Trung Quốc đang trên đường thực hiện sứ mệnh hiện đại hóa nông nghiệp, tích hợp các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành.
Đổi mới công nghệ canh tác
Trên khắp các tỉnh, thành ở Trung Quốc, từ Vân Nam đến Sơn Đông, nông dân đang tích cực tham gia vào các hoạt động cho vụ xuân, cày cấy, gieo hạt và sử dụng những loại máy móc nông nghiệp tiên tiến, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng hướng tới các phương pháp canh tác hiện đại và bền vững hơn.
Sáng kiến toàn quốc này, được đề cập trong một bài viết gần đây của hãng thông tấn Xinhua, trong đó nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc đối với nhiệm vụ hiện đại hóa nông nghiệp và đổi mới công nghệ canh tác.
Ngành nông nghiệp Trung Quốc đang chứng kiến một kỷ nguyên chuyển mình với việc áp dụng phương pháp gieo hạt chính xác, tưới tiêu thông minh, công nghệ máy bay không người lái (UAV) và gieo trồng những giống cây mới. Đạt tỷ lệ cơ giới hóa hơn 73% trong trồng trọt và thu hoạch, Trung Quốc đang thiết lập chuẩn mực toàn cầu về hiệu quả nông nghiệp.
Các nhà nghiên cứu che phủ cánh đồng lúa của họ bằng màng bảo vệ để ngăn chim tại Cơ sở Nghiên cứu và Khoa học Nam Vân ở Tam Á, tỉnh Hải Nam. Ảnh China Daily.
Nỗ lực hiện đại hóa này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của chính phủ nhằm tăng cường an ninh lương thực, giảm chi phí lao động và giảm thiểu tác động môi trường của các phương pháp canh tác truyền thống.
Những đổi mới như tích hợp GPS và kết nối mạng trong thiết bị nông nghiệp đang cách mạng hóa ngành nông nghiệp, giúp cây trồng đạt được năng suất và hiệu quả vượt trội. Việc sử dụng UAV để phun thuốc trừ sâu là minh chứng cho việc Trung Quốc đang nghiêm túc theo đuổi nền nông nghiệp chính xác như thế nào.
Những tiến bộ này không chỉ nâng cao năng lực nông nghiệp của Trung Quốc mà còn mang lại cơ hội sinh lợi cho những đơn vị tham gia lĩnh vực sản xuất thiết bị nông nghiệp, như được nêu trong các báo cáo thị trường gần đây.
Một trong những kết quả then chốt của quá trình hiện đại hóa nông nghiệp Trung Quốc là tiềm năng thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc đổi mới công nghệ đã giúp làm giảm đáng kể chênh lệch về thu nhập, đặc biệt là ở các khu vực ở miền Trung và những vùng sản xuất cây trồng chính. Nó cũng thúc đẩy xu hướng phát trển cân bằng trên toàn quốc, cho thấy lợi ích xã hội rộng hơn của các hoạt động nông nghiệp hiện đại.
Trung Quốc đang tiến tới mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp và mùa xuân năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình này.
Thông qua kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống và công nghệ tiên tiến, giới chuyên gia đánh giá Trung Quốc không chỉ nâng cao năng suất nông nghiệp mà còn thiết lập con đường bền vững cho các thế hệ tương lai. Sáng kiến này phản ánh cam kết hợp tác toàn cầu, canh tác bền vững và tầm nhìn về một tương lai nông nghiệp thịnh vượng mà Bắc Kinh đang hướng đến.
Quyết tâm phát triển “Thung lũng Silicon về nông nghiệp”
Cơ sở Nghiên cứu Nhân giống và Khoa học Nam Vân là minh chứng cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong đổi mới nông nghiệp.
Cơ sở này đã phát triển hơn 70% giống cây trồng mới cho đất nước và hiện mong muốn tận dụng đổi mới công nghệ để đóng góp cho an ninh lương thực toàn cầu, nhằm vươn lên trở thành “Thung lũng Silicon về nông nghiệp Nam Vân”.
