Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 10 năm 2016 | 2:9

Bình Định vào vụ chăn nuôi cuối năm

Từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn Bình Định bắt đầu thả giống nuôi tái đàn với số lượng lớn, nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm. Điều đáng mừng là, giá gia súc, gia cầm (GSGC) thời gian qua ổn định, tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi.

Tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn bò ở xã Cát Trinh (huyện Phù Cát).

Hối hả vào vụ

Bà Trần Thị Hà, chủ gia trại chăn nuôi heo ở thôn Phú Mỹ, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), cho biết: “Năm nay, thị trường Trung Quốc tiêu thụ heo thịt mạnh nên giá heo ổn định ở mức cao, từ 43.000 - 52.000 đồng/kg, người chăn nuôi có lãi khá. Gia đình tôi vừa đầu tư mở rộng thêm chuồng trại để nuôi lứa cuối năm. Theo kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm của tôi, giá heo sẽ tiếp tục giữ ổn định trong thời gian tới do nhu cầu thị trường tăng cao”.

Ông Võ Ngọc Lâm, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP tại Bình Định, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cuối năm, hiện các trang trại chăn nuôi gia công của đơn vị tại Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát đã nhập đàn heo giống trên 5.400 con và đàn gà hơn 70.000 con. Nhờ chú trọng lựa chọn chất lượng con giống, tiêm vắc xin phòng bệnh chặt chẽ nên đàn heo, gà của công ty phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ chăn nuôi thắng lợi.  

Theo khảo sát, do nhu cầu con giống phục vụ chăn nuôi tái đàn khá lớn, hiện giá heo giống tại các địa phương trong tỉnh Bình Định ở mức khá cao. Heo giống 4-7kg có giá 100.000 - 110.000 đồng/kg; heo giống 10-14 kg/con, giá từ 70.000 - 74.000 đồng/kg. Giá gà ta giống cũng tăng từ 15.000 đồng/con lên 19.000 đồng/con nhưng không đủ nguồn để cung ứng cho người chăn nuôi…

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát), cho biết: Từ đầu tháng 9 đến nay, nhu cầu gà giống của người chăn nuôi  tăng khá mạnh do hầu hết các trang trại, gia trại đều nhập gà giống về nuôi phục vụ thị trường cuối năm. Thời điểm này, mỗi tháng cơ sở gà giống của công ty cung ứng 1,4 - 1,8 triệu con gà giống, giá 19.000 đồng/con. Tuy nhu cầu con giống phục vụ người chăn nuôi khá lớn, nhưng công ty vẫn giữ ổn định giá bán. Công ty có đàn gà ta bố mẹ trên 200.000 con nên đủ cung ứng nguồn con giống để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi cho các trang trại, gia trại trong và ngoài tỉnh.

Tích cực phòng, chống dịch bệnh

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, giá GSGC ổn định ở mức cao đã kích thích người chăn nuôi trên địa bàn mạnh dạn tái đàn. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp chủ động phòng chống dịch thì nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao. Do vậy, cùng với tái đàn, người chăn nuôi cần phải đề cao cảnh giác trong phòng, chống dịch để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi.

Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định, cho biết: “Từ đầu tháng 8, lực lượng thú y đã ra quân tiêm phòng đợt 2/2016 cho đàn GSGC, đến nay, đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho trên 2 triệu con gà, vịt; đồng thời đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc. Trong điều kiện thời tiết ở khu vực miền Trung đang giai đoạn chuyển mùa, lực lượng thú y cũng đã thường xuyên tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại, các ổ dịch cũ, các chợ đầu mối mua bán GSGC để ngăn ngừa dịch bệnh tái phát”.

Để giúp người chăn nuôi phát triển sản xuất, cân đối cung cầu thực phẩm, ổn định thị trường cuối năm, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, khôi phục đàn GSGC; chú trọng bố trí đủ nguồn con giống chất lượng tốt; kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh về giống, thức ăn, thuốc thú y trên địa bàn. Đồng thời, cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi có giải pháp tiết kiệm, giảm chí phí đầu vào cho sản xuất, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ.

Phú Mỹ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top