Tin từ Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận và can thiệp nội soi thành công lấy xương gà, vịt ở thực quản cho hai bệnh nhân.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là ông Nguyễn Đ., 81 tuổi trú tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ, sơ ý nuốt trôi cả miếng thịt, xuất hiện đau tức ngực. Sau khi bị hóc xương, ông Đ. Đã chữa theo mẹo dân gian nhưng vẫn còn đau. Tiếp đó, đến ngày 9/6/2019 (tức 2 ngày sau), ông này phải nhập nhập viện với tình trạng sốt cao.
Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm máu, chụp phim Xquang và nội soi can thiệp cấp cứu. Kết quả phát hiện mảnh xương thịt dài 4cm, rộng 2cm, 2 đầu xương cắm vào thành thực quản 1/3 dưới, gây viêm loét chảy máu. Các bác sỹ đã tiến hành dùng dụng cụ chuyên dụng can thiệp lấy mảnh xương thịt ra thành công. Do bệnh nhân lớn tuổi có dấu hiệu nhiễm trùng các bác sĩ đã theo dõi sát dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng tiết. Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã ăn được cháo, cắt được sốt và cho xuất viện sau 1 tuần điều trị.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Hoàng Tuyên, 68 tuổi, trú tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị nhập viện sau đó 1 ngày. Được biết, bệnh nhân này khi đang ăn thịt gà thì sơ ý bị hóc xương, đau tức ngực, bệnh nhân vào viện sau 4 giờ và được chuyển đến khoa Nội soi để can thiệp gắp xương. Kết quả là 1 mảnh xương gà dài 4,5 cm trong thực quản được gắp thành công. Bệnh nhân được tư vấn kê đơn xuất viện trong ngày.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Thiện, khoa Nội A, người trực tiếp thực hiện nội soi lấy dị vật cho biết, việc lấy được dị vật (xương) thực quản ra không dễ dàng chút nào, đặc biệt là những bệnh nhân đến bệnh viện muộn với biến chứng nhiễm trùng sau khi đã làm nhiều biện pháp dân gian ở nhà. Nội soi can thiệp đòi hỏi người bác sỹ hết sức khéo léo, cẩn thận và có kinh nghiệm, vì mảnh xương khá sắc, nhọn, cắm vào thành thực quản gây viêm loét và rất dễ chảy máu.
Để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Thiện khuyến cáo người dân khi ăn uống nên ăn chậm, nhai kỹ, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tốt nhất nên lấy bỏ hết xương trước khi ăn đặc biệt đối với người già và trẻ em. Nếu không may bị hóc các xương lớn như xương gà, vịt, heo… nên bình tĩnh, ngừng ăn uống, không nên thực hiện các mẹo chữa hóc xương dân gian, vào viện sớm để can thiệp gấp, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm tính mạng.