Theo Kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo người có công với cách mạng, UBND tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu trong năm 2022, tỉnh này sẽ không còn hộ nghèo là người có công (NCC).
Theo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), tỉnh Bắc Giang còn 44 hộ nghèo và 136 hộ cận nghèo thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng (hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC).
Trong 44 hộ nghèo NCC có 35 hộ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; 27 hộ thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh môi trường; 20 hộ thiếu hụt về tiếp cận thông tin; 18 hộ thiếu hụt về nhà ở; 9 hộ thiếu hụt về y tế; 4 hộ thiếu hụt về giáo dục; 23 hộ thiếu hụt về thu nhập.
Trong 136 hộ cận nghèo NCC có 78 hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; 30 hộ thiếu hụt về y tế; 11 hộ thiếu hụt về giáo dục; 22 hộ thiếu hụt về nhà ở; 35 hộ thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh môi trường; 13 hộ thiếu hụt về tiếp cận thông tin.
Phần lớn các hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC đều cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, có những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do đó, cần có giải pháp huy động nguồn lực để tập trung hỗ trợ cải thiện, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
UBND tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến cuối năm 2022, toàn tỉnh không còn hộ nghèo NCC; các huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn phấn đấu xóa xong 100% hộ cận nghèo NCC. Riêng huyện Sơn Động, ngoài mục tiêu xóa xong hộ nghèo NCC; phấn đấu hỗ trợ 40% hộ cận nghèo NCC thoát nghèo; năm 2023, hoàn thành mục tiêu hỗ trợ 100% hộ cận nghèo NCC thoát nghèo bền vững.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Bắc Giang đã đưa ra nhiều chính sách cụ thể. Với hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC thuộc diện không tự thoát nghèo được (hộ không có người có khả năng lao động tạo thu nhập cho gia đình), địa phương lập danh sách, nêu rõ hoàn cảnh cụ thể của từng hộ và thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội phù hợp về: nhà ở, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phương tiện nghe, nhìn, trợ cấp hàng tháng từ nguồn vận động xã hội và từ nguồn ngân sách Nhà nước (nếu có).
Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC có khả năng tự vươn lên thoát nghèo (có điều kiện vốn, lao động, đất đai…), địa phương phân công cán bộ trực tiếp khảo sát đặc điểm và các điều kiện sống của hộ gia đình, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ hộ, các thành viên có khả năng lao động về nhu cầu cần hỗ trợ để thực hiện kế hoạch thoát nghèo; xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh thực tế và nguyện vọng của hộ gia đình.
Quan tâm ưu tiên các hộ tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, vay vốn, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động… Phấn đấu thực hiện mục tiêu hỗ trợ mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo có sức lao động và nhu cầu việc làm, trong đó ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững và thu nhập ổn định. Đồng thời, hỗ trợ thêm về thu nhập để hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC sớm thoát nghèo.
Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể tỉnh Phối hợp với chính quyền cùng cấp trong tổ chức thực hiện chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC; tổ chức giám sát tốt việc thực hiện chủ trương xóa nghèo của các cấp chính quyền. Tiếp tục tổ chức các cuộc vận động xã hội, phong trào thi đua… hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC cải thiện mức sống, thoát nghèo bền vững; phát động phong trào nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC trên địa bàn tỉnh bằng nhiều giải pháp phù hợp nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo NCC thoát nghèo.