Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 9 năm 2024 | 10:46

Tham vọng trở thành cường quốc nông nghiệp mới của Campuchia

Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu đưa nước này trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, đồng thời trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Xuất khẩu nông sản “được mùa”

Theo Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Campuchia, nước này đã xuất khẩu gần 5,8 triệu tấn nông sản tính đến hết tháng 5/2024, doanh thu đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Đây là mức xuất khẩu cao nhất trong vòng 5 năm qua và là kết quả trực tiếp của những nỗ lực đầu tư phát triển quy trình chế biến nông sản cho xuất khẩu.

Những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Campuchia gồm: Lúa, gạo, sắn (củ mì) tươi, xoài tươi và hạt điều sơ chế. Trong đó, theo Liên đoàn gạo Campuchia, trong nửa đầu năm nay, nước này thu về gần 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu lúa, gạo. Trong đó, bao gồm hơn 339.000 tấn gạo thành phẩm được xuất sang 63 nước và vùng lãnh thổ, thu về 247 triệu USD; Trung Quốc là thị trường lớn nhất, sau đó đến các nước châu Âu, Trung Đông và ngay tại khu vực Đông Nam Á.

Campuchia đã xuất khẩu gần 5,8 triệu tấn nông sản tính đến hết tháng 5/2024.

Ngoài ra, Campuchia cũng xuất khẩu hơn 2,5 triệu tấn thóc sang các nước láng giềng (chủ yếu là Việt Nam), thu về 727 triệu USD. Khoảng 2/3 (70%) gạo xuất khẩu của Campuchia là các loại gạo thơm, tiếp đó là các loại gạo trắng, gạo hữu cơ,... Ước tính ngoài lượng lúa, gạo phục vụ cho tiêu dùng nội địa, Campuchia có thể dư 6,5 triệu tấn thóc trong năm nay, qua đó mở ra triển vọng tăng mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Ngoài ra, sắn tươi xuất khẩu trong nửa đầu năm 2024 cũng lên tới 1,6 triệu tấn, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Hạt điều sơ chế là mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị cao thứ ba của Campuchia với 540.000 tấn, tăng gần 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, xoài tươi xuất khẩu cũng đạt gần 120.000 tấn, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Năm 2023, Campuchia xuất khẩu gần 8,45 triệu tấn nông sản (4,3 tỷ USD) sang khoảng 75 quốc gia và khu vực, trong đó Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan là những thị trường chính.

Trở thành cường quốc nông nghiệp mới

Đầu năm 2024, Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố thực hiện chính sách chiến lược mới để phát triển nông nghiệp.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đưa Campuchia trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, đồng thời góp phần vào những nỗ lực rộng lớn hơn để trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.

Đây là mục tiêu đầy tham vọng đối với quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ bất ổn chính trị và từng nằm trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Sản xuất lúa, gạo là mặt hàng nông sản chủ lực của Campuchia.

Những năm gần đây, an ninh lương thực đã trở thành vấn đề hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Campuchia. Mặc dù đất nước đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, song tình trạng mất an ninh lương thực vẫn là vấn đề đang diễn ra và nghiêm trọng trong bối cảnh có sự biến động về nguồn cung và giá cả lương thực tại khu vực và toàn cầu.

Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc, khoảng 2,5 triệu người Campuchia - tương đương 15% dân số - đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Với dân số khoảng 16,5 triệu người, trong đó gần 80% sống ở nông thôn, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Campuchia. Dân số nước này chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, lĩnh vực sử dụng tới 49% lực lượng lao động của cả nước và chiếm 22% GDP của cả nước. 65% dân số Campuchia sống dựa vào nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp.

Nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào gạo (70%), mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất và lúa là cây trồng chính của Campuchia. Tiếp theo là cây công nghiệp và phụ trợ như mía (20%), cao su (7%) và cây lâu năm (4%).

Đối tác và thách thức

Mặc dù nông nghiệp có thể là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế - xã hội và an ninh lương thực ở Campuchia, nhưng trước tiên nước này cần phải giải quyết một số mối lo ngại.

Campuchia phải đối mặt với rủi ro thiên tai cao như lũ lụt và hạn hán một phần do mức độ dễ bị tổn thương cao cũng như khả năng thích ứng thấp. Khoảng 4,5 triệu hecta đất canh tác của Campuchia chủ yếu dựa vào nước mưa nên phụ thuộc vào thời tiết và lượng mưa. Vì vậy, ngành nông nghiệp đặc biệt dễ bị tổn thương trước các thảm họa liên quan đến khí hậu.

