Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Khôi phục bình thường so với trước đại dịch
Ghi nhận chỉ số RevPar (doanh thu trên mỗi phòng sẵn có) trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới gần như khôi phục về mức trước đại dịch Covid-19 (năm 2019).
Cụ thể, tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Nhờ sự tăng trưởng mạnh các hoạt động du lịch quốc tế, quốc đảo này ghi nhận mức giá phòng vượt mức trước đại dịch. Trong khi đó, tốc độ khôi phục của Việt Nam chậm hơn, khi chỉ số RevPar thấp hơn mức năm 2019 khoảng 20%, chủ yếu do công suất khai thác cho thuê phòng còn thấp.
Năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới gần như khôi phục về mức trước đại dịch Covid-19.
“Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai quốc gia đang cho thấy những nỗ lực thúc đẩy các hoạt động du lịch quốc tế mạnh mẽ. Trong đó, Thái Lan đặt mục tiêu, 2025 sẽ là một trong những năm có kết quả du lịch ấn tượng của quốc gia này. Cả Singapore và Thái Lan đều đang chú trọng đầu tư hạ tầng, cải thiện quy trình thủ tục xuất - nhập cảnh, nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách trong chuyến đi. Bên cạnh đó, hai quốc gia này đều có các chiến lược quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến hiệu quả, thu hút thị trường khách quốc tế.
Một trong số đó là chiến lược đồng hành cùng các nghệ sĩ quốc tế trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Taylor Swift và Bruno Mars đã giúp thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế, từ đó thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương. Mặc dù có quá trình phát triển du lịch ấn tượng trước đại dịch, cũng như sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế, Việt Nam vẫn cần có những kế hoạch hành động để gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực”, ông Mauro chia sẻ.
Tại hội nghị lần này, trước diễn biến của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, các đại diện đến từ các nhà điều hành khách sạn, doanh nghiệp đã cùng trao đổi về tình hình thu hút du khách của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam. Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, nguồn khách nội địa là một trong những động lực chính, hỗ trợ quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Đây được xem là nguồn khách có khả năng khôi phục nhanh hơn, cũng như ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động trên thế giới.
Trong khi đó, thị trường khách quốc tế với mức chi tiêu cao hơn, đem đến nguồn doanh thu tốt hơn cho hệ sinh thái du lịch trong nước, nhưng đồng thời thị trường này cũng chịu nhiều biến động hơn do các yếu tố địa chính trị.
Các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, thu hút cả nguồn cầu nội địa và quốc tế, cũng như việc cần thiết đưa ra các chính sách linh hoạt, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của từng tệp khách, đặc biệt là sau giai đoạn đại dịch.
Ông Mauro cho hay: “Tùy thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của chủ đầu tư, mỗi mô hình đều có lợi thế riêng. Việc tự vận hành khách sạn giúp chủ đầu tư có thể độc lập trong quá trình phát triển, quản lý vận hành, trong khi đó, các chuỗi khách sạn có nhiều ưu thế về chuyên môn quản lý, mức độ nhận diện thương hiệu, hệ thống phân phối và marketing. Việc song hành cùng với các thương hiệu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe, đem đến các sản phẩm chất lượng cho thị trường, từ đó giúp gia tăng tính cạnh tranh cho dự án, tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi quá trình hoạch định và nghiên cứu kỹ lưỡng và thường sẽ yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn”.
Chú trọng yếu tố phát triển bền vững
Trong khuôn khổ hội nghị, các diễn giả cũng chia sẻ về những chủ đề đang được thị trường quan tâm - Yếu tố ESG và phát triển bền vững. Trong đó, diễn giả đến từ nhà điều hành Six Senses và Seibu Prince Hotel Worldwide Inc chia sẻ về hành trình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cũng như câu chuyện tích hợp suối khoáng nóng, mô hình Onsen và các yếu tố chăm sóc sức khỏe vào mô hình kinh doanh nghỉ dưỡng.
Cùng với đó, các tổ chức, đơn vị tư vấn chuyên môn như Eurocham, Greenview, VGBC, Kohler và QUO cung cấp các góc nhìn chuyên sâu về hành trình phát triển bền vững của ngành BĐS và nghỉ dưỡng thông qua các tham luận về những yếu tố then chốt của mô hình BĐS tái tạo, cơ hội của du lịch chăm sóc sức khỏe, và tích hợp yếu tố phát triển bền vững trong doanh nghiệp.
Theo ông Ishan Kala, Tổng giám đốc Kohler Việt Nam & Philippines, chia sẻ: “Việc chú trọng tích hợp các nguyên tắc phát triển bền vững vào môi trường xây dựng ngày càng gia tăng đòi hỏi các nhà sản xuất phải hợp tác toàn diện hơn với chủ đầu tư, đơn vị điều hành và các nhà thiết kế, kiến trúc sư trong ngành BĐS. Kohler mang đến những hiểu biết sâu sắc, giá trị trong quá trình thiết kế và cho ra mắt những sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, vận hành bền vững nhằm hỗ trợ tối ưu cho khách hàng giảm thiểu tác động lên môi trường xung quanh.
Ngoài chuyên môn trong sản xuất và thiết kế các sản phẩm phòng tắm và bếp, Kohler cũng mang đến cái nhìn của chủ sở hữu đồng thời là nhà vận hành chuyên nghiệp khách sạn, resort năm sao, các sân golf nổi tiếng quốc tế nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của sức khỏe toàn diện và bền vững trong trải nghiệm nghỉ dưỡng sang trọng, đẳng cấp. Là thương hiệu hơn 150 năm kinh nghiệm thiết kế và sáng tạo, chúng tôi tin rằng Kohler sẽ giúp các chuyên gia, các nhà thiết kế kiến tạo nên không gian không chỉ mang lại sự cân bằng, thoải mái mà còn hỗ trợ giảm tác động đến môi trường”.
Việc chú trọng các yếu tố phát triển bền vững, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường đang là xu hướng đang được thị trường quan tâm. Hiện nay, khách hàng có xu hướng ưu tiên những trải nghiệm phù hợp với giá trị cá nhân, do vậy, các dự án có thể truyền đạt những cam kết về phát triển bền vững, yếu tố sức khỏe sẽ có nhiều ưu thế cạnh tranh cũng như có khả năng gia tăng giá trị trong dài hạn.