Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 12 năm 2023 | 14:6

Vấn nạn hàng hóa không rõ nguồn gốc tại các vùng nông thôn

Hiện nay, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái ở vùng nông thôn, vùng cao vẫn xảy ra phổ biến, thậm chí người tiêu dùng còn bị nhầm lẫn hàng giả là hàng thật.

Hàng giả phổ biến tại nông thôn, vùng cao

Hiện nay, tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng ở nông thôn, vùng cao vẫn còn diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, không dễ để xử lý vi phạm hàng hoá ở những địa phương này.

Thực tế cho thấy, tại các chợ phiên, hay hộ kinh doanh dưới hình thức nhỏ lẻ, chỉ bán một vài loại mặt hàng đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra của cơ quan chức năng. Hơn nữa, nếu chỉ nhìn qua về bao bì thì không ít người sẽ nhầm lẫn hàng giả, hàng nhái với hàng thật, bởi hàng giả, hàng nhái rất tinh vi chỉ cần thêm hoặc thiếu đi một chữ số thì sẽ giống hệt hàng thật. Điều đó dẫn đến việc nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, người dân ở vùng nông thôn, vùng cao lại ít quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, thậm chí còn không biết đến khái niệm này.

Chợ phiên Đồng Văn, Hà Giang bày bán rất nhiều sản phẩm nước tăng lực có dấu hiệu giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm Redbull. Ảnh: Báo Công Thương

Trong khi, mức giá bán của những sản phẩm hàng giả, hàng nhái lại rất thấp đã đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng. Bởi vậy, thực tế trên là “mảnh đất sống” màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái tồn tại nhiều năm qua.

Chia sẻ về thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Huân - Giám đốc điều hành Công ty TCP Việt Nam - nhà sản xuất nước tăng lực Redbull và phân phối tại thị trường Việt Nam cho biết, nước tăng lực Redbull có mặt tại thị trường Việt Nam vào năm 1994 và được đông đảo người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, đón nhận. Tuy nhiên, theo ông Huân, trên thị trường hiện nay, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm Redbull đang diễn ra ngày càng phức tạp.

“Các đối tượng vi phạm liên tục đưa ra thị trường Việt Nam các sản phẩm nước tăng lực với những mẫu mã, bao bì mới liên tục thay đổi. Các sản phẩm nước tăng lực vi phạm chứa những đặc điểm nhận dạng tương tự với sản phẩm thật như: Red Blue, Red Gold, Red Goats...” - ông Nguyễn Thanh Huân thông tin và nêu thực tế, hiện nay, các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Redbull được bày bán ở nhiều nơi từ vùng nông thôn, rải rác ở khu vực thành phố và lan đến tận các trang thương mại điện tử lớn.

“Khi đi khảo sát thực tế, người tiêu dùng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng cao còn lầm tưởng Redbull thật là hàng giả, còn Redbull giả là hàng thật, bởi trước nay, họ chỉ thấy và dùng các sản phẩm giả, vi phạm”, ông Huân thông tin.

Thực tế, hồi tháng 6/2023, tham dự một đám cưới tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), trong số các loại nước uống do nhà gái cung cấp, có nước tăng lực Redbull. Tuy nhiên, sản phẩm ở đây là hàng vi phạm. Theo các đặc điểm nhận diện hàng thật - hàng giả do TCP Việt Nam cung cấp, các sản phẩm nước tăng lực chính hãng phần nắp bật có khắc hình chú bò tót; logo là hình hai chú bò tót màu đỏ đang húc đầu vào nhau và vòng tròn vàng ở giữa... Trong khi đó, ở sản phẩm giả, vi phạm phần nắp bật không được khắc hình bò tót, sử dụng hình ảnh các con vật khác làm logo (như dê, trâu, ngựa...) và sử dụng nhiều hình khác như: Hình tấm khiên, hình lục giác... Khi được hỏi, người dân Lệ Thủy chia sẻ, nước tăng lực ở đây đều là loại này và mọi người đã quen khi sử dụng.

Hay như, trong một buổi chợ phiên trên Đồng Văn (Hà Giang) hôm cuối tháng 10/2023, sản phẩm nước uống được bán phổ biến nhất ở đây là nước tăng lực, mẫu mã bao bì có phần giống với sản phẩm Rebbull chính hãng nhưng tên in lại là “Red Spear 250”. Trên sản phẩm có in dòng chữ “Made in VietNam” và cùng nhiều ký tự, chữ nước ngoài...

