Những tưởng, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn lãi đậm khi giá thịt lợn tăng cao, nông dân liên kết chăn nuôi với họ sẽ được chia sẻ lợi nhuận. Tuy nhiên, trong chuỗi lợi nhuận thì nông dân và người tiêu dùng vẫn luôn đứng ngoài cuộc.
Những tưởng, các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn lãi đậm khi giá thịt lợn tăng cao, nông dân liên kết chăn nuôi với họ sẽ được chia sẻ lợi nhuận. Tuy nhiên, nông dân vẫn đứng ngoài cuộc. Nếu tiếp tục để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thâu tóm thị trường, nông dân không tự chủ chăn nuôi quy mô lớn, giá thịt lợn khó giảm nhanh.
Nông dân đang mất dần địa bàn
Tiếp cận được trang trại nuôi lợn của ông V.T.C xã ở huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ông C hẹn đến một nhà người thân cách khá xa trang trại để trò chuyện. “Tôi nuôi lợn gia công cho công ty nên yêu cầu phòng chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt và không muốn tiếp xúc với người lạ”, ông C mở đầu câu chuyện.
Ông C cho biết, hơn 10 năm nay, ông nhận nuôi gia công lợn cho Công ty C.P. Việt Nam (là thành viên của C.P. Thái Lan, 100% vốn nước ngoài). Hiện nay, trang trại của ông nuôi khoảng 1.500 con lợn thịt. Cả xã có 2 người nuôi gia công lợn cho công ty này, ông nuôi lợn thịt, còn người kia nuôi lợn nái.
Lúc mới đầu nhận nuôi gia công lợn, ông và công ty ký kết hợp đồng trong 5 năm. Sau đó, hợp đồng ký mỗi năm một lần. Thời điểm trước dịch tả lợn châu Phi, mỗi kg lợn khi xuất chuồng, ông được công ty trả 3.500 đồng. Ông bỏ chi phí xây dựng chuồng trại, công nuôi và tiền điện. Hiện nay, ông được công ty trả 4.000 đồng/kg thịt lợn xuất chuồng.
Dù thịt lợn tăng giá cao trong thời gian qua, những người nuôi gia công như ông C vẫn không được hưởng lợi mà người thực sự được thụ hưởng là công ty chăn nuôi. “Chúng tôi ký hợp đồng với công ty, bởi vậy, thịt lợn có tăng hay giảm giá bao nhiêu, tôi vẫn nhận được 4.000 đồng/kg lợn xuất chuồng”, ông C cho hay.
Ông C cho biết thêm, anh trai ông có trang trại nuôi lợn thuộc loại lớn nhất nhì huyện Việt Yên (Bắc Giang) với khoảng 7.500 con lợn thịt. Cũng giống như ông, trước kia trang trại của anh trai ông nhận nuôi gia công lợn cho Công ty C.P Việt Nam. Ba năm gần đây, anh trai ông chuyển sang cho thuê trang trại. Mỗi dãy chuồng, công ty thuê với giá 16 triệu đồng. “Dù giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, anh em chúng tôi cũng không được lợi gì”, ông C nói.
Ông Nguyễn S ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết, năm 2017, ông đầu tư khoảng 6 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lợn. Tuy nhiên, thời điểm đó giá lợn giảm sâu, rồi đến dịch tả lợn châu Phi đã làm ông thua lỗ khoảng 4 tỷ đồng. Thời điểm lợn bắt đầu tăng giá, ông rất muốn tái đàn nhưng không còn vốn.
Theo tính toán của ông, hiện tại nuôi 1.000 con lợn thịt đến khi xuất chuồng phải mất chi phí khoảng 7 tỷ đồng. Để không bỏ phí trang trại và có tiền trả nợ, ông chọn giải pháp cho tập đoàn Dabaco thuê trang trại để nuôi lợn. Theo ông S, tập đoàn này trả cho ông 35.000 đồng/m2 chuồng trại.
“Hiện tại trang trại của tôi đang nuôi khoảng 1.000 con lợn cho một tập đoàn. Dù thịt lợn có tăng bao nhiêu, tôi cũng không được trả thêm tiền”, ông S cho hay.
Nông dân đang mất dần địa bàn
Trao đổi qua điện thoại với đại diện của Công ty C.P Việt Nam hỏi về việc nuôi gia công lợn. Đúng như nông dân phản ánh, nhân viên công ty này cho biết, hiện C.P Việt Nam có hai hình thức người nuôi lợn hợp tác với công ty: Nuôi gia công hoặc cho C.P thuê lại chuồng trại. Nếu là nuôi gia công, nông dân cũng không có quyền quyết định về giá, chỉ được trả tiền công theo số lượng cân lợn xuất chuồng và mỗi khu vực có mức trả khác nhau.
Sau đó, nhân viên này giới thiệu số điện thoại cho cán bộ phụ trách khu vực miền Bắc và phụ trách tỉnh để trao đổi thông tin cụ thể. Theo cán bộ của công ty này, người nuôi gia công lợn thịt cho công ty được trả với giá 4.400 đồng/kg lợn xuất chuồng.
