Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 2 năm 2017 | 8:26

Báo Kinh tế nông thôn giới thiệu một số văn bản mới nổi bật từ ngày 06 - 12/02/2017

Báo Kinh tế nông thôn xin giới thiệu đến quý bạn đọc một số văn bản mới nổi bật trong tuần qua (từ ngày 06 - 12/02/2017) như sau:

1. Bổ sung thêm hình thức hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh

Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, bổ sung thêm một số loại hình tổ chức của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như:

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình (hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình);

- Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp;

- Cơ sở dịch vụ y tế được bổ sung thêm dịch vụ thẩm mỹ, xoa bóp và các dịch vụ khác;

- Cơ sở giám định pháp y, cơ sở pháp y tâm thần có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải tổ chức theo hình thức là phòng khám đa khoa;

- Trung tâm y tế có thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh thì giấy phép hoạt động ghi hình thức tổ chức tương đương với bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám đa khoa.

Nghị định 109/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/7/2016.

2. Quy định đối với cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính

Ngày 30/12/2016, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng. Theo đó:

- Công ty tài chính cho vay đối với khách hàng có nhu cầu mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí cho học tập, chữa bệnh, sửa chữa nhà ở, du lịch và văn hóa, thể dục, thể thao;

- Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100.000.000 đồng (không áp dụng cho vay mua ô tô và sử dụng ô tô làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đó);

- Có hai phương thức cho vay là cho vay từng lần và cho vay theo hạn mức;

- Lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng nhà nước về lãi suất đối với hoạt động cho vay.

Thông tư 43/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/3/2017.

3. Các hình thức khai thác và sử dụng CSDLQG về xử lý VPHC

Ngày 30/12/2016, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 13/2016/TT-BTP quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Theo đó, có ba hình thức để khai thác và sử dụng CSDLQG về xử lý VPHC là:

- Khai thác và sử dụng CSDLQG về xử lý VPHC thông qua kết nối mạng máy tính;

- Khai thác và sử dụng CSDLQG về xử lý VPHC thông qua tra cứu thông tin trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử;

- Khai thác và sử dụng CSDLQG về xử lý VPHC bằng văn bản yêu cầu.

Ngoài ra, đối với trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính có yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản liên quan về mình từ CSDLQG về xử lý VPHC thì phải trả các chi phí về in, sao, chụp, gửi thông tin.

Thông tư 13/2016/TT-BTP có hiệu lực ngày 15/02/2017.

4. Mức chi ăn giữa ca cho NLĐ tại Quỹ Phát triển doanh nghiệp

Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 38/2016/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Theo đó, mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động, trưởng Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, người quản lý sẽ không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Thông tư 38 cũng hướng dẫn xếp lương đối với người quản lý và thù lao đối với Chủ tịch Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

Mọi thông tin, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn: Hotline: 0888682979; 0888683779.

Email: [email protected]; [email protected]; [email protected]; [email protected]

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top