Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024 | 21:59

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ

Tối 27/7, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2024) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam.

Quang cảnh chương trình kỷ niệm.

Quang cảnh chương trình kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh cao cả, những đóng góp lớn lao của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước, các liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi đã sản sinh ra nhiều hiền tài cho đất nước. Người Quảng Nam luôn có bản lĩnh vững vàng, chính nghĩa, chịu thương, chịu khó, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đầy ác liệt, trường kỳ ấy, Quảng Nam là vùng đất sớm phải đương đầu với quân xâm lược, phải chịu nhiều hy sinh, mất mát vô cùng to lớn. Lịch sử đã in hằn những vụ khủng bố đẫm máu ở Vĩnh Trinh, Chợ Được, Cây Cốc, Chiên Đàn, Sơn Cẩm Hà… nhưng với tất cả quyết tâm, lòng son dạ sắt của người Quảng Nam trung dũng kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù, đã mạnh mẽ đứng lên bằng ý chí và niềm tin mãnh liệt để rồi làm nên những chiến công vang dội, lẫy lừng ở Điện Ngọc, ở Núi Thành, ở Cấm Dơi, ở Nông Sơn - Trung Phước và cả một Thượng Đức… hào hùng, đi đến thắng lợi tất yếu cuối cùng, giải phóng quê hương vào ngày 24/3/1975, xứng đáng với 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975, thống nhất đất nước, cho hôm nay quê hương, đất nước được thanh bình, ấm no và hạnh phúc.

“Có được thắng lợi vĩ đại ấy, biết bao thế hệ người con của quê hương Quảng Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam anh hùng nói chung đã phải đổi biết bao mồi hôi, nước mắt và cả máu xương của mình. Ấy là những nốt trầm trong bản trường ca đầy bi hùng của toàn dân tộc. Biết bao người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống; biết bao người vợ, người mẹ đã nén vào lòng những niềm riêng, gạt lệ tiễn chồng, con, cháu ra đi mà không hẹn ngày trở về”- ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng

Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng

Trải qua 30 năm đấu tranh giành độc lập, Quảng Nam là địa phương gánh chịu nhiều đau thương, mất mát nhất cả nước, với hơn 65 ngàn liệt sĩ; gần 31 ngàn thương binh, bệnh binh; hơn 6 ngàn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gần 12 ngàn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... Toàn tỉnh hiện có 15.360 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH; trong đó, có 294 Mẹ còn sống.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904, tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, nay là phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác, cả một đời lam lũ, tảo tần, chắt chiu nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu. Nhưng đất nước chiến tranh, Mẹ đã hóa đỗi phi thường khi đã dâng hiến cho Tổ quốc những người thương yêu nhất của mình.

Trong 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ và trường kỳ ấy, người Mẹ Quảng Nam đã lần lượt tiễn chồng, rồi con và đến cháu lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng cho đất nước, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… để rồi:

“Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê.

Chín con ra đi không một đứa trở về

Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ

Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn”.

Tất cả vì chiến tranh và bởi chiến tranh… để nỗi đau, lại chồng lên nỗi đau, bởi chiến tranh qua đi, 9 người con trai, 1 người con rể, 2 cháu ngoại của Mẹ đã mãi mãi không về. 

Điểm nhấn của Chương trình kỷ niệm là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại Mẹ - Tượng đài bất tử”, gồm 3 chương: Chương 1 – Ngàn năm mây trắng; Chương 2 – Huyền thoại Mẹ; Chương 3 – Tượng đài bất tử. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ người con quê hương Quảng Nam và một số nghệ sĩ, diễn viên trong cả nước.

Tặng quà tri ân ông Lê Tự Thận (con trai mẹ Thứ) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Hòa.

Tặng quà tri ân ông Lê Tự Thận (con trai mẹ Thứ) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Hòa.

Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam và Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (kết hợp dâng hương, dâng hoa nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024); dâng hương, dâng hoa tại Mộ và Nhà thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn).

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau tổ chức kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc vào tháng 11/2024

    Cà Mau tổ chức kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc vào tháng 11/2024

    Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước trong thế kỷ XX, đánh dấu bước tiến quan trọng trên bước đường thành công của Cách mạng Việt Nam. Để khắc ghi và nhắc lại lịch sử, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức kỷ niệm lần thứ 70 của sự kiện này vào tháng 11/2024.

  • Gieo mầm xanh từ điểm trường Làng Nủ

    Gieo mầm xanh từ điểm trường Làng Nủ

    Một buổi sáng trời đầy nắng, hai chiếc xe tải nặng trĩu quần áo, sách vở cùng thầy và trò Trường THPT số 1 Thành phố Lào Cai vượt qua những vạt đồi sạt nham nhở, những cung đường lầy bùn đất về với các em nhỏ xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai). Nơi đây, vừa gánh chịu nỗi đau của trận sạt lở đất kinh hoàng, cướp đi sinh mạng và tài sản của nhiều gia đình, đặc biệt ở Làng Nủ.

  • Làng nghề “Chằm nón ngựa phú gia” đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

    Làng nghề “Chằm nón ngựa phú gia” đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

    Ngày 12/9, tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp UBND huyện Phù Cát tổ chức lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề chằm Nón ngựa Phú Gia”.

Top