Với mục tiêu phát triển bền vững để hội nhập, lấy phương châm: “Chất lượng đào tạo là sứ mệnh, việc làm của học viên là mục tiêu”, những năm qua, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đã từng bước vươn lên, khẳng định vị thế của mình.
Hơn 80% học sinh tốt nghiệp ra trường trong vòng 3 tháng cơ bản có việc làm và thu nhập ổn định. Kết quả đó đã góp phần đóng góp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, giúp trường vươn lên tầm cao mới.
Là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng với quyết tâm cao của tập thể cán bộ, giáo viên, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đã khẳng định được hình ảnh, thương hiệu, uy tín trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, du học, cung ứng xuất khẩu lao động, huấn luyện an toàn lao động, kiểm định thiết bị...
Học viên học nghề công nghệ ô tô trong 1 buổi thực hành sửa chữa.
Năm 2022, trường tổ chức đào tạo hệ trung cấp cho 4.706 học sinh; đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 5.682 học viên; đào tạo hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT cho 1.181 học viên. Tư vấn du học, xuất khẩu lao động 45/50 lao động, đạt 90%; huấn luyện an toàn lao động cho 7.167 lao động so với kế hoạch 7.100 người, đạt 100,94%; kiểm định cho 224 thiết bị so với kế hoạch đề ra là 220, đạt 101,82%. Tuyển sinh trung cấp 1.255/1.200 học viên, đạt 104,58%; tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô các hạng 4.782/4.200 học viên, đạt 113,86%; đào tạo và sát hạch lái xe mô tô A1 đạt 3.798/3.700 học viên, đạt 102,65%…
Trường có 3 phòng chuyên môn, 6 khoa đào tạo, 4 trung tâm và 1 tổ bộ môn chung. Phần lớn giáo viên đều được đào tạo và giảng dạy đúng chuyên ngành; được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Với chính sách quản lý chuyên sâu và phát triển linh hoạt, trường luôn coi trọng việc đổi mới, mở rộng và nâng cao chất lượng ngành nghề đào tạo, phát triển bền vững theo hướng đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc sau ra trường. Từ đó, tạo nên yếu tố thành công của trường là nhờ thực hiện quán triệt, xuyên suốt nguyên lý “học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với xã hội” với khẩu hiệu hành động “Mỗi người giỏi một nghề, biết nhiều nghề, giỏi một việc, biết nhiều việc”, phấn đấu không ngừng học tập, rèn luyện để học viên luôn có hiểu biết rộng, có trải nghiệm sâu, có thành quả tốt trong công việc, trong nghề nghiệp và trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng triết lý, sứ mạng, tầm nhìn, những chuẩn mực văn hóa học đường trên cơ sở văn hóa cảnh quan giáo dục, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử, từng hành động, lời nói, giao tiếp… Qua đó, thể hiện trường là nơi không chỉ giáo dục nghề nghiệp mà còn thể hiện tình thương, trách nhiệm.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh Vương Thị Mận cho biết: “Thời gian tới, trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp bằng cách củng cố cơ sở vật chất, hạ tầng, trong đó theo sát việc khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng nhà học 5 tầng theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời tăng cường mua sắm, cải tiến trang thiết bị dạy nghề, xây dựng, chỉnh sửa nội dung chương trình đào tạo và đặc biệt là phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuyên ngành, tổ chức đánh giá kỹ năng nghề đối với giáo viên dạy thực hành, tích hợp nghề. Gắn chặt đào tạo nghề với giải quyết việc làm.
Tiếp tục thực hiện tốt việc tự chủ chi thường xuyên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, nâng cao mức thu nhập cho viên chức và người lao động. Thực hiện đề án mở rộng cơ sở huyện Kỳ Anh, trong đó trọng tâm là bám sát chủ trương để xin quỹ đất tại xã Kỳ Đồng để xây dựng sân tập lái xe ô tô phục vụ nhu cầu học nghề ngày càng tăng trên địa bàn. Phát huy các thế mạnh về dịch vụ ở các trung tâm thuộc trường để tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên… Phấn đấu giai đoạn 2023 - 2025 nâng cấp trường lên thành trường cao đẳng”.