Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 6 năm 2016 | 2:34

Hộ nghèo dân tộc thiểu số mong gì từ tín dụng chính sách?

Theo ý kiến người dân và chuyên gia, định mức cho vay hiện nay của 3 chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho hộ dân tộc thiểu số (DTTS) không còn phù hợp với thực tế đầu tư sản xuất kinh doanh của hộ vay.

Khách hàng nhận sổ vay vốn tại điểm giao dịch xã K’Nớh, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Hiện nay, trong tổng số 14 chính sách tín dụng mà hộ nghèo DTTS có thể được hưởng thụ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) có 3 chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS, bao gồm: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Chương trình cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến 30/4/2016, tổng dư nợ cho vay 3 chương trình đạt hơn 1.163 tỷ đồng với 113.790 khách hàng còn dư nợ. Mức vay trung bình mà hộ DTTS được vay từ 3 chương trình là hơn 10 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, mức vay này đang được đánh giá là không còn phù hợp với thực tế đầu tư sản xuất kinh doanh của hộ dân.

Cách đây hơn 2 năm, gia đình ông Kơ Să Ha Núi tại thôn Long Lanh (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) thuộc diện hộ DTTS đặc biệt khó khăn. Gia đình ông có 6 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính chỉ trông vào diện tích cà phê do bố mẹ để lại. Khi được tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH, gia đình ông được tổ bình xét đủ điều kiện vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, việc đầu tư chăm sóc cà phê gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, giá cả bấp bênh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Đặc biệt, trong năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn tới thời tiết khô hạn, thiếu nước, cà phê ra hoa không tập trung khiến sản lượng sụt giảm. Vì vậy, đến cuối năm 2014, gia đình ông vẫn thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay thêm vốn và được vay 8 triệu đồng từ chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn. Số tiền này tiếp tục được ông đầu tư chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ông Kơ Să Ha Núi chia sẻ: “Nhờ số tiền vay từ NHCSXH mà gia đình tôi đã có thể đầu tư vào chăm sóc 5 sào cà phê (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) và tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, để cây cà phê cho sản lượng cao nhất thì mỗi năm cần bón 2 - 3 lần phân, nhưng với số tiền vay 8 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình tôi chỉ đủ mua một lần phân bón trong năm. Vì vậy, chất lượng cũng như sản lượng trái cà phê của gia đình không cao, khi bán không được giá như những vườn cà phê khác. Chưa kể những đợt hạn hán hay sương muối ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê”.

Cán bộ NHCSXH huyện Đơn Dương, Lâm Đồng chuẩn bị đến điểm giao dịch xã.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Kơ Đơng K’Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Chais, cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã giúp hộ DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, băn khoăn của ông Kơ Să Ha Núi cũng là băn khoăn chung của các hộ dân nơi đây. Hiện nay, theo thực tế tại địa phương, để chăm sóc 5 sào cà phê thì hộ dân cần phải đầu tư khoảng 15 - 20 triệu đồng/năm để đảm bảo cà phê ra trái tốt. Số tiền này chủ yếu được dùng để mua phân bón, thuốc trừ sâu. Vì vậy, người dân rất mong Chính phủ xem xét nâng mức vay vốn để họ yên tâm có đủ nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, không phải đi vay nặng lãi từ các nguồn khác”.

Trong Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số, Hội đồng Dân tộc đã có kiến nghị với Chính phủ về việc nâng mức vay vốn đối với 3 chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho hộ đồng bào DTTS. Theo đó, đề nghị nâng định mức cho vay tương ứng từ 8 triệu đồng/hộ lên 15-20 triệu đồng/hộ (đối với chương trình cho vay theo Quyết định 54 và Quyết định 29) và từ 15 triệu đồng/hộ lên 20-30 triệu đồng/hộ (đối với chương trình cho vay theo Quyết định 755). Định mức cho vay này được đánh giá là không còn phù hợp, quá thấp so với thực tế, gây khó khăn cho hộ vay, đặc biệt là hộ DTTS nghèo, trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của người dân với tín dụng ưu đãi.

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top