Nhận thấy, cây dược liệu đang cho thu nhập cao, không kén đất trồng, ông Bùi Văn Sỹ, thôn Bắc Sơn, xã Bắc Bình - Lập Thạch (Vĩnh Phúc), đã mạnh dạn mua 2ha vườn đồi cằn cỗi, khó canh tác để trồng ba kích. Không ngờ, vụ đầu tiên đã thu tiền tỷ, nhân đà thắng lợi, ông tiếp tục mở rộng diện tích và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Ông Sỹ đang chăm sóc vườn ba kích.
Tình cờ, cách đây vài năm, trong một lần sang chơi nhà bạn dưới chân núi Tam Đảo, ông Sỹ được tham quan một số mô hình trồng cây dược liệu cho thu nhập cao. Nhìn thấy khu vườn của người bạn quy hoạch bài bản, gọn gang và đẹp mắt, niềm đam mê nghề vườn trong ông đã trỗi dậy.
Trở về nhà, sau nhiều ngày cân nhắc kỹ lưỡng, ông Sỹ đã quyết định chi hơn 1,7tỷ đồng để mua 2ha vườn đồi ở thôn Bắc Sơn vốn là vùng đất cằn, khó canh tác. Từ trước đến nay, đã có nhiều người dân thử nghiệm trồng chè, nhãn, vải… song, đều không đem lại hiệu quả kinh tế. Để biến vùng đồi núi dốc, cằn cỗi nói trên thành mảnh đất bằng phẳng, màu mỡ như ngày nay, ông Sỹ đã phải thuê máy múc, ô tô để san lấp, tạo mặt bằng và đổ đất tơi xốp lên trên để trồng cây.
Nhờ cái nhanh nhạy của người làm vườn giỏi, san lấp đến đâu, ông Sỹ cải tạo đất và canh tác luôn đến đó. Sau khi đã có mặt bằng gần 1.000 m2, ông Sỹ mua ba kích về trồng; thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lượng ba kích của ông bị chết khá nhiều, khoảng 30%.
Song, bù lại, do khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đồi rất thích hợ với việc trồng ba kích, nên số cây còn lại sinh trưởng và phát triển tốt. Khi nên, Trời cũng giúp cho, công sức và quyết tâm làm giàu trên vùng đất khó của ông Sỹ đã được đền bù xứng đáng. Thành quả ban đầu rất đáng khích lệ, ngoài nguồn thu từ bán giống gần 200 triệu đồng; lứa ba kích đầu tiên của ông đã có công ty về đặt mua củ với giá: 140.000 đồng/kg. Hiện, ông Sỹ có gần 4.000 gốc ba kích, mỗi gốc cho từ 1,5 - 2kg, như vậy, vườn ba kích này đã thu về 800 - 900 triệu đồng”.
Được biết, ông Sỹ vẫn đang cải tạo đất để tiếp tục mở rộng diện tích trồng ba kích. Ngoài ra, ông còn trồng thêm hàng nghìn cây đinh lăng, giúp giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng và 8 - 10 lao động thời vụ.
Bí thư Đảng ủy xã Bắc Bình, ông Đỗ Văn Tuấn, cho biết: “Ông Sỹ đã dũng cảm biến vùng đất cằn cỗi thành “vàng” xanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã thu về tiền tỷ. Không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trong thôn xóm. Có thể nói, đây là mô hình nhiều triển vọng, cần được nhân rộng tại địa phương, nhất là khi cây dược liệu đang ngày càng đắt giá trên thị trường”.
Dương An Như
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.