Sáng 8/11, trong chương trình tham dự các hội nghị của các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo tại cuộc gặp, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm thành phố Trùng Khánh sau 15 năm.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các ý kiến tại cuộc gặp mặt cho biết hiện có gần 400 lưu học sinh và 600 người Việt Nam đang sinh sống tại khu vực Trùng Khánh, cuộc sống tương đối ổn định, luôn đoàn kết, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, tiếng Việt, hướng về quê hương, đất nước.
Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh, Tứ Xuyên phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chị Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh, Tứ Xuyên bày tỏ xúc động, cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Trung Quốc nói riêng.
Anh Trần Văn Đạt, nghiên cứu sinh tại Đại học Trùng Khánh, Hội trưởng Hội Lưu học sinh Việt Nam thay mặt các lưu học sinh tại đây cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ hai nước trong triển khai chương trình học bổng Chính phủ của Trung Quốc dành cho lưu học sinh Việt Nam; hứa không ngừng học tập, rèn luyện tốt để có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cho quan hệ hai nước.
Anh Trần Văn Đạt, nghiên cứu sinh tại Đại học Trùng Khánh, Hội trưởng Hội Lưu học sinh Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng tới thăm Trùng Khánh - thành phố tươi đẹp, hiện đại và được gặp cộng đồng người Việt Nam đang học tập, sinh sống tại đây; bày tỏ xúc động nhận được sự đón tiếp nồng hậu của cộng đồng người Việt Nam ngay tại sân bay với tình cảm quê hương thân thiết.
Gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới bà con, Thủ tướng mong muốn bà con luôn tuân thủ đúng quy định sở tại, mỗi người luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiến bộ, phát triển trong công việc, học tập.
Dành thời gian điểm lại quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần anh hùng, bất khuất trong chiến tranh và tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh, cấm vận của đất nước ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Là một trong những nước trải qua nhiều đau thương, mất mát nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, sau gần 40 năm đổi mới, quy mô GDP của Việt Nam đã tăng từ khoảng 4 tỷ USD lên khoảng 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 34 trên thế giới, GDP bình quân đầu người tăng từ khoảng 100 USD lên khoảng 4.300 USD.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực to lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Trùng Khánh nói riêng và tại Trung Quốc nói chung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 32 quốc gia, là đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên G7 và nhiều nước thành viên G20. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới.
Năm 2024, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP đạt khoảng 7%, các cân đối lớn được bảo đảm trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đây là nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Thủ tướng cũng phân tích những yếu tố nền tảng, trụ cột phát triển, các chính sách trọng tâm về đối ngoại, hội nhập; bảo đảm quốc phòng-an ninh; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Quan điểm xuyên suốt lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng chia sẻ những bài học kinh nghiệm quan trọng: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng mong cộng đồng người Việt Nam tại Trùng Khánh và Trung Quốc tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chủ động có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam, có thể đúc kết, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn với khoảng 6 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì.
Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đến nay, kiều bào ta đã có 385 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đăng ký hơn 1,72 tỷ USD. Ngoài ra, có hàng nghìn dự án có vốn góp của người Việt Nam ở nước ngoài. Kiều hối năm 2023 đạt mức cao (khoảng 14 tỷ USD).
Qua các báo cáo, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực to lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Trùng Khánh nói riêng và tại Trung Quốc nói chung, thời gian qua đã phát huy tốt truyền thống "tương thân tương ái", đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác, học tập và cuộc sống.
Về trọng tâm công tác thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các cơ quan đại diện Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đối ngoại theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng chụp ảnh cùng các lưu học sinh và cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Trùng Khánh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng với đó, tích cực hơn nữa triển khai công tác ngoại giao kinh tế nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển đất nước. Tiếp tục làm tốt công tác ngoại giao văn hóa, lãnh sự, cộng đồng và bảo hộ công dân theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Thủ tướng mong cộng đồng người Việt Nam tại Trùng Khánh và Trung Quốc tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chủ động có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; phát huy vai trò cầu nối cho quan hệ truyền thống hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; đóng góp tích cực xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
"Mong mỗi người, các cháu lưu học sinh luôn nỗ lực, phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, khát vọng và lý tưởng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên, làm chủ cuộc sống, làm chủ công nghệ; ở đâu cũng được, miễn là có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình và khi có điều kiện thì hướng về, đóng góp cho quê hương, đất nước. Mong mỗi người là một cầu nối của tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc "núi liền núi, sông liền sông", "vừa là đồng chí, vừa là anh em"", Thủ tướng phát biểu.
Đối với những nguyện vọng, đề xuất của bà con, Thủ tướng chia sẻ, ghi nhận và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp tục có các biện pháp phù hợp để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài, trong đó có vấn đề chính sách với các lưu học sinh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.