Việc các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu 100 container điều đi Italy, hiện có 36 bộ chứng từ gốc (tương đương 36 container), bị mất kiểm soát, giá trị ước tính khoảng 162 tỷ đồng có nguy cơ bị thiệt hại, đây là bài học lớn cho nhiều doanh nghiệp.
Mất kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc
Thông tin từ Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), trong đơn kêu cứu thì có 5 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam thông qua môi giới của Công ty TNHH MTV Kim Hạnh Việt, họ ký hợp đồng xuất khẩu đi Italy với số lượng 100 container hạt điều với trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đã ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P).
Các lô hàng do các hãng tàu quốc tế là Cosco, YANGMING, HMM, ONE vận chuyển; điểm đến là cảng Genoa, cảng La Spezia (Italy), hiện nay một số lô hàng đã đến cảng nước ngoài, một số đang trên đường tới. Đáng nói, trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự thay đổi về số SWIFT (mã số định danh ngân hàng được cung cấp bởi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).
Điều đáng nói, sau khi ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận được bộ chứng từ thì họ thông báo người mua không phải khách hàng của họ và họ đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù ngân hàng Việt Nam nhiều điện liên hệ. Còn ngân hàng tại Italy thì thông báo cho ngân hàng Việt Nam rằng họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng là các bản copy không phải bản gốc.
Các doanh nghiệp Việt Nam và cả ngân hàng Việt Nam được ủy nhiệm cũng không biết chứng từ gốc đang ở đâu. Đặc biệt, trong tình huống này thì bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng. Và điều này sẽ là rủi ro rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngay khi nhận ra dấu hiệu của việc lừa đảo 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm cách dừng vận chuyển hàng, nhờ đó thiệt hại nếu xảy ra sẽ giảm đáng kể.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết, qua trao đổi và cập nhật từ phía các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đi thị trường Italy, tổng số hàng ký kết ban đầu là 100 container với giá trị gần 1.000 tỷ đồng.
Đơn hàng này được giao rải rác từ đầu tháng 2 đến nay. Khi container đầu tiên cập cảng Italy và có người đến làm thủ tục nhận hàng, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận được thanh toán của bên mua, doanh nghiệp đã nhận thấy dấu hiệu lừa đảo và ngay lập tức dừng việc vận chuyển tại Việt Nam.
Tính đến ngày 9/3, các doanh nghiệp Việt Nam đã mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc (tương đương 36 container), giá trị hàng hóa ước tính khoảng 162 tỷ đồng. Cụ thể, có 2 bộ hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam gửi tới các ngân hàng của người mua tại Thổ Nhĩ Kỳ đều có sự thay đổi về số Swift (mã số định danh ngân hàng). Trong khi đó, vài ngày tới sẽ có một số contianer điều cập cảng Italy và đến cuối tháng 3 toàn bộ 36 container đang mất chứng từ gốc sẽ đến Italy.
Theo đó, quy trình mua bán - thanh toán. Người mua chỉ định ngân hàng thanh toán, người bán sau khi giao hàng lên tàu sẽ ủy nhiệm cho ngân hàng gửi bộ chứng từ gốc đến ngân hàng mà người mua chỉ định. Khi bộ chứng từ gốc đến nơi, ngân hàng bên mua sẽ tự động thanh toán ngay cho bên bán, sau đó giao bộ chứng từ để người mua làm thủ tục nhận hàng. Theo luật vận chuyển quốc tế, bất cứ người nào có bộ chứng từ gốc đều có thể nhận hàng và các hãng tàu phải giao hàng nếu không có thể bị khởi kiện. Chính vì vậy, những container mà doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc cũng đồng nghĩa với việc mất quyền kiểm soát hàng hóa. |
Vào cuộc kịp thời
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Vinacas tiếp tục gửi các công văn đến trụ sở hãng tàu COSCO tại Trung Quốc đề nghị can thiệp trong tình huống khẩn cấp, tạm giữ toàn bộ các container điều Việt Nam đang ở cảng và sẽ đến cảng Italy thời gian tới, chờ xác nhận của bên bán mới giải phóng hàng. Đồng thời, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết, khi nhận được thông tin chính thức của Vinacas, chúng tôi tiếp tục liên hệ với các chủ tàu, xác minh thông tin, cũng như liên hệ các ngân hàng để tìm cách bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Italy. Theo thông tin mới nhất mà Vinacas thông báo, đến nay chỉ còn 34 container của 5 doanh nghiệp là không xác minh được hồ sơ gốc chứ không phải là 100. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Thương vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy làm việc với hãng tàu COSCO tại cảng Genoa. (Ảnh Dương Hoa TTXVN).
Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết, hãng COSCO đã đồng ý không giao lô hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, mặc dù họ đã có chứng từ gốc, đã nộp phí cảng và đang đòi lấy container ra khỏi cảng. Hãng đã tạm thời ngừng vài ngày để phía Việt Nam có thời gian tiếp tục xử lý. Thương vụ đề xuất nên làm việc tương tự với các hãng tàu tại Việt Nam thì sẽ không phức tạp như vậy, bởi đó là nơi xuất phát, là nơi trả tiền thanh toán cước vận chuyển, cũng như hàng hóa là của Việt Nam 100%”.
