Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 11 năm 2020 | 10:51

Bảo tồn nguồn gen 3 loài cây dược liệu quý hiếm

Những năm gần đây, do khai thác không hợp lý dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về trữ lượng các loài cây dược liệu quý hiếm ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, đặc biệt là ba loài: Bổ béo đen, Vù hương và Lá khôi.

Đây là những loài vừa có giá trị làm cảnh  vừa làm dược liệu và có giá trị kinh tế cao.

Trước thực trạng đó, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã sớm triển khai  đề tài: Nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen của 3 loài cây dược liệu quý hiếm: Bổ béo đen (Goniothalamus vietnamensis Ban), Vù hương (Cinnamomum parthenoxynon (Jack Meisn) và Lá khôi (Ardisia Silverstris Pitard.

Bổ béo đen

Qua tiến hành điều tra theo tuyến, chúng tôi nhận thấy loài Bổ béo đen phân bố nhiều ở độ cao 100 – 450m khu vực Đại Đình – Tam Đảo (Vĩnh Phúc); ngoài ra còn rải rác ở một số nơi nhưng số lượng không nhiều.

 

01.jpg

Là loài cây bụi nhỏ có rễ cọc, ăn sâu có thể ăn sâu 50 – 60cm, có màu đen và có rất ít rễ phụ. Thân cây có màu đen. Cành non có lông tơ màu gỉ sắt. Đường kính thân của cây trưởng thành phát triển tốt của loài Bổ béo đen dao động trong khoảng 2,8 – 3 cm. Lá Bổ béo đen thuôn hình trứng ngược, chóp thành mũi nhọn, gỗ lá hình nêm rộng, mặt dưới có lông, hơi rõ ở mặt dưới; cuống lá dài 10 - 15 mm, có lông. Bổ béo đen là loại cây bụi nhỏ, nhưng với đặc điểm hình thái nhỏ bé so với cây rừng như vậy tạo nên kiểu sống thích nghi với môi trường dưới tán rừng, ẩm ướt và thường có mưa nhiều, lượng mưa khá cao.

Do đó, nó ảnh hưởng tới hình thái của loài, tạo cho loài có hình thái lá khá to, trung bình kích thước lá dài từ 21 – 38 cm, và rộng từ  6,6 – 9 cm, gân bên khoảng 14 – 17 đôi, số lượng gân bên giúp cho lá cứng cáp hơn.

Mùa ra hoa: tháng 4 - 6, có quả tháng 7 - 10. Hoa ở nách lá, thường mọc đơn độc; cuống hoa rất ngắn, ở gốc mang 2 - 3 lá bắc nhỏ. Lá đài hình tam giác nhọn đầu, cỡ 5 - 6 x 3 - 4mm, có lông ở mặt ngoài (trong quả đài đồng trưởng và nổi rõ 3 - 5 gân cong hình cung). Cánh hoa ngoài hình mác, dài 2,5 - 3 m, rộng 5 - 7 mm, có lông ngắn ở cả 2 mặt; cánh hoa trong hình mác (cỡ 15 x 5mm), có móng rõ, ở đỉnh dính nhau tạo thành mũ hơi nhọn đầu. Nhị nhiều, chỉ nhị rõ, mào trung đới hình đĩa. Lá noãn 15 - 20; núm nhụy hình phễu rộng, dài bằng bầu. Noãn 1. Phân quả hình trụ có mỏ cong và nhọn, dài 3 - 4cm, đường kính cỡ 5 mm, hơi có lông ngắn; vỏ quả rất mỏng, hoàn toàn tách rời khỏi vỏ hạt. Hạt nhẵn. Hạt màu nâu đến màu nâu đen, có hình dạng hạt khác nhau, mỗi quả chứa 1- 2 hạt, không có lông.

Bổ béo đen là loài cây chịu bóng và sinh trưởng phát triển bình thường trong môi trường ẩm ướt dưới tán rừng. Tỷ lệ tái sinh theo nguồn gốc không ảnh hưởng nhiều bởi đai cao mà chịu sự chi phối bởi đặc tính sinh vật học của loài cây và đặc điểm của điều kiện hoàn cảnh. Bổ béo đen tái sinh ở ngoài tán cây mẹ là chủ yếu (chiếm 75%).

Bổ béo đen còn gọi là sâm bảo ngọc, có tác dụng bồi bổ, tăng cân, cải thiện sinh lý, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ điều trị ung thư. Bộ phận dùng làm thuốc: Rễ cây.

Vù hương

Vù hương còn có tên Gù lương, Re dầu... Tên khoa học là Cinnamomum parthenoxylon (Jack) Meisn, thuộc họ Long não. 

 

02.jpg

Loài Vù hương được phân bố nhiều ở độ cao 100 – 600m khu vực xã Hồ Sơn, thị trấn Tam Đảo huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc); ngoài ra còn rải rác ở một số nơi nhưng số lượng ít.

