Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 4 năm 2023 | 10:40

Xử phạt nhiều vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép

Ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc kiểm tra, xử lý hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương để xảy ra tình trạng khai thác không có giấy phép, vận chuyển cát nhưng không có hóa đơn...

Khai thác cát, vận chuyển khoáng sản trái phép

Tính đến cuối tháng 3, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, phát hiện hơn 200 vụ khai thác cát, vận chuyển khoáng sản nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Lượng cát san lấp là hơn 7.500m3. Đơn vị đã xử phạt hành chính với tổng số tiền là gần 18 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản (đặc biệt là cát ở lòng sông) vẫn còn diễn ra ở một số đoạn sông trên địa bàn như đoạn sông qua xã Thới Sơn (Mỹ Tho), Bình Tân (huyện Gò Công Tây), Tân Thới, Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông), Ngũ Hiệp, Tân Phong (huyện Cai Lậy).

UBND tỉnh cũng đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục như yêu cầu các sở, ngành và địa phương kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép; công khai số điện thoại đường dây nóng của tổ công tác liên ngành, đơn vị liên quan để người dân biết và sử dụng khi cần; công an các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống vi phạm ở lĩnh vực này.

Khai thác cát ở một đoạn sông thuộc khu vực ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Một số tỉnh thành khác như Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị cũng xảy ra tình trạng tương tự. Gần đây nhất, tại tỉnh Quảng Bình, ngày 4-4 vừa qua, Công an huyện Quảng Ninh liên tiếp phát hiện, bắt giữ hai trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép khoáng sản trên tuyến sông Nhật Lệ, đoạn qua địa bàn huyện. Tổ công tác đã tạm giữ số cát liên quan và lập biên bản vi phạm hành chính để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngành chức năng kiểm tra bãi tập kết vật liệu, phương tiện của Công ty TNHH Tùng Cát (xã Văn hóa, huyện Tuyên Hóa). Kết quả là đơn vị phát hiện bãi tập kết với hơn 500m3 cát khai thác trái phép.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh này cũng đã có Công văn số 1058 về việc hướng dẫn cho UBND huyện Ba Tơ kiểm tra, xác định thông tin tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn thôn Tân Long Trung (xã Ba Động).

Tương tự, ở Quảng Trị, hồi đầu tháng 3 vừa qua, sau phản ánh về việc khai thác cát sỏi trái phép ở khu vực giáp ranh thị trấn Ái Tử và xã Triệu Ái, UBND huyện Triệu Phong đã yêu cầu địa phương kiểm tra, xử lý và rào chắn bãi tập kết cát sỏi trái phép này, đồng thời, đơn vị liên quan tiến hành giải quyết xong vụ việc trong thời gian tới.

Bị xử phạt vì khai thác cát trái phép

Mới đây, ông Lê Thành Đô, sinh năm 1986, ở thôn Giang Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình (Yên Bái) bị UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền lên tới 375 triệu đồng (khai thác cát trái phép trên hồ Thác Bà).

Cụ thể, ông Lê Thành Đô bị xử phạt số tiền 175 triệu đồng và buộc phải nộp 200 triệu đồng tương đương giá trị phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, ông Lê Thành Đô còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khối lượng cát đã khai thác được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, số lượng 150m3.

UBND tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu ông Lê Thành Đô buộc phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Hồ Thác Bà (Yên Bái) chứa nhiều loại khoáng sản. Ảnh: VOV

Được biết, hồ Thác Bà nằm trên địa bàn của hai huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái, có tổng diện tích lớn hơn 23.000 ha, chứa được trên 3 tỉ mét khối nước. Ngoài trữ lượng thủy sản lớn thì trong khu vực lòng hồ còn có nhiều loại khoảng sản đang được các cấp ngành quản lý, bảo vệ.

Tương tự,  tại Thanh Hoá, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản đối với Công ty TNHH thương mại tổng hợp Bình Minh (có địa chỉ ở thôn Phúc Trí, thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định) với tổng số tiền 275 triệu đồng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Công an huyện Yên Định, UBND thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định và Đoàn mỏ địa chất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và khoáng sản tại mỏ đá vôi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại tổng hợp Bình Minh tại khu vực mỏ khai thác đá Núi Lũ Mía, thị trấn Yên Lâm.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại tổng hợp Bình Minh đã có những vi phạm như: Quá trình khai thác đá không đúng trình tự, không đúng hệ thống khai thác và thông số của hệ thống về chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty không thực hiện đầy đủ việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực khai thác theo quy định (thiếu 3/8 mốc giới).

Sau khi xem xét, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã tham mưu để Giám đốc Công an tỉnh ra Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại tổng hợp Bình Minh.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp do tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản trái quy định đã bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt, cá biệt có trường hợp bị khởi tố vụ án vì vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Cụ thể, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” để điều tra theo quy định. Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an tỉnh đã báo cáo, đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Công ty TNHH thương mại tổng hợp Bình Minh vi phạm trong khai thác khoáng sản.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 1 đến ngày 12/6/2022, Lê Thị Thoan và Trịnh Xuân Thành đã chỉ đạo, điều hành hoạt động khai thác cát trái phép với số lượng rất lớn. Số lượng cát khai thác trái phép lên đến 290.000m3, vượt gấp 3 lần tổng trữ lượng mỏ cát số 41 được phép khai thác trong 10 năm 10 tháng, vượt gấp 30 lần công suất mỏ 41 được phép khai thác trong năm 2022, thu lời bất chính số tiền lớn và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trong việc quản lý thu thuế tài nguyên.

Đầu tháng 9/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Long Sơn. Địa chỉ 1: Số 06 đường Voi Phục, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; Địa chỉ 2: Phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa số tiền 520 triệu đồng.

Cùng thời điểm trên, Công ty TNHH Hồng Phượng tại huyện Hà Trung bị UBND tỉnh Thanh Hóa phạt 320 triệu đồng do vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản. Khai thác khoáng sản đá có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác (theo bề mặt) vượt từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha. Ngoài xử phạt hình chính nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng buộc Công ty TNHH Hồng Phượng phải cải tạo, khắc phục môi trường, đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi đã khai thác về trạng thái an toàn.

Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn, địa chỉ tại Khu 5, TT. Sơn Lư, huyện Quan Sơn bị UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 400 triệu đồng về hành vi Khai thác cát, sỏi ngoài hành lang bảo vệ luồng, phạm vi luồng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tịch thu phương tiện vi phạm.

Sử dụng tài nguyên chưa xứng đáng với giá trị

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam sắp hết một số loại khoáng sản là do chúng ta duy trì trong một thời gian dài chính sách khai thác và quản lý khai thác tài nguyên gây lãng phí, thiếu hiệu quả, ít chế biến sâu và bán giá rẻ. Sự lãng phí và thiếu hiệu quả ấy là cơ hội làm giàu cho số ít trong khi làm khánh kiệt nguồn của cải và sức lao động của số đông.

“Danh sách người giàu ở Việt Nam ngày càng dài thêm và nhiều người giàu lên từ tài nguyên thiên nhiên. Có đại gia giàu từ rừng, có đại gia giàu từ đất, có đại gia giàu từ khoáng sản và gần đây có một số ít đại gia giàu từ thị trường tài chính. Nói tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, tài nguyên khoáng sản đang rơi vào tay tư nhân chứ không phải nhà nước. Vì vậy mà tài nguyên đang bị tận diệt rất nhiều", ông Võ lưu ý.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top