Về vấn đề nay, ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký VINACAS cho rằng, vụ lừa đảo này có nhiều nghi vấn được đặt ra. Có thể DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh) bị hacker can thiệp và dẫn đến thay đổi bộ chứng từ gốc hoặc một nguyên nhân nào đó chưa xác định được. Tuy nhiên, hãng tàu có thể đặt ngược vấn đề là khi gửi bộ chứng từ đi có thể doanh nghiệp gửi bộ photocopy, nhưng chắc chắn các doanh nghiệp không làm thế vì họ thừa biết một khi đã đưa hàng đi mà gửi bộ chứng từ photocopy thì khó nhận được tiền và thiệt hại sẽ thuộc về doanh nghiệp.
Nếu xem xét phần sai thuộc về ai thì hiện tại mọi người đều cho rằng hãng tàu không sai, ngân hàng Việt Nam cũng không sai, vì khi gửi những bộ chứng từ thì họ gửi DHL (dịch vụ chuyển phát nhanh). Nếu hãng tàu không sai, ngân ngân hàng Việt Nam không sai thì chỉ có thể ngân hàng phía bên mua sai. Vấn đề đặt ra là liệu ngân hàng bên mua có móc nối với bọn lừa đảo không? Nếu có và thật sự họ nhận bản photocopy thì họ cũng không sai.
Do vậy, hướng giải quyết là phải giữ hàng lại cho được và không giao hàng ra cho dù người đến nhận có bộ chứng từ gốc, sau đó phải đưa vụ việc lên tòa án và thông qua tòa án các doanh nghiệp Việt Nam một khi họ cung cấp chứng cứ đầy đủ thì có thể họ sẽ được trả lại hàng. Đó là trình tự mà phía Việt Nam sẽ phải làm trong thời gian tới.
Được sự ủy quyền của Thương vụ Việt Nam tại Italy, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli (Italy) đã làm đơn tố giác lừa đảo vụ 100 container hạt điều xuất sang Italy và gửi đến cảnh sát tại Napoli.
Nhiều bài học quý
Bà Nguyễn Hà Mỵ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hà Mỵ (Bình Phước) chia sẻ, từ trước đến nay, Công ty cổ phần Hà Mỵ xuất khẩu nhân điều, hạt điều chế biến đi nhiều quốc gia nhưng không hề sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu kèm chứng từ này, bởi đây là phương thức không chắc chắn cho doanh nghiệp.
Việt Nam là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, với hạt điều chất lượng cao, ngon nên rất có tiếng tại thị trường Italy.
Việc thất thoát hồ sơ, chứng từ ở một khâu nào đó rất dễ xảy ra mà người xuất khẩu lẫn nhà nhập khẩu không thể lường trước được. Vì vậy, Công ty Cổ phần Hà Mỵ luôn dùng phương thức cổ điển để xuất khẩu như nhận tiền đặt cọc đơn hàng mới tiến đến ký kết hợp đồng.
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1 chia sẻ, theo thông lệ, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận tiền đặt cọc của đơn vị nhập khẩu mới tiến hành làm hợp đồng mua bán với đơn vị nhập khẩu, số tiền đặt cọc dao động từ 20 - 30% giá trị đơn hàng. Đây là số tiền đảm bảo phía nhập khẩu thực sự muốn thu mua hàng hóa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Khi đơn vị nhập khẩu không tiến hành đặt cọc, xem như giao dịch này bị hủy.
Chính vì vậy, sự việc xảy ra của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều xuất hàng đi thị trường Italy và Thổ Nhĩ Kỳ là sơ suất của chính doanh nghiệp, không liên quan đến đơn vị môi giới bởi đơn vị môi giới không có trách nhiệm thanh toán cho đơn hàng.
Hơn nữa, khi doanh nghiệp xuất khẩu đặt chỗ (booking) với các hãng tàu đều có chứng từ (bill) đặt chỗ. Đây là cơ sở giữa doanh nghiệp xuất khẩu và hãng tàu. Sau khi đặt chỗ cho lô hàng xuất khẩu, ngân hàng mà doanh nghiệp xuất khẩu liên kết mới gửi bộ chứng từ gốc cho hãng tàu nhận hàng tại nước nhập khẩu để tiến hành giao hàng.
Khi ngân hàng chưa gửi bộ chứng từ gốc cho hãng tàu đồng nghĩa hãng tàu không thể giao hàng cho nhà nhập khẩu. Sự việc xảy ra của các doanh nghiệp xuất khẩu điều bị mất chứng từ gốc này chứng tỏ bộ chứng từ gốc bị mất trước khi giao cho ngân hàng kết nối của các doanh nghiệp.
Như vậy, lô hàng hàng trăm container điều xuất khẩu đi thị trường Italy và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể lấy lại được khi hàng chưa ra khỏi cảng, doanh nghiệp xuất khẩu đóng phí giữ chân cho lô hàng đó thì vẫn có thể đưa được hàng hóa về, doanh nghiệp chỉ mất phí vận chuyển đưa về, chứ không mất hàng.
Bằng quy trình này, lượng container điều xuất khẩu đi Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thiệt hại lớn như số lượng container ký trong các hợp đồng, ông Tạ Quang Huyên chia sẻ thêm.
Từ vụ việc trên, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli (Italy), ông Silvio Vecchione cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các doanh nghiệp Italy cần thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, cơ quan thương vụ, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Italy để tìm hiểu rõ thông tin về đối tác, đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italy. Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm hiểu và làm việc với các đối tác tại Italy.
Bài học rút ra cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa nên trực tiếp liên hệ với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng. Khi có nghi vấn thì cần nhờ Đại sứ quán, Thương vụ kiểm tra xác minh doanh nghiệp sở tại. Trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn sau khi ký, hoặc đã gửi hàng đi thì việc xử lý sẽ rất khó khăn, vất vả, nhiều khi không lấy lại được hàng, không lấy lại được chứng từ.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.