Vù hương là loài cây gỗ lớn có rễ cọc, ăn sâu, có màu nâu. Do địa hình phức tạp, nhiều đá nên chúng thường phát triển nhiều rễ phụ từ rễ cọc ra. Cây gỗ to, thường xanh, cao đến 30m, đường kính thân 70 - 90 cm, cành nhẵn, màu hơi đen khi khô. Lá loài Vù hương: Lá mọc cách, dai, hình trứng, thót nhọn về 2 đầu, gân giữa phẳng ở mặt trên, lồi ở mặt dưới; cuống dài 2 - 3 cm, nhẵn. Từ kết quả thu được chúng tôi thấy Vù hương là loại cây gỗ lớn. Hình thái lá dài từ 9,2 – 11,2 cm, và rộng từ 4,1 – 5,1 cm, gân bên khoảng 4 – 7 đôi. Mùa hoa tháng 1 - 5, quả tháng 6 - 9. Cụm hoa chuỳ ở nách lá, dài 6 - 12 cm, phủ lông màm nâu; cuống hoa dài 1 - 3 mm, phủ lông; bao hoa 6 thuỳ, có lông dài 1,5 - 2 mm, thuôn; nhị hữu thụ 9, chia 3 vòng, 2 vòng nhị ngoài không tuyến, chỉ có lông, nhị vòng thứ 3 có 2 tuyến, tuyến không chân, nhị lép 3, hình tam giác có chân; bầu hình trứng, nhẵn, vòi ngắn, núm hình đĩa. Quả hình cầu, đường kính 8 - 10 mm, đính trên ống bao hoa hình chén.

Từ các kết quả thu được cho thấy loài Vù hương sinh trưởng trong điều kiện môi trường sống có độ tàn che cao 60 - 65%, cùng với độ che phủ của thảm tươi cây bụi 61 - 71% và thảm khô 60 - 69,5%. Trên thực tế điều tra các ô tiêu chuẩn trong khu vực nghiên cứu cho thấy loài Vù hương là cây gỗ lớn và là loài cây ưa bóng. Tỷ lệ tái sinh theo nguồn gốc không ảnh hưởng nhiều bởi đai cao mà chịu sự chi phối bởi đặc tính sinh vật học của loài cây và đặc điểm của điều kiện hoàn cảnh. Vù hương tái sinh ở ngoài tán cây mẹ là chủ yếu (chiếm 82%).

Vị Vù hương hơi đắng, cay, tính ấm. Rễ, thân có tác dụng ôn trung tán hàn, tiêu thực hóa trệ. Lá có tác dụng cầm máu. Quả có tác dụng giải biểu thoát nhiệt; tinh dầu chữa đau tê thấp...

Lá khôi

Loài Lá khôi phân bố nhiều ở độ cao 400 – 1.200m khu vực xã Tam Quan (Tam Đảo), ngoài ra còn rải rác ở một số nơi nhưng số lượng không nhiều.

 

03.jpg
03.jpg

 

Là loài cây bụi nhỏ có rễ cọc, ăn sâu 50 – 60 cm và có rễ phụ, có thân dễ bò, không phân cành. Do số lượng cá thể Lá khôi có số lượng ít nên tiến hành điều tra tất cả các cá thể cây Lá khôi có chiều cao trên 0,3m có trong các ô tiêu chuẩn. Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng 9 - 12. Cụm hoa chùm tán ở nách lá, dài 5 - 10 cm. Hoa mẫu 5. Lá đài hình tam giác hoặc thuôn, nhọn, hợp ngắn ở gốc, có điểm tuyến và lông mi. Cánh hoa màu hồng, hình mác, dài 3 mm, đầu tù hoặc nhọn, có điểm tuyến. Nhị ngắn hơn cánh hoa, bao phấn hình mác nhọn, chỉ nhị rất ngắn. Bầu trên, hình trứng. Quả hạch hình cầu, đường kính 7 - 8 mm, màu đỏ, có điểm tuyến. Hạt 1, hình cầu, lõm ở gốc.

Lá khôi là loài cây chịu bóng và sinh trưởng phát triển bình thường trong môi trường ẩm ướt dưới tán rừng. Tỷ lệ tái sinh theo nguồn gốc không ảnh hưởng nhiều bởi đai cao mà chịu sự chi phối bởi đặc tính sinh vật học của loài cây và đặc điểm của điều kiện hoàn cảnh. Lá khôi tái sinh ở ngoài tán cây mẹ là chủ yếu (chiếm 90 %).

Lá khôi còn gọi là cây đơn tướng quân, tên khoa học Ardisia sylvestris Pitarrd, là vị thuốc quan thuộc trong Đông y; là vị thuốc trong bài thuốc chữa viêm họng, nổi mề đay, mẩn ngứa, thấp khớp, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày…

Từ những kết quả nghiên cứu trên, phục vụ cho công tác bảo tồn phát triển 3 loài cây dược liệu, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã tiến hành nhân giống, trồng bảo tồn, được 2ha cho 3 loài. Đồng thời tiến hành chuyển giao cho một số hộ dân tại vùng đệm trồng và phát triển kinh tế từ 3 loài cây dược liệu này.


Đặng Văn Thạch, Vườn Quốc gia Tam Đảo

Ý kiến bạn đọc
Top