“Dù thịt lợn tăng hay giảm, người nuôi vẫn nhận tiền nuôi gia công theo giá trên. Hợp đồng nuôi gia công lợn ký lần đầu có thời hạn 5 năm. Sau đó, hợp đồng nuôi gia công lợn ký theo năm”, nhân viên này nói.
Với cách thức nêu trên, hầu hết đàn lợn hầu hết đều nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, dù trang trại là của nông dân. Lãnh đạo xã ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) nêu trên cho hay, tổng đàn lợn trong xã này khoảng 11.000 con, trong đó 3 trang trại nuôi gia công và cho công ty chăn nuôi thuê nuôi khoảng 10.000 con (chiếm hơn 90% tổng đàn lợn).
Ông Nguyễn Huy Ngà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, hiện tại tổng đàn lợn của huyện này khoảng 91.000 con. Trong đó, có hơn 70.000 con được nuôi gia công hoặc trong các trang trại do các công ty sản xuất thức ăn và chăn nuôi lớn thuê nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh, trước dịch tả lợn châu Phi, tỉnh này có hơn 392.000 con lợn, trong đó, số lợn nuôi trong các hộ nhỏ lẻ chiếm khoảng 60%, còn lại là lợn của các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi trong và ngoài nước.
Sau dịch, các hộ nuôi lợn nhỏ lẻ tái đàn chỉ đạt khoảng 50% so với trước dịch. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, như Công ty CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco… công suất chăn nuôi đạt 100%.
“Theo tìm hiểu từ những người nuôi lợn trong tỉnh, nguồn lợn thịt cung cấp ra thị trường phần lớn từ các công ty sản xuất thức ăn và chăn nuôi lợn lớn trong và ngoài nước. Bởi vậy, có thể những công ty này được hưởng lợi từ việc thịt lợn tăng giá thời gian qua”, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh nói.
Giá lợn hơi ba miền cùng giảm mạnh
Nguyên do, các trại chăn nuôi lớn tại Đồng Nai đẩy mạnh bán ra, góp phần kéo giá heo hơi trên địa bàn hòa chung xu thế giảm của cả nước.
Ngày 10/6/2020, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục giảm mạnh. Theo đó, tại Phú Thọ giá đã xuống mức 90.000 đồng/kg; tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang cũng chỉ dao động quanh mức 92.000 đồng/kg; Bắc Giang đạt 94.000 đồng/kg; trong khi giá heo hơi tại Ninh Bình, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam đạt 97.000 đồng/kg.
Riêng tại Thái Bình, giá heo hơi ngày 10/6 ở 98.000 đồng/kg, thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Tại miền Trung và Tây Nguyên giá heo hơi xuống mức 90.000 đồng/kg. Cụ thể: Quảng Nam đã giảm còn 91.000 đồng, cùng mức giá có Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi. Mức giá cao nhất hiện nay tại miền Trung là 96.000 đồng/kg, được thu mua tại Khánh Hòa. Trong khi đó, giá tại Lâm Đồng là 95.000 đồng/kg cao nhất khu vực Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk có mức giá thấp nhất 87.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo hơi khu vực miền Trung và Tây Nguyên ổn định trong khoảng từ 87.000 - 96.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại miền Nam, khảo sát các địa phương giá heo hơi ghi nhận giảm từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, nhiều nơi xuống còn 90.000 đồng/kg. Giá tại Trà Vinh là 90.000 đồng/kg; trong khi ở Hậu Giang, Tiền Giang đạt 92.000 đồng/kg. Giá tại Bình Dương, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tây Ninh dao động trong khoảng 92.000 - 93.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, sáng ngày 9/6, giá heo hơi ở Đồng Nai dao động từ 90.000 – 92.000 đồng/kg, nhưng đến chiều thương lái báo giá còn tiếp tục xuống, và giao dịch ở mức 89.000 đến 90.000 đồng/kg. Khi giá heo hơi trên thị trường đang xuống các chủ trại chăn nuôi mang “tâm trạng” sợ xuống nữa nên muốn bán ra, vì vậy, giá heo hơi trên thị trường còn tiếp tục sụt giảm.
Giá lợn hơi giảm nhưng giá thịt vẫn còn cao
“Hôm qua và hôm nay, quan sát ngoài đường phố tôi thấy xe của các trại chăn nuôi lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Japfa, Công ty CJ... chở heo của họ dập dìu ngoài đường. Thấy vậy, các trại chăn nuôi nhỏ cũng ăn theo đẩy mạnh bán ra.
Khi các “đại gia” đẩy mạnh bán ra thì giá heo hơi trên thị trường sẽ nhanh chóng giảm sâu, giúp cho người tiêu dùng bớt khó khăn. Nguyên nhân khiến giá heo hơi xuống nhanh là do Chính phủ cho nhập khẩu heo ngoại vào và mấy ngày nay mưa nhiều tiêu thụ hơi chậm, nhưng chủ yếu là do giá thịt cao”, ông Đoán nói.
