An toàn thực phẩm trong trường học: Rất cần sự trách nhiệm
Thời gian vừa qua dư luận xã hội nóng lên khi phụ huynh học sinh tại trường Mầm non Mão Điền (Thuận Thành – Bắc Ninh) phát hiện thịt lợn dùng cho bữa ăn của học sinh bị nhiễm sán.
Trong lúc đó phát biểu của một số người lại cho rằng việc thịt lợn nhiễm sán không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu như nấu chín, điều này càng làm cho dư luận xã hội nóng lên bởi sự phát ngôn “Tắc trách” này.
Những vụ ngộ độc thực phẩm đối với học sinh
Kể từ khi nhà trường tổ chức học 2 buổi trên ngày, việc chăm sóc cho học sinh ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục trong cả nước được các chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, cơ quan chủ quản đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn và giám sát các nhà trường thực hiện việc chăm sóc học sinh bán trú, bảo đảm cho học sinh được chăm sóc sức khỏe một cách an toàn nhất.
Tuy nhiên, việc ngộc độc thực phẩm trong các nhà trường trên phạm vi của cả nước vẫn xảy ra. Học sinh bị ngộ độc do ăn bánh của cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, học sinh bị ngộc độc thực phẩm khi bữa ăn trưa có thức ăn bị nhiễm khuẩn.. và ..Có thể lấy một vài ví dụ điển hình.
Ngày 5/10/2018, sau bữa ăn trưa, 352 HS (chủ yếu các cháu khối lớp 1 và 2) trong số 926 HS ăn trưa tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.Ninh Bình) khiến 352 học sinh (HS) nhập viện cùng xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn nghi do độc tố vi khuẩn
Các em được chuyển điều trị ở Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình, Quân y viện 5, Trung tâm y tế TP.Ninh Bình và Bệnh viện đa khoa TP.Ninh Bình, đã xuất viện chiều 5.10. Hiện còn 5 HS đang tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình do bị các bệnh khác. Nguyên nhân nghi gây ngộ độc là ruốc thịt gà do trường tự chế biến nghi bị nhiễm vi sinh.
Ngày 16/11/2018, gần 170 trẻ của trường mầm non Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu nghi do bị ngộ độc thực phẩm. Tất cả đều có triệu chứng chung là sốt cao, đau bụng, một số bị nôn nhiều, tiêu chảy. Theo nhận định ban đầu, các bé bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Nguyên nhân ngộ độc được xác định bữa buffet trưa ngày 14/11 do Công ty TNHH thực phẩm Bảo An cung cấp có thức ăn nhiễm khuẩn.
Theo các giáo viên Trường tiểu học Thạnh Đức, bữa cơm trưa 17/1/2019 toàn trường có 430 học sinh các lớp bán trú dùng cơm với món gà kho sả, canh rau cải thìa, đậu đũa xào. Các suất ăn do Công ty TNHH Cơm Kim Oanh (TT.Bến Lức) cung cấp. Sau giờ cơm khoảng 30 phút thì nhà trường phát hiện gần 50 em học sinh có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy, mệt lả nên được trường đưa đến bệnh viện cấp cứu và thông báo cho phụ huynh.
Sáng 18/1/2019, số học sinh phải nhập viện điều trị với cùng các triệu chứng tăng cao. Thống kê ban đầu của nhà trường cho thấy có 86 học sinh phải nhập viện cấp cứu, điều trị nôn ói, tiêu chảy. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cung cấp các mẫu thức ăn cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Long An kiểm tra làm rõ nguyên nhân gây ngộ độc.
Quy định trách nhiệm rõ ràng nhưng …cần trách nhiệm
Chúng ta đã có Luật an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị số 4316/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản hiện hành của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với học sinh ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục trên cả nước trước tiên là lãnh đạo các nhà trường. Việc lựa chọn những nhà cung cấp thực phẩm cho học sinh được căn cứ theo quy định của các cơ quan chức năng, các đơn vị cung cấp thực phẩm phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, nhân viên phải được đào tạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện…
Chính quyền và các cơ quan quản lý có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung cấp thực phẩm của các cơ sở, việc chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh, đủ định lượng nếu tại các cơ sở chế biến, nhà trường có bếp ăn bán trú.
Thức ăn cho học sinh sinh bán trú phải được kiểm tra và lưu mẫu hàng ngày làm cơ sở xét nghiệm khi có sự cố về ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với học sinh.
Tuy nhiên một điều bất cập xảy ra, chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý chức năng không thể thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà trường, công tác này chỉ được thực hiện theo kế hoạch, định kỳ chứ không liên tục.
Sự phối hợp giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong công tác kiểm tra thực phẩm cũng không được duy trì thường xuyên, nếu như không muốn nói là không bao giờ ở một số trường.
Chỉ có duy nhất là lãnh đạo các nhà trường thực hiện thường xuyên việc kiểm tra thực phẩm của các cơ sở cung cấp và chế biến thức ăn cho học sinh. Nếu như hiệu trưởng các cơ sở giáo dục không “mờ mắt” và “vô trách nhiệm” với sự an toàn sức khỏe và tính mạng của các em học sinh, kiên quyết không chấp nhận những cơ sở cung cấp, chế biến thực phẩm cho học sinh của trường mình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm thì lúc đó xã hội sẽ không còn những bức xúc như vụ học sinh phải ăn thực phẩm nhiễm sán lợn như ở Thuận Thành vừa qua.