Trong 7 tháng năm 2024, Thái Lan đã chi 123 triệu USD (khoảng 3.064 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả Việt Nam, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí là thị trường lớn nhất, với kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 25% so với năm trước. Mỹ và Hàn Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch lần lượt đạt 189 triệu USD và 188 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm 2023.
Thái Lan hiện là quốc gia tăng mua nông sản Việt mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm. Ảnh minh họa
Đặc biệt, Thái Lan trước đây đứng thứ 6 sau Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 123 triệu USD (khoảng 3.064 tỷ đồng), tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quốc gia có mức tăng trưởng mua nông sản Việt Nam mạnh nhất trong giai đoạn này.
Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Thái Lan đã tăng cường thu mua nhãn, vải và sầu riêng từ Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2024, Thái Lan đã chi đến 47 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, tăng 90,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, nhu cầu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, dẫn đến sản lượng xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng Việt Nam có thể cung cấp quanh năm, trong khi Thái Lan chỉ có sầu riêng theo vụ (chỉ 4 tháng). Năm nay, Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán do El Nino, làm giảm sản lượng sầu riêng và khiến trái cây không đạt kích cỡ mong muốn. Do đó, Thái Lan đã tăng cường nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, trong đó một số lô hàng còn được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thương mại rau quả giữa Việt Nam và Thái Lan đã có sự chuyển dịch đáng kể trong thập kỷ qua. Năm 2014, Thái Lan là nguồn cung rau quả số một cho Việt Nam, vượt qua cả Trung Quốc và duy trì vị thế này đến năm 2019 với giá trị lên tới 464,2 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2023, giá trị nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã giảm xuống còn 46,5 triệu USD, giảm 90% so với năm 2019, và Thái Lan đã rớt xuống vị trí thứ 9 trong danh sách các nguồn cung cấp rau quả cho Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi 32 triệu USD để nhập rau quả từ Thái Lan, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng chủ yếu gồm chà là, măng cụt, me, và lựu.
Được biết năm 2014, Thái Lan là nguồn cung rau quả số 1 cho Việt Nam, vượt cả Trung Quốc và duy trì đến năm 2019 với giá trị hơn 464 triệu USD. Sau 10 năm, đầu năm 2024, Thái Lan đã vươn lên là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam.
Tổng thư ký VINAFRUIT nhấn mạnh, khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết và thuế nhập khẩu giảm, các nước thường sẽ áp dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa. Điều này yêu cầu các nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải liên tục cập nhật các quy định nhập khẩu của các thị trường để đáp ứng kịp thời và hiệu quả.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được tổ chức vào ngày 28/11 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Long An.