Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 10 năm 2019 | 10:52

Anh công bố thỏa thuận Brexit cuối cùng: Được ăn cả - ngã về không!

Giới quan sát đánh giá, bản đề xuất của Thủ tướng Johnson được cho là thỏa thuận cuối cùng, như một “tối hậu thư” mà ông muốn gửi đến EU.

Ngày 2/10, đúng như dự kiến, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bài phát biểu quan trọng bế mạc Đại hội thường niên đảng Bảo thủ, trong đó nêu chi tiết những đề xuất mà Anh sẽ gửi đến Liên minh châu Âu liên quan đến Brexit. Giới quan sát đánh giá, bản đề xuất này được cho là thỏa thuận cuối cùng, như một “tối hậu thư” mà ông Johnson muốn gửi đến EU. Bởi nếu EU không chấp thuận, Anh sẽ rời khỏi khối này đúng hạn - 31/10 mà không cần bất cứ thỏa thuận nào.

 

anh cong bo thoa thuan brexit cuoi cung: duoc an ca - nga ve khong! hinh 1
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: BBC.


Điểm nổi bật trong đề xuất mới nhất của Thủ tướng Johnson

Đề xuất của ông Johnson gồm 5 điểm, đầu tiên và quan trọng nhất, đó là về việc tỉnh Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu và tuân thủ các quy định của EU về hàng hoá, bao gồm cả sản phẩm nông nghiệp, trong một thời gian quá độ, trước mắt là từ cuối năm 2020 cho đến hết năm 2025. Đây là điểm khác biệt lớn so với thoả thuận Brexit cũ vốn muốn giữ toàn bộ Vương quốc Anh chứ không chỉ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu.         

Tiếp đến, nhằm tránh việc kiểm soát ở biên giới, tức là việc tái lập biên giới cứng, giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland thuộc EU, chính phủ Anh chủ trương thiết lập một khu vực có quy định chung trên đảo Ireland Tuy nhiên, hàng hoá từ phần còn lại của Vương quốc Anh sang Bắc Ireland sẽ bị kiểm tra.  

Để phương án này được thực thi, chính phủ Anh sẽ trao cho chính quyền và Nghị viện Bắc Ireland quyền quyết định có ủng hộ kế hoạch này hay không. Cũng chính Nghị viện Bắc Ireland sẽ phê chuẩn mỗi 4 năm một lần việc kéo dài thời gian quá độ. Một khi thời hạn quá độ kết thúc, Bắc Ireland sẽ trở lại hoàn toàn với các quy định của Vương quốc Anh.

Đến lúc đó, Thủ tướng Anh cam kết sẽ không thiết lập kiểm soát hải quan tại biên giới hay gần biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland mà sẽ tiến hành bằng cách đơn giản hoá thủ tục hải quan trên mạng hoặc kiểm tra ngay tại các kho hàng của các công ty.

Về tổng thể thì có 2 điểm cần lưu ý trong đề xuất này: một, là ông Boris Johnson kiên quyết đưa Vương quốc Anh khỏi ràng buộc của liên minh thuế quan châu Âu qua đó có thể nhanh chóng tiến hành đàm phán các Hiệp định Tự do thương mại mới với các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Hai, đó là đã có một sự nhượng bộ đáng chú ý trong vấn đề Bắc Ireland, ở đây là việc tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh về mặt quy định hàng hoá trong một khoảng thời gian, điều mà trước đây đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) luôn phản đối và các chính phủ Anh cũng tương đối lo ngại.

Phản ứng của Liên minh châu Âu

Trong thông cáo đưa ra ngay sau khi nhận được đề xuất từ phía Anh, EU cho biết họ ghi nhận các điểm tích cực, đặc biệt là việc để Bắc Ireland tuân thủ các quy định của EU cũng như việc kiểm soát hàng hoá từ phần còn lại của Vương quốc Anh sang Bắc Ireland. Tuy nhiên, vướng mắc mà EU lo ngại là ở việc vận hành và quản lý tất cả các quy trình này ra sao. Các phát biểu của các quan chức hàng đầu EU như Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker hay Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier cũng cho thấy là đề xuất của ông Boris Johnson được đón nhận tương đối tích cực, dù phía châu Âu vẫn cho rằng còn một số vấn đề cần phải bàn kỹ thêm.

Mấu chốt ở đây là thái độ của Cộng hòa Ireland, nước có quyền lợi và ảnh hưởng trực tiếp với vấn đề backstop. Phía Cộng hòa Ireland cho biết chưa thoả mãn với đề xuất từ phía Anh và sẽ phải bàn bạc kỹ với các nước EU khác. Tác động của Brexit, đặc biệt là điều khoản backstop đến Cộng hòa Ireland không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, liên quan đến môi trường hoà bình của nước này nên nếu Cộng hòa Ireland còn thấy vướng mắc thì đề xuất này sẽ thất bại, do EU hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận.

Tất nhiên, khi vẫn còn các bất đồng như hiện nay thì Brexit không thoả thuận vẫn là kịch bản có nguy cơ cao xảy ra, ít nhất là từ phía Anh bởi chính phủ hiện nay của ông Boris Johnson chắc chắn không đi tìm một sự gia hạn nào khác với Brexit. 

Tương lai chính trị của ông Johnson

Cho đến lúc này thì bất chấp các phản đối mạnh mẽ từ Nghị viện Anh, từ các đảng đối lập và cả từ một bộ phận dân chúng, ông Boris Johnson vẫn đang tiếp tục thực thi chiến lược Brexit của mình mà chưa bị ngăn lại. Điều này cho thấy là dù gây ra rất nhiều tranh cãi gay gắt nhưng ông Boris Johnson không phải là một chính trị gia dễ bị đánh bại. Sự quyết liệt của ông Johnson được không ít cử tri Anh ủng hộ.

Điều quan trọng hơn là phe đối lập tại Anh hiện không có đủ sức mạnh cần thiết, cũng như không có các gương mặt lãnh đạo nổi trội để có thể thách thức ông Boris Johnson. So với thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn vốn nổi tiếng vì sự thiếu kiên định thì hình ảnh ông Boris Johnson bảo vệ đến cùng chiến lược Brexit của mình tạo ra nhiều thiện cảm hơn với dân chúng Anh. Nói cách khác, dù bị phản đối nhiều nhưng ông Boris Johnson vẫn được cho là người lãnh đạo phù hợp hơn để tiến hành Brexit.

Trước mắt, tương lai chính trị của ông Johnson phụ thuộc nhiều vào việc EU có chấp nhận các đề xuất mới hay không. Khả năng vào phút chót hai bên đạt được thoả thuận có lẽ đang cao hơn là kịch bản Brexit không thoả thuận. Khi đó thì cũng rất khó cho Nghị viện Anh tiếp tục bác bỏ chiến lược của ông Johnson bởi suy cho cùng, ông Boris Johnson nắm trong tay lí lẽ quan trọng nhất: đó là phải thực thi ý nguyện của người dân Anh năm 2016 về việc rời EU.

Hơn 3 năm qua, Nghị viện Anh cũng như các đảng đối lập trên thực tế cũng đã bất lực trong việc tìm giải pháp khác và sự bất lực này khiến quyền lực của các nhóm này suy yếu. Trong trường hợp cuối cùng là phải tiến đến tuyển cử sớm thì đảng Bảo thủ và ông Boris Johnson vẫn có nhiều cơ hội chiến thắng nhất hiện nay. Vì thế, điều duy nhất ngăn được ông Johnson là việc nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit và quyết định ở lại trong EU. Nhưng khả năng này là cực kỳ thấp./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top