Để giải quyết các vấn đề liên kết này, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích đa dạng hóa cây trồng để giảm sự phụ thuộc vào lúa gạo, chẳng hạn như trồng các giống cần ít nước và có sức chống chịu khí hậu hơn bên cạnh việc tưới tiêu cho đất.

Hệ thống cảnh báo sớm để dự báo thời tiết và giám sát khí hậu cũng có thể được triển khai để giúp nông dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc điều chỉnh phương thức canh tác cho phù hợp. Campuchia hy vọng, Australia - quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực như công nghệ nông nghiệp, quản lý và giám sát rủi ro thiên tai cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể giúp đỡ họ.

Ngoài việc cải thiện cơ sở hạ tầng sản xuất và sau thu hoạch, cũng như cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần để tăng cường chuỗi giá trị nông sản, Campuchia cũng cần cải thiện việc tiếp cận tài chính và kiến thức, tăng cường khả năng tiếp cận đầu vào và máy móc nông nghiệp để tăng năng suất lao động.

Việc Campuchia thiếu công nghệ chế biến sâu hơn để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cũng là một mối lo. Do năng lực chế biến nông sản Campuchia còn hạn chế nên phần lớn hàng hóa xuất khẩu của nước này là sản phẩm sơ chế. Để ứng phó, các nhà hoạch định chính sách có thể nâng cao năng lực chế biến nông sản thông qua cơ sở hạ tầng, tài chính, nghiên cứu và phát triển để chế biến và phát triển sản phẩm.

Ngày càng có nhiều quốc gia trong khu vực quan tâm đến hợp tác nông nghiệp và lương thực sâu rộng hơn với Campuchia. Ngoài Australia, một trong những đối tác chiến lược lâu dài và đối tác phát triển nông nghiệp lớn, Campuchia vẫn có thể thực hiện được đầu tư liên vùng.

Ví dụ, Indonesia, đối tác thương mại lớn thứ sáu của Campuchia, đang để mắt đến các khoản đầu tư tiềm năng vào vựa lúa của Campuchia. Tháng 11/2023, chuyến hàng gạo đầu tiên của Campuchia đã đến Indonesia.  

Thái Lan,  đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia trong ASEAN, đặt mục tiêu đạt 15 tỷ USD thương mại song phương, bao gồm cả thương mại nông nghiệp, vào năm 2025.

Nhật Bản, quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu cũng quan tâm đến nông sản của Campuchia, trong khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các dự án nông nghiệp chung với Campuchia.

Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, cũng quan tâm đến đầu tư nông nghiệp và hợp tác an ninh lương thực. Ngoài việc tham gia thỏa thuận an ninh lương thực ASEAN-Trung Quốc mới, hai nước còn tìm kiếm sự hợp tác nông nghiệp song phương mạnh mẽ hơn, như các thỏa thuận gần đây nhằm thiết lập “Hành lang Lúa gạo và Cá” và “Hành lang Phát triển Công nghiệp” Trung Quốc-Campuchia. Ngoài châu Á, Pháp và Israel đều bày tỏ sự quan tâm đến hợp tác nông nghiệp với Campuchia.

Có thể thấy, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách ở Campuchia sẽ phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn trong việc giải quyết những mối lo ngại kể trên trong tham vọng trở thành cường quốc sản xuất nông nghiệp của thế giới.

Tuy vậy, Campuchia cũng đang đứng trước các cơ hội lớn về hợp tác an ninh lương thực và nông nghiệp song phương, khu vực, liên khu vực và quốc tế.

 

Chanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Câu chuyện XD NTM ở vùng đất khó Mường Lát

    Câu chuyện XD NTM ở vùng đất khó Mường Lát

    Sau năm 1996, huyện Mường Lát được tách khỏi huyện Quan Hóa, đây là một huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, quy mô nền kinh tế gần như không có gì. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh cũng cực kỳ khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.

  • Hà Tĩnh tập trung cao nhất cho mục tiêu hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới

    Hà Tĩnh tập trung cao nhất cho mục tiêu hoàn thành các tiêu chí tỉnh nông thôn mới

    Năm 2024, mục tiêu của Hà Tĩnh là được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), làm tiền đề tổng kết đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

  • Dấu ấn nông thôn Hà Nội

    Dấu ấn nông thôn Hà Nội

    Tôi sinh ra ở nơi giáp Thủ đô không thể gần hơn và chỉ mới chứng kiến Hà Nội “thay da đổi thịt” gần 30 năm. Nhưng, ấn tượng trong tôi về Hà Nội thực sự thay đổi từng ngày.

Top