Hiện, ĐBSCL đang là mùa mưa, nước mưa khiến nền đất yếu kết hợp với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu khiến trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông diễn biến phức tạp. Trước thực trạng trên các địa phương đang triển khai các giải pháp khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến người và tài sản.
Nhiều khu vực ven đê biển Đông tỉnh Bạc Liêu mất lá chắn rừng phòng hộ.
Sạt lở diễn biến phức tạp
Chiều 4/8, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đến kiểm tra thực tế tại đoạn đê biển Đông đang bị sạt lở ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), đoạn tiếp giáp với thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Đoạn giáp ranh này đang bị sạt lở nghiêm trọng trong những ngày qua. Có 2 đoạn sạt lở, kéo dài trên 100m, có đoạn sạt lở ăn sâu vào chân đê. Vụ sạt lở chưa gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Tuy nhiên, do không còn rừng phòng hộ trước đê nên trong thời gian tới triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh sẽ còn tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê làm cho tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn.
Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu, do khu vực bị sạt lở không còn nhiều rừng phòng hộ nên khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh sẽ tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê, gây sạt lở mái đê và thân đê ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Vào mùa gió chướng, triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê, chảy vào khu vực sản xuất, nhà dân ở phía trong. Về lâu dài, ở khu vực này cần có những giải pháp công trình và phi công trình để bảo vệ đê biển Đông bền vững.
Trước đó, vào đầu năm 2023, tại khu vực này cũng xảy ra sạt lở đê nghiêm trọng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu.
Tại TP. Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 24 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 830m, gây thiệt hại trên 14,5 tỷ đồng; 13 căn nhà bị sạt hoàn toàn, 1 nhà kho bị sụt lún, 34 căn nhà bị sạt một phần hoặc bị ảnh hưởng. Từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ Phòng chống thiên tai TP. Cần Thơ đã chi hơn 700 triệu đồng để hỗ trợ và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện Cần Thơ đang tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra thực tế đê biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu và chỉ đạo các ngành chức năng, thành phố Bạc Liêu khẩn trương có những giải pháp phòng, chống để bảo đảm sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân, (ảnh VOV).
Tại An Giang, toàn tỉnh có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, trong đó có 5 đoạn sông có nguy cơ cao. Những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ kênh, rạch với chiều dài 697m, ảnh hưởng đến 9 hộ dân; gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Huyện Châu Phú xảy ra nhiều nhất với 6 vụ. An Giang hiện đang trong mùa mưa, lũ với diễn biến phức tạp, khó lường nên nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao.
Ngày 30/7, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, mức độ sạt lở nguy hiểm trên tuyến kênh La Ghì đoạn qua xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Đoạn sạt lở có chiều dài 220m qua ấp Vĩnh Trinh, từ ao trữ nước của hệ thống cấp nước tập trung xã Vĩnh Xuân đến hết đoạn bờ kè trước Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long. Vụ sạt lở xảy ra rạng sáng 19/7, có 25m bờ kè bị sạt lở, sụt lún một phần đường giao thông phía trước Nhà truyền thống. Khu vực này có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 195m, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của 15 hộ dân với 51 nhân khẩu và khoảng 50 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Tại Cà Mau, Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm là 83,85km. Cụ thể, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22 km, bờ biển Đông đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,85 km. Riêng bờ sông có có đến 355 điểm sạt lở, trong đó có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lên đến 3.724 ha.
Về tình hình sụp lún do hạn hán mùa khô năm 2023- 2024, do không có nguồn nước ngọt bổ sung nên với tình trạng hạn hán kéo dài, vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt một số nơi người dân gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt; nước trên các sông rạch khô cạn, ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và mất phản áp lực nước lên bờ kênh, đây là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, đường giao thông rất nghiêm trọng. Ngoài ra, chênh lệch biên độ triều giữa bên trong và ngoài vùng ngọt lớn, có nguy cơ làm cho các công trình cống thủy lợi bị hư hỏng.
Triển khai các giải pháp
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã chủ trì buổi họp khẩn bàn giải pháp xử lý tình trạng sạt lở đê biển Đông. Ngay sau đó, tỉnh này đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông đoạn từ K0+046 đến cầu Chiên Túp 1 (giáp ranh tỉnh Sóc Trăng), thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chiều dài khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 474 mét.
Tình hình sạt lở bờ biển giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng diễn biến rất phức tạp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các địa phương phải họp Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để kiến nghị UBND tỉnh địa điểm, vị trí cần ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở, có danh mục cụ thể làm cơ sở công bố để khi xảy ra sạt lở thì có kinh phí khắc phục ngay, không để xảy ra rồi mới họp để xử lý. Đồng thời, đề nghị Ban chỉ huy Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh rà soát lại toàn bộ tuyến đê từ giáp tỉnh Sóc Trăng đến Gành Hào. Đối với huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng rà soát các điểm nguy cơ xảy ra sạt lở để khi xảy ra sạt lở bố trí vốn làm nhanh, không để ảnh hưởng đời sống của nhân dân.
Ngày 11/8, sau khi báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn công tác, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị, Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện dự án đầu tư với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất, với tổng chiều dài gần 80 km. Hiện, tỉnh cần hơn 3.400 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án cấp bách như: kè sông, đê, tái định cư. Đây là 5 dự án tại khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất... mà Bạc Liêu đang rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương để sớm tiến hành đầu tư xây dựng, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và bảo vệ đời sống của nhân dân trong khu vực.
Liên quan tới kinh phí khắc phục sạt lở, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau đang khẩn trương hoàn thiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021- 2030 và định hướng đến 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo ý kiến đóng góp để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển tại các điểm đặc biệt nguy hiểm khu vực bờ biển Đông với chiều dài theo tình huống khẩn cấp đã ban bố là 21,55 km, kinh phí khoảng 1.693 tỷ đồng và một số tuyến bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 5,7 km, tổng kinh phí 684 tỷ đồng.
Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đang vào mùa mưa với diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp. Do đó, các địa phương cần tăng cường phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Nơi có đoạn sông nguy cơ sạt lở theo cảnh báo của Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý, chủ động đưa người dân, tài sản đến nơi an toàn khi có dấu hiệu sạt lở đất. Các địa phương cần làm tốt việc điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường đê tại các khu vực có nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê bao; kịp thời gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn công trình, sẵn sàng các phương án kịp thời ứng phó.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh Bạc Liêu ngày 11/8.
Ngày 11/8, làm việc với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về tình hình sạt lở, kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia. Tuy nhiên, khu vực này dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Do đó, cần thiết phải có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng, chống sạt lở, sụt lún.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp các cơ quan chức năng của Trung ương làm tốt công tác dự báo tình hình sạt lở, sụt lún. Khi làm tốt công tác dự báo sẽ bảo vệ được sinh mạng và tài sản của người dân, tiết kiệm nhiều nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý, địa phương phải kiên quyết di dời bà con ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn; quan tâm chăm lo sinh kế cho bà con. Về kinh phí đầu tư, phải làm đúng nguyên tắc, xếp theo thứ tự, ưu tiên làm trước các dự án cấp bách nhất.
Tổng hợp nguồn từ: cand.com; Vov; plo.vn.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.