Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 7 năm 2020 | 14:38

Cá tra chinh phục thị trường nội địa: Cửa đã mở

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nếu tiêu thụ trong nước được 20 - 30% sản lượng thì ngành cá tra sẽ phát triển bền vững.

Thời gian tới, bên cạnh xuất khẩu, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phân phối, tiêu thụ tại thị trường nội địa.

 

tr22.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra chất lượng các lô hàng cá tra tại Xí nghiệp Bắc Hà. Ảnh: Lê Bền.

 

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462 nghìn tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019; xuất khẩu chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1%. Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Để cải thiện đầu ra cho sản phẩm, theo ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), Công ty đã lên các phương án đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, đây là hướng đi giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, ổn định dòng tiền.

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa mỗi năm lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Mức tiêu thụ thủy - hải sản bình quân của người Việt khoảng 35kg/người/năm, dự báo đạt 44kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, tập trung cho thị trường nội địa là hướng đi đúng. Mục tiêu của ngành hàng là thị trường nội địa sẽ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng để tỷ trọng dần cân đối hơn, vì hiện nay cá tra đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.

Cũng theo ông Dũng, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang nỗ lực định vị thương hiệu tại thị trường nội địa bằng cách phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Dẫu biết điều này không hề dễ dàng.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, cho biết, các doanh nghiệp cần truyền thông nhiều hơn nữa về quy trình nuôi, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Tại sao chúng ta làm cho cả thế giới tin, mà dân ta vẫn còn e dè?

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu chúng ta phát triển được thị trường trong nước sẽ có 2 tác dụng. Thứ nhất là, giảm áp lực xuất khẩu và sẽ giúp tăng giá xuất khẩu. Thứ hai là, khai thác được thị trường 100 triệu dân, qua đó tăng sản lượng, thúc đẩy sản xuất. Như vậy, việc phát triển thị trường trong nước sẽ giúp đạt “mục tiêu kép”, vừa tăng sản lượng, vừa tăng giá trị của cá tra và tạo ra một thị trường tiêu thụ với sản phẩm đa dạng, người dân có thêm nhiều lựa chọn cho tiêu dùng.

Rộng đường ra Bắc

Xí nghiệp Bắc Hà là một trong số các đơn vị của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO) chuyên kinh doanh, phân phối mặt hàng thực phẩm cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

 

tr23.jpg

 Cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, hiện đã chế biến ra 60 sản phẩm.

 

Ông Dương Thành Chung, Giám đốc Xí nghiệp Bắc Hà, cho biết, từ cuối tháng 4/2020, Xí nghiệp đã kết nối, kiểm tra và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đầu tiên (số lượng 25 tấn) cá tra, các sản phẩm cá tra với Công ty cổ phần Nam Việt (Long Xuyên - An Giang).

Xí nghiệp Bắc Hà đang triển khai các sản phẩm cá tra để cung cấp tới các hệ thống bếp ăn tại các khu công nghiệp, trường học, quân đội trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình...

Hiện nay, số lượng cá tra và các sản phẩm từ cá tra được doanh nghiệp, bếp ăn công nghiệp, cung cấp suất ăn đăng ký đặt hàng qua Bắc Hà đạt khoảng 100 tấn/tháng. Dự kiến, đến cuối năm, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 230 tấn/tháng... Gần 1 tháng sau Chương trình kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra, Xí nghiệp đã có hơn 60 khách hàng đặt hàng, tiêu thụ cá tra và các sản phẩm từ cá tra.

Theo ông Dương Thành Chung, cá tra là sản phẩm rất giàu dinh dưỡng, được khách hàng đánh giá rất cao bởi giá cả phải chăng, dễ chế biến, ngon, đặc biệt là ít xương, mềm, phù hợp với học sinh nên được các nhà ăn trường học ưa thích. Trong lúc giá thịt lợn đang khá cao, đây là sản phẩm có tiềm năng tại các tỉnh phía Bắc.

Ngày 26/6/2020, làm việc với Xí nghiệp Bắc Hà, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực và hướng đi của Xí nghiệp trong việc lựa chọn mặt hàng các sản phẩm cá tra để đẩy mạnh phân phối tại thị trường phía Bắc.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, không phải vì khó khăn mới quay về thị trường nội địa mà phải xem đây là thị trường trọng điểm. Các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến thị hiếu người tiêu dùng, từng bước thay đổi góc nhìn về cá đông lạnh. Ước tính, nếu đẩy tiêu thụ ở trong nước được 20 - 30% sản lượng thì ngành cá tra sẽ phát triển bền vững.

Thời gian tới, bên cạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tạo mọi điều kiện trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phân phối tiêu thụ mặt hàng cá tra tại thị trường nội địa, chứ không riêng khu vực phía Bắc.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phụ trách phòng Kinh doanh Tập đoàn Nam Việt (NAVICO) cho biết, để tiếp cận, tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa thời gian tới Tập đoàn sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình hội chợ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu; gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu với thị trường trong nước. Tổ chức gặp gỡ, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội và thị trường phía Bắc.

Tăng cường hợp tác với nhà phân phối tại thị trường phía Bắc, hỗ trợ giá cả cho các doanh nghiệp để xâm nhập thị trường. Tấn công và mở rộng các kênh bán hàng nội địa như: bếp ăn công nghiệp, siêu thị bán lẻ…  Mở rộng và phát triển thêm phân xưởng sản xuất hàng giá trị gia tăng như cả chá viên, fillet tẩm bột… vì đây là những mặt hàng nhận được những phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng, có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Đặc biệt, tại sự kiện “Kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” mới đây, đã có những ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Sao Mai với Central Group, Vinmart với Tập đoàn Nam Việt; Công ty Hùng Cá với Công ty Thương mại Hapro; hợp tác tiêu thụ cá tra giữa HTX Sản xuất và thương mại Xuyên Việt với Tập đoàn Central Group; Ký kết giữa Công ty TNHH Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh để đưa cá tra vào các KCN.

Giàu dưỡng chất có lợi cho sức khỏe

Cá tra Việt Nam hiện đã chế biến ra 60 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: mỹ phẩm, dược phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm cá tra với chất lượng tốt, giá thành vừa phải, phù hợp với sở thích và thẩm mỹ của người Việt Nam.

Cá tra chứa nhiều omega - 3 - 6 - 9 (loại axít béo cơ thể con người không thể tự tổng hợp được mà phải cung cấp từ thức ăn), DHA và EPA, vitamin E..., có lợi cho tim mạch, giúp phát triển trí não, hỗ trợ ngăn chặn lão hóa.

Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi tuần nên ăn 2-3 bữa cá tra để giúp cơ thể hấp thụ đủ các dưỡng chất cần thiết. Đạm trong cá thường dễ tiêu hóa, hấp thụ hơn đạm từ thịt các loại động vật và có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Trong mỡ cá tra, các axít béo không no chiếm tỷ lệ cao, không có cholesterol nên có lợi cho sức khỏe, không gây tăng cân. Nhờ giá trị dinh dưỡng nên cá tra của Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu được thế giới ưa chuộng.

Về vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến cho biết, cá tra không chỉ là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao, được hàng trăm thị trường xuất khẩu ưa chuộng và đánh giá cao, đến nay, cá tra của Việt Nam đã có chuỗi khép kín rất hiện đại về công nghệ, từ nuôi tới chế biến, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các bộ, ngành, chính quyền địa phương,  doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ, sự tiếp nhận của người dân về các sản phẩm từ cá tra, thời gian tới, tỷ trọng cá tra được tiêu thụ trong nước sẽ tăng lên..


 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top