Ông Trần Phàm, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Vịnh Nhai Châu, người đi đầu trong công tác đổi mới, đã dành hai thập kỷ để nghiên cứu nhân giống tại Cơ sở Nghiên cứu Nhân giống và Khoa học Nam Vân, ông ví cơ sở này như một “Thung lũng Silicon về nông nghiệp”.
Quang cảnh từ trên cao tại thành phố Khoa học và Công nghệ Vịnh Nhai Châu ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc. Ảnh Global Times.
Theo ông Trần Phàm, “Thung lũng Silicon Nam Vân” không phải là một khu công nghiệp, mà là một khu nghiên cứu khoa học thực chất. Đây là nơi các hoạt động nghiên cứu được thực hiện nhằm đáp ứng các mục tiêu công nghiệp và nhu cầu đổi mới của ngành nông nghiệp được giải quyết bằng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy sự phát triển của ngành lên một tầm cao mới.
“Điều chúng ta cần nhất bây giờ là lực lượng sản xuất chất lượng mới. Do đó, chúng ta cần tận dụng thành quả của các tập đoàn công nghệ để thực hiện quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang hiện đại”, ông Trần Phàm cho biết.
Góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới
Theo ông Trần Phàm, Cơ sở Nghiên cứu Nhân giống và Khoa học Nam Vân hiện đang nghiên cứu “nhân giống phù hợp”, nghĩa là các giống cây trồng được chỉnh sửa gen phù hợp với từng điều kiện môi trường mà chúng được trồng.
“Những hạt giống biến đổi gen này hứa hẹn sẽ được sử dụng rộng rãi hơn nữa, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp và tăng độ chính xác trong canh tác. Hy vọng rằng, trong tương lai, chúng tôi sẽ sản xuất hạt giống cụ thể cho các công ty dựa trên những gì họ cần. Bất cứ điều gì họ yêu cầu, chúng tôi có thể tạo ra cho họ”, ông Trần Phàm nói.
Cơ sở nằm ở phía Nam Ngũ Chỉ Sơn ở tỉnh Hải Nam, nhiệt độ mùa đông tại đây luôn ở mức trên 16 độ C. Trong khi các khu vực phía Bắc của Trung Quốc thường phải trải qua mùa đông giá rét; khí hậu ôn hòa của khu vực cho phép hoạt động nghiên cứu giống diễn ra quanh năm, khiến khu vực này trở thành địa điểm lý tưởng và thu hút nhiều nhà khoa học vào mùa đông.
“Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu giống cây từ những năm 1970, điều này góp phần đáng kể vào việc đảm bảo an ninh lương thực ở Trung Quốc. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ phát triển các giống cây trồng chiến lược ở Thung lũng Silicon Nam Vân và đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp hạt giống toàn cầu, nhằm mục đích không chỉ nuôi sống Trung Quốc mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới”, ông Trần Phàm nói.
Cơ sở Nam Vân cũng là một trung tâm hợp tác nông nghiệp quốc tế. Theo dữ liệu chính thức từ Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Hải Nam, cơ sở này đã đào tạo hơn 5.000 cán bộ từ 99 quốc gia và đang phát triển Khu Triển lãm Hợp tác Nông nghiệp Sinh thái Nhiệt đới Trung Quốc - Campuchia ở Campuchia nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp địa phương.
Ông Trần Phàm cho biết, cơ sở cũng đang hợp tác nghiên cứu về đậu nành trên phạm vi quốc tế.
“Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng trồng các giống đậu nành do Trung Quốc phát triển ở Brazil, điều này không chỉ giúp cải thiện các giống đậu nành của Brazil mà còn mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nông dân địa phương”, ông nói.
“Các giống lúa của chúng tôi, bao gồm cả giống lúa lai của nhà nông học Viên Long Bình, đã được đưa đến nhiều quốc gia. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ xuất khẩu các giống đậu nành và ngô của mình sang nhiều nơi hơn nữa”, ông Trần Phàm nói.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…