau gần nửa tháng sống chung với ngập lụt. Dù vậy, thiệt hại mà mưa lũ để lại cho người dân các địa phương ven sông vẫn rất nặng nề.

Nỗi lo sống chung với ngập lụt khi Hà Nội dự kiến mưa lớn kéo dài

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi cho biết, cùng với nhiều đồ đạc bị hư hỏng, vật nuôi bị cuốn trôi thì hàng trăm héc-ta sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa, của bà con nông dân bị ngập nước đã bị “mất trắng”.

Đợt ngập lụt vừa xảy ra đã là lần thứ tư trong vòng 15 năm trở lại đây, người dân hàng chục xã vùng ven sông Bùi, sông Tích thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai… rơi vào cảnh “sống chung cùng nước lũ” khi mùa mưa đến.

Trước đó, hàng ngàn hộ dân sinh sống ven sông Bùi, sông Tích, cũng phải chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng trong các đợt mưa lũ của các năm 2008, tháng 10/2017 và tháng 7/2018. Không chỉ ảnh hưởng lớn đến việc ổn định đời sống của cư dân ven sông, nỗi lo ngập lụt còn khiến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội bị gián đoạn.

Chủ tịch Hà Nội ký công điện hỏa tốc

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký công điện yêu cầu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất chủ động di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Công điện do ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký nêu rõ, từ đầu năm 2024 đến nay tình hình thời tiết thiên tai trên địa bàn có nhiều diễn biến bất thường, khó dự báo. Mưa lớn diện rộng trên địa bàn do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua đã gây ra ngập, lụt cho khu vực đô thị và các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất; gây thiệt hại về người, tài sản và công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn sẵn sàng triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ".

Yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, ngập úng cục bộ; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nguy cơ, mất an toàn, nhất là các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa bão và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định; Huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa, lũ vừa qua; chủ động bố trí ngân sách địa phương để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả đối với các tình huống thiên tai, sự cố theo quy định;

Đảm bảo phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác; không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau thiên tai, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh.

Phổ biến hướng dẫn người dân trên địa bàn cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai thường gặp (trong đó tập trung vào các nội dung: Biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai; gia cố, che chắn, bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể) để chủ động phòng, tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Hành trình của chàng trai người Mông đến giảng đường Đại học Y Hà Nội

    Giữa những dãy núi trùng điệp, những con đường đất gồ ghề, cậu học sinh nghèo hiếu học Giàng A Ký (dân tộc Mông) đã nuôi một ước mơ trở thành bác sĩ để chăm sóc và cứu giúp người dân nơi quê nhà. Đối mặt với khó khăn của cuộc sống, đã có lúc, Ký tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Cho đến khi hy vọng được gieo mầm từ Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin…

  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

Top