Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 9 năm 2017 | 1:47

Hiệu quả vốn tín dụng chính sách trên quê Bác: Hộ nghèo giảm, kinh tế phát triển

Sau 15 năm đi vào hoạt động, NHCSXH tỉnh Nghệ An không ngừng lớn mạnh và phát triển. Nguồn vốn vay đi vào cuộc sống và thực sự phát huy hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm, giúp người dân thoát nghèo, nâng cao sức sản xuất hàng hóa…, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Điểm giao dịch của NHCSXH tỉnh Nghệ An,địa chỉ thân thuộc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Tăng cả quy mô và chất lượng

Nhớ lại những ngày đầu thành lập (2003), ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An, cho biết: Khi đó, nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh rất nhỏ, chủ yếu là vốn cân đối từ Trung ương chuyển về và nhận bàn giao 3 chương trình tín dụng với tổng dư nợ 307 tỷ đồng. Sau 15 năm hoạt động, các chương trình tín dụng ưu đãi do Chi nhánh triển khai thực hiện khá đa dạng với18 chương trình tín dụng được Chính phủ giao và một số chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 7.060 tỷ đồng, tăng 6.753 tỷ đồng (gấp 23 lần) so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt trên 23%/năm với 297.000 hộ vay, chiếm khoảng 38% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, những năm qua, trên cơ sở nguồn vốn được thông báo hàng năm, Chi nhánh đã báo cáo UBND tỉnh, tham mưu cho Ban đại diện HĐQT chỉ đạo Ban đại diện các huyện, thị xã, thành phố phân giao nguồn vốn cho vay đến từng xã, phường, thị trấn; giao UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn từ khâu nhận chỉ tiêu phân vốn đến giám sát việc bình xét cho vay tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, quá trình sử dụng vốn của hộ vay và chỉ đạo tham gia đôn đốc xử lý thu hồi nợ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch tại Điểm giao dịch xã. Hiện nay, Chi nhánh thành lập được 480 Điểm giao dịch cố định tại các xã, phường, thị trấn. Hệ thống các Tổ tiết kiệm và vay vốn được hoàn thiện và mở rộng đến các thôn, xóm với 7.701 tổ do 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác quản lý, đảm bảo việc cho vay và quản lý vốn vay đạt hiệu quả cao nhất.

Nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh Nghệ An thực hiện trong 15 năm qua đã góp phần tạo điều kiện cho 1,3 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống, nhờ đó đã có 158.439 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và 67.000 hộ thoát nghèo; thu hút  và tạo việc làm ổn định cho 81.988 lao động; hơn 244.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 61.704 hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; 151.207  hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng trên 118.000 công trình nước sạch và 107.000 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 29.232 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở…

Với kết quả đó, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn trên 3%/năm, vượt mục tiêu mà Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (từ 2,5-3%), trong đó các huyện 30a tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 6-7%, cao hơn kế hoạch (kế hoạch giảm 4-5%); thu nhập bình quân đến cuối năm 2016 tăng 1,7 lần so với năm 2011; 152 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đánh giá của ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, hoạt động tín dụng chính sách trong những năm qua đã đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, ổn định, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn đi vào cuộc sống

Bằng chứng rõ rệt nhất là nhiều đối tượng được tiếp cận  nguồn vốn tín dụng ưu đãi, sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Ví như gia đình ông Hoàng Hữu Vân và bà Nguyễn Thị Hải ở xóm 3, giáo xứ Đà Sơn, huyện Đô Lương. Ô­ng bà là một trong những hộ giáo dân nghèo sử dụng đồng vốn ưu đãi nuôi gà giống, gà thịt và chăm lo cho con cái học hành thành đạt. Cả 4 cô con gái đều vào đại học, hiện 3 người đã ra trường, có việc làm ổn định, người con út đang học năm thứ 2 Học viện Tài chính Hà Nội. Được biết, thời gian qua, ông bà vay vốn ưu đãi của chương trình hộ nghèo, tín dụng HSSV, với tổng dư nợ 155 triệu đồng. Tháng 7/2017, ông bà đã trả hết nợ. Theo bà Nguyễn Thị Hải, nếu không có sự hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn của NHCSXH thì chắc chắn gia đình còn thuộc diện nghèo và gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi 4 người con học đại học.

Năm 2013, bà Nguyễn Thị Hằng trú tại xóm 7, xã Minh Sơn được vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay này, gia đình bà mua một con bò, sửa sang chuồng trại và đầu tư phương tiện làm bánh đa, bánh cuốn. Sau chưa đầy 1 năm, gia đình bà đã có bê xuất chuồng với giá 10 triệu đồng/con. Hàng ngày, hai vợ chồng thức khuya, dậy sớm làm nghề kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cạnh nhà bà Hằng, hộ cận nghèo Nguyễn Công Đình cũng được vay 30 triệu đồng, ông đầu tư mua bò lai Sind, sắm phương tiện phát triển nghề mộc. Đến nay, bê con sắp xuất chuồng, có giá trên 12 triệu đồng, nghề mộc cũng ngày càng “ăn khách”, cuộc sống gia đình bắt đầu đổi thay. “Mình không phải là người lười biếng, nhưng cuộc sống “cái khó bó cái khôn”, muốn làm ăn nhưng không có vốn đành bó tay. Nhờ có nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, gia đình mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Đình tâm sự.

Khi nói về hiệu quả vốn vay, bà Hoàng Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thái Sơn (Đô Lương), khẳng định: “Người Đô Lương biết vay và biết trả tín dụng ưu đãi của Nhà nước”. Bà giải thích thêm: “Biết vay tức là đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Biết trả là khi hết hạn vay, khi hết nghèo, để nhường vốn tín dụng ưu đãi cho hộ khác, người khác còn khó khăn hơn mình”.

Tiếp tục đồng hành cùng người nghèo

Ông Trần Khắc Hùng cho biết: “Đạt kết quả trên, thời gian qua, NHCSXH tỉnh luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, chính quyền các cấp. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp NHCSXH hoạt động ngày càng hiệu quả; đồng thời có sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ, viên chức và sự phối hợp của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn,...”.

Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, quan tâm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay. Cụ thể, sau khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, hàng năm, UBND tỉnh, huyện, thành, thị dành một phần từ nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn (UBND tỉnh mức tối thiểu 8 tỷ đồng/năm; UBND cấp huyện mức tối thiểu 200 - 500 triệu đồng/năm). Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; chú trọng ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng có số lượng đối tượng chính sách lớn; coi trọng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, thực hiện nhiều giải pháp để thu nợ quá hạn, đặc biệt là các trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ, dây dưa; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách.

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Nghệ An tiếp tục bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng trưởng tín dụng hàng năm được giao chủ động khai thác, huy động các nguồn vốn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách; phát huy hiệu quả vai trò của chính quyền địa phương các cấp; huy động nguồn lực và chỉ đạo thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ở địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và hoạt động của NHCSXH. Củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn; chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư..., giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững... Phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt 7 - 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,4%. Cùng với đó là xây dựng hệ thống NHCSXH trở thành ngân hàng hiện đại, vừa làm tốt chức năng tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vừa phát triển nhiều dịch vụ tài chính đối với người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác.

Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, NHCSXH tỉnh Nghệ An tiếp tục là nơi tin cậy và là điểm tựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Minh Phương

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top