Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 10 năm 2022 | 14:41

Thế giới đang phải đối mặt với mất an ninh lương thực

Hiện, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có.

Vì vậy, Ngày Lương thực thế giới năm nay đã kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, giải quyết bất bình đẳng, tăng khả năng phục hồi.

Nguy cơ có thêm 20 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói

“Báo cáo về các Mục tiêu phát triển bền vững 2022” của Liên Hợp quốc cho thấy nguy cơ có thêm gần 20 triệu người bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và những tác động tiêu cực của cuộc xung đột như tăng giá lương thực.

Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo báo cáo, số người có mức sống dưới 1,9 USD/ngày trên thế giới trong năm nay ước tính 656,7 triệu người, nhưng tình trạng giá lương thực tăng cao và những tác động lớn hơn của cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến con số này tăng lên 676,5 triệu người.

Dù mức dự báo này vẫn thấp hơn con số 684,2 triệu người của năm 2021 nhưng cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến thế giới khó có thể đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030, một trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.

Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt trong khi tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, đồng thời gây ra tình trạng hỗn loạn ở các thị trường tài chính.

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh quan ngại về nguồn cung lương thực ngày càng giảm ở một số quốc gia châu Phi và Trung Đông, những nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngũ cốc từ nhà sản xuất nông nghiệp lớn Ukraine.

Theo báo cáo, ít nhất 50 quốc gia nhập khẩu từ 30% trở lên nhu cầu lúa mì là từ Ukraine và Nga - cũng là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn khác. Đối với nhiều quốc gia châu Phi và những nước kém phát triển nhất thì nhu cầu lúa mì từ Ukraine và Nga chiếm hơn 50% lượng tiêu thụ của họ.

Ngoài vấn đề xung đột, các yếu tố khác như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng gia tăng cũng đang khiến thế giới bị chệch hướng trong nỗ lực đạt được mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030 - một trong những Mục tiêu phát triển bền vững khác của Liên Hợp quốc.

Báo cáo cũng cho rằng, trong số 100 triệu người (con số kỷ lục) ước tính bị buộc phải rời bỏ nhà cửa tính đến tháng 5 năm nay, có khoảng 6,5 triệu người sơ tán khỏi Ukraine vì xung đột.

Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Lưu Chấn Dân cho rằng: “Chúng ta phải bắt đầu bằng việc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang và bắt đầu bằng con đường ngoại giao và hòa bình - điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững”.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Báo cáo của các cơ quan Liên Hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua cho biết, ít nhất 345 triệu người ở 82 quốc gia đang đối mặt với bất ổn an ninh lương thực và khoảng 800 triệu người, tương đương gần 10% dân số thế giới, bị ảnh hưởng nạn đói trong năm 2021, nhiều hơn 46 triệu người so với năm 2020 và hơn 150 triệu người so với năm 2019.

Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Kebribeyah, miền đông Ethiopia. (Ảnh: AFP).

Hàng loạt quốc gia như Afghanistan, Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Yemen đang trong tình trạng báo động cao về mất an ninh lương thực, mỗi quốc gia có gần 1 triệu người phải đối mặt với mức độ đói thảm khốc.

Tác động từ những “cú sốc lương thực” có thể dễ dàng cảm nhận được trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại những nước có thu nhập thấp và trung bình cũng như phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu lương thực.

Theo ước tính công bố mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tác động của giá nhập khẩu lương thực và phân bón tăng cao sẽ khiến các nước phải chi thêm 9 tỷ USD trong năm 2022 và năm 2023, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối cũng như ảnh hưởng đến khả năng thanh toán chi phí nhập khẩu lương thực của nhiều quốc gia.

Theo các chuyên gia, giá lương thực và nhiên liệu cao đang góp phần tạo nên khủng hoảng phí sinh hoạt mà nhiều khả năng làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo, giảm sút tăng trưởng kinh tế, với nguy cơ bất ổn chính trị tiềm tàng.

Trong khi đó, theo một báo cáo của tổ chức Oxfarm, thời tiết khắc nghiệt và do biến đổi khí hậu đang làm mất đi khả năng của những người nghèo, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp, trong việc ngăn chặn nạn đói và đối phó với cú sốc tiếp theo.

Đơn cử như trường hợp của Pakistan. Ba tháng sau đợt mưa lũ nặng nề nhấn chìm 1/3 diện tích đất nước, cuốn trôi cây trồng, lớp đất mặt và phá hủy cơ sở hạ tầng, đất trồng trọt của nông dân ở nhiều tỉnh phía Nam vẫn nằm dưới nước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngay cả trước khi lũ lụt xảy ra, khoảng 38 triệu người Pakistan, chiếm hơn 16% dân số, đã sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức trung bình hoặc nghiêm trọng. Gần 18% trẻ em nước này bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Trong bối cảnh đó, Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm nay có chủ đề “Không ai bị bỏ lại phía sau”, kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, giải quyết bất bình đẳng, tăng khả năng phục hồi và đạt được phát triển bền vững.

Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO) tập trung vào 4 mục tiêu: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Đây được xem là cơ hội để chia sẻ rộng rãi với cộng đồng về việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liên Hợp quốc cũng kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương để chung tay thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và thay đổi cách thức sản xuất, xử lý và tiêu thụ lương thực, thực phẩm để chuyển đổi các hệ thống lương thực theo hướng lành mạnh hơn, bền vững hơn và bình đẳng hơn, bảo vệ tốt hơn con người và hành tinh.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đang đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và điều phối tốt hơn nhằm đảm bảo hiệu quả bổ sung và tối đa của những nguồn lực được sử dụng. 

Các hệ thống sản xuất nông nghiệp cần phải được chuyển đổi và xây dựng tốt hơn để hướng đến thực hiện các giải pháp bền vững và tổng thể, cân nhắc cả sự phát triển trong tăng trưởng kinh tế dài hạn và bao trùm cũng như có khả năng hồi phục tốt hơn. Đó là việc tối ưu hóa sử dụng đất nông nghiệp, phát triển những loại hình nông nghiệp thân thiện với khí hậu, kết hợp giữa bảo vệ tính đa dạng sinh học và sản xuất lương thực...

Các dự báo của FAO cho thấy, nếu không có giải pháp mang tính toàn cầu, với phản ứng nhanh chóng và hành động quyết đoán của cộng đồng quốc tế, 670 triệu người, tức 8% dân số thế giới, sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030.

Phát biểu tại hội thảo tổ chức ở Saudi Arabia, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, thêm 141 triệu người ở thế giới Arab cũng phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Theo bà Georgieva, 48 quốc gia trên thế giới phải đối mặt với khủng hoảng lương thực. Bà Georgieva nhấn mạnh: “Trong số 48 quốc gia này, 10-20 quốc gia có khả năng sẽ yêu cầu viện trợ khẩn cấp”.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top