Không chỉ riêng đồ uống, hiện nay, sản phẩm mỹ phẩm giả trên thị trường cũng đã và đang là vấn nạn. Tại Phòng Trưng bày hàng thật hàng giả chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả” do Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa hôm 24/11, khu vực trưng bày kem chống nắng có xuất xứ từ Nhật Bản là sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Chị Hồng Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm kem chống nắng thương hiệu Skin Aqua với vô vàn các mức giá. Từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn cũng có. “Mẫu mã bao bì của hàng giả rất giống hàng thật, nếu không để ý kỹ, rất dễ mua nhầm. Chất kem trong các phẩm giả thường lỏng, không cô đặc so với hàng thật...”, chị Hạnh chia sẻ.

Doanh nghiệp cần chủ động trong chống hàng giả

Trước vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm diễn ra phức tạp như hiện nay, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vi phạm tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sức khỏe của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vậy, trong 5 năm trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường luôn xác định đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và thời gian qua, lực lượng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát thị trường...

Đặc biệt, thời gian qua, tổng cục đã ban hành và tập trung triển khai Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT về Kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 và Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (ban hành tại Quyết định số 2390/QĐ-BCT ngày 13/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương).

Song theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử.

Vì thế, trong vòng từ 3 đến 5 năm tới đây, lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt. Hiện thực hóa mục tiêu này, trong tháng 11/2023, Tổng cục liên tục tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử" tại ba miền Bắc - Trung - Nam nhằm nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ công chức, kiểm soát viên quản lý thị trường trong phòng, chống xử lý các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử.

Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam” tổ chức tại Quảng Nam hôm 22/11, lãnh đạo tổng cục từng nhấn mạnh, chống hàng giả, hàng vi phạm trên không gian mạng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, do vậy, lực lượng Quản lý thị trường không thể "đơn phương độc mã" xử lý mà cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

"Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng chức năng rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối sản phẩm để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được triển khai một cách hiệu quả nhất. Doanh nghiệp là đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nên là người hiểu rõ sản phẩm của mình nhất, vì vậy, đấu tranh chống hàng giả phải bắt đầu từ sự chủ động của doanh nghiệp" - lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.

Ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.

Cụ thể, mục tiêu đề án bao gồm: Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Hai là, phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Ba là, 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bốn là, 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Chặn hàng giả trên thương mại điện tử bằng cách nào?

Trong 10 tháng năm 2023, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng lợn, đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng...

Đặc biệt, trong 10 tháng qua, vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục gia tăng; nhiều chủ thể quyền các nhãn hiệu lớn ở các nước như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý.

Mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử.

Vụ kiểm tra kho hàng giả của hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên tại Gia Lai. Ảnh: Tổng Cục Quản lý thị trường

Gần đây nhất, đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng QLTT đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày. Theo Lãnh đạo Cục Nghiệp vụ QLTT, để kiểm tra cơ sở này, lực lượng đã mất hàng ngàn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hiệu giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vựa phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

Trong một group (hội, nhóm) trên mạng xã hội, chị M.H (Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong nhiều nạn nhân khi trót tin tưởng, mua phải những sản phẩm không đảm chất lượng của cơ sở này bức xúc: "Trương Ngọc Quyên có chồng là người Bình Định, có chút đồng hương nên thường xuyên xem livestream bán hàng. Mỗi ngày, đều đặn, Ngọc Quyên livestream 2 lượt trưa - tối. Nhiều chị em cùng cơ quan, vừa xem live, vừa đặt dầu gội của thương hiệu nổi tiếng, nhưng nhận về lại là hàng "dởm"", chị M.H chia sẻ và cho biết, rất vui mừng khi lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý cơ sở chuyên livestream bán hàng không đảm bảo chất lượng của Trương Ngọc Quyên.

Trước tình trạng trên, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng QLTT.

"Phương thức mua - bán hàng của người dân đã thay đổi, chuyển từ truyền thống sang online. Các đối tượng đã chuyển kho hàng từ đồng bằng, thành phố lên các tỉnh miền núi, khu vực vùng sâu, vùng như vụ Gia Lai vừa qua là một ví dụ điển hình", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin. Tổng cục trưởng cũng cho rằng, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, song đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Tổng cục QLTT thời gian gần đây, mạng xã hội tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

"Lực lượng QLTT xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh. Theo đó, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Trao đổi về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); phân cấp phân quyền cho địa phương; tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; tăng cường hoạt động quản lý giám sát hàng hóa trên môi trường mạng.

Đồng thời, chủ động yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phối hợp rà soát gỡ bỏ thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường cơ sở dữ liệu, kết nối thông tin trong hoạt động thương mại điện tử.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VietQ, Công Thương... )
Ý kiến bạn đọc
Top