Mặc dù giá heo hơi trên thị trường đã giảm nhưng giá bán lẻ ngoài chợ vẫn còn cao, theo ông Đoán, mức độ giảm giá ở chợ bán lẻ so với giá bán sỉ ở chợ đầu mối luôn có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, một khi giá heo ở các chợ đầu mối giảm mạnh rồi thì giá bán lẻ ở các sạp cũng phải giảm theo.
Theo phân tích của chuyên gia, để kéo giảm giá thịt heo, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng đàn, tái đàn để đảm bảo nguồn cung; tăng nhập khẩu thịt heo không để thiếu nguồn cung trong mọi trường hợp; kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường...
Hiện nay, ngoài việc nhập khẩu thịt đông, Việt Nam cũng nhập khẩu thêm lợn hơi từ nước ngoài vào nên giá heo hơi trên thị trường sụt giảm mạnh, nhưng để kéo xuống mức 70.000 đồng/kg như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ là rất khó, vì tần suất và lượng heo nhập khẩu sẽ không được liên tục, sẽ khó đảm bảo cung, cầu của thị trường.
Do vậy, quan trọng nhất vẫn là nguồn cung nội địa. Nếu nguồn cung trong nước dồi dào giá lợn hơi mới thật sự xuống bền vững, còn việc nhập khẩu lợn từ nước ngoài vào chỉ là giải pháp tạm thời.
Đồng quan điểm trên, ông Đoán cho rằng, để giải quyết bài toán cung - cầu thịt lợn trên thị trường và để giá lợn hơi xuống theo yêu cầu của Chính phủ, bên cạnh việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh, thời gian gần đây Việt Nam cũng đã nhập khẩu lợn hơi, nhưng do thói quen của người Việt Nam là thích dùng thịt tươi, và vì không phân biệt được thịt lợn nhập khẩu hay lợn nội địa, nên lợn hơi nhập khẩu đã nhanh chóng kéo được giá lợn hơi trong nước xuống. Muốn đưa thịt lợn về khung giá hợp lý vấn đề quan trọng nhất là tái đàn, song việc tái đàn lợn ở các địa phương đang gặp khó khăn.
“Nhập khẩu lợn hơi và thịt lợn đông lạnh giải quyết nhu cầu nội địa chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguồn cung trong nước. Với tình hình lợn giống khan hiếm và giá cao như hiện nay thì việc tái đàn vẫn còn khá chậm chạp”, ông Đoán nhìn nhận.
Nghiên cứu thời điểm phù hợp sẽ dừng nhập khẩu
Làm rõ thêm tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT giao cho cơ quan thú y báo cáo, trên cơ sở đó Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh quản lý nhập khẩu ở các cửa khẩu, đặc biệt là đối với lợn sống.
"Ngay sau đây, Bộ sẽ ký văn bản để gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới; cùng với sự tham gia của Ban chỉ đạo 389 và những đơn vị chức năng có liên quan, tin rằng tình trạng này sẽ được ngăn chặn", lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam, nhận định nhập khẩu lợn sống đáp ứng được nhu cầu thịt nóng của người tiêu dùng, có tác dụng kéo giá thịt lợn trong nước xuống tốt hơn nhập thịt đông lạnh.
"Thịt lợn đông lạnh chủ yếu để chế biến và sử dụng trong bữa ăn công nghiệp, trong khi thịt lợn nóng luôn góp mặt trong bữa ăn gia đình", ông Bích nói.
Bên cạnh đó, do lo ngại bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái phát nên chủ trang trại sẽ bán lợn sớm hơn, từ đó kéo giá giảm. Người chăn nuôi bình thường để lợn 100-120 kg mới bán, giờ bán sớm nhằm tránh nguy cơ dịch tái phát.
"Việc bán lợn sớm làm tăng nguồn cung thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, tác động chỉ tích cực ở thời điểm hiện tại, còn về lâu về dài sẽ lộ ra là thiếu thịt lợn", vị chuyên gia phân tích.
Trước lo ngại nếu ồ ạt cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan với mức giá cạnh tranh sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi trong nước, gián tiếp cản trở công tác tái đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc nhập khẩu lợn sống trên tinh thần đảm bảo lợi ích của cả các nhóm đối tượng: Người chăn nuôi; người giết mổ, phân phối và người tiêu thụ.
Đến thời điểm phù hợp, cơ quan chuyên môn sẽ tính toán, cho dừng nhập khẩu.
Theo báo cáo của 63 tỉnh thành, đến cuối tháng 5/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% so với thời điểm 31/12/2018, lúc đàn lợn ở mức cao ổn định. Tốc độ tái đàn lợn thời gian qua vẫn diễn ra nhanh và thuận lợi. Cụ thể, tốc độ tăng đàn lợn cả nước trong 5 tháng đầu năm 2020 bình quân đạt 5,78%/tháng. |
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.