Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 2 năm 2021 | 8:44

Các địa phương tăng cường công tác quản lý VSATTP trong dịp Tết

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu không còn bao xa, thời điểm này cũng là thời điểm nóng về an toàn thực phẩm, do vậy các địa phương đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về ATTP để bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Hà Nội tổ chức nhiều đoàn kiểm tra ATTP phục vụ Tết và mùa lễ hội
 
Thành phố đã thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành và giám sát an toàn thực phẩm, các đoàn đã kiểm tra 182 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp với số tiền 11 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá 14,6 triệu đồng.
 
hà-nội-1.jpg
Sản xuất mứt tết tại Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội

 

Tại quận Tây Hồ, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đề nghị các đoàn tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị; kiểm tra liên ngành từ cấp quận đến phường, phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
 
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Tây Hồ, quận hiện có 1.615 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
 
Tại huyện Ba Vì, đoàn kiểm tra liên ngành đã khảo sát khu vực trồng rau an toàn thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Chu Quyến, xã Chu Minh, lấy 2 mẫu rau tại ruộng xét nghiệm nhanh và đều cho kết quả âm tính với thuốc bảo vệ thực vật.
 
Ngoài ra, đoàn đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khu vực sản xuất bánh mỳ trong siêu thị Lan Chi.
 
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, bên cạnh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan chức năng còn tập trung kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
 
Quảng Ninh: Đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP phục vụ Tết
 
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Cẩm Phả về sản xuất các sản phẩm thủy hải sản tươi sống đóng gói, Công ty CP Green Aquatech (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) đang tích cực chuẩn bị sản xuất phục vụ Tết cổ truyền. Hiện toàn bộ nhà xưởng rộng 1.200m2 và 24 nhân công của đơn vị được huy động, hoạt động tích cực để sản xuất 11 đầu sản phẩm mới với sản lượng trung bình từ 2 tạ tới 1,5 tấn/ngày ra thị trường.
 
quảng-ninh-2.jpg
Sản xuất khép kín đảm bảo vệ sinh ATTP tại Công ty CP Green Aquatech 
 
Về vấn đề đảm bảo chất lượng, VSATTP đối với sản phẩm, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty chia sẻ: "Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đơn vị đầu tư bài bản, công nghệ hiện đại sản xuất với hơn 10 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Để chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết cổ truyền, đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo.
 
Điều được đơn vị đặc biệt quan tâm chính là vấn đề đảm bảo ATVSTP, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trong đó, ưu tiên tìm mua nguồn nguyên liệu tươi sống, đảm bảo quy trình chế biến, nguồn nước sạch sẽ, đồng thời huy động các máy móc, tủ bảo quản lạnh các mặt hàng; máy đóng gói hút chân không sản phẩm... đảm bảo sản phẩm sạch theo đúng quy định và tiêu chuẩn mà cơ sở đã công bố.
 
Điều đơn vị đặc biệt quan tâm là sử dụng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất đảm bảo sạch sẽ, VSATTP cho sản phẩm. Đồng thời, đơn vị cũng đang phấn đấu hoàn thiện tiêu chuẩn HACCP, nâng cao hơn nữa quy chuẩn của sản phẩm để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài".
 
quảng-ninh-1.jpg
Kiểm tra veek sinh ATTP sản phẩm
 
Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 10 sản phẩm OCOP đã cấp sao năm 2016; Ban Xây dựng NTM tỉnh ban hành quyết định đưa 65 sản phẩm (chưa cấp sao) ra khỏi Chương trình OCOP do không còn sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển.
 
Có thể thấy, cùng với sự chuẩn bị của các doanh nghiệp và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, việc đảm bảo VSATTP đặc biệt đối với các sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm nhiều như sản phẩm OCOP, sẽ góp phần giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn an toàn.
 
Khánh Hòa: Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết
 
Sở Công Thương vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
 
khánh-hòa-1.jpg
Tăng cường công tác kiểm tra VSATTP để bảo đảm sức khỏe cho người dân
 
Theo đó Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp ngành Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP đến toàn thể cán bộ, công nhân viên; có các hình thức phù hợp để tuyên truyền hưởng ứng “Tháng hành động vì ATTP” từ ngày 15-4 đến 15-5 và Tết Nguyên đán 2021; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ký bản cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và ATTP…
 
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, trước mắt trong quý I/2021, sở chỉ đạo đẩy mạnh kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo... Trong đó, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các thực phẩm được sử dụng nhiều với số lượng lớn tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội tại địa phương…
 
Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, sở còn chủ trì trong công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất và cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh thực phẩm; tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm và bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...
 
Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Qua công tác kiểm tra ATVSTP tại Đồng Nai thời gian qua cho thấy, hầu hết doanh nghiệp lớn, làm ăn uy tín lâu năm trên lĩnh vực thực phẩm đều rất quan tâm đến việc đảm bảo ATVSTP, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo đức kinh doanh liên quan đến tính mạng, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, trong quy trình sản xuất, những doanh nghiệp này tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, nguyên tắc mang tính bắt buộc đồng thời sẵn sàng điều chỉnh những khâu còn khiếm khuyết. Tất cả đều vì mục tiêu chung là hướng đến uy tín, chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ sở dù đã bị nhắc nhở, thậm chí là xử phạt về việc mất ATVSTP vẫn chưa tự giác khắc phục, tiếp tục tái phạm.
 
Đồng Nai hiện có gần 13 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để công tác quản lý có hiệu quả, tỉnh đã tiến hành phân cấp theo quy mô cơ sở. Theo đó, tuyến tỉnh quản lý 870 cơ sở, tuyến huyện quản lý hơn 2,2 ngàn cơ sở, còn lại do tuyến xã quản lý. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực còn hạn chế nên việc thanh, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo ngành Y tế, lo lắng nhất hiện nay vẫn là tình trạng ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc thực phẩm tập thể tại các doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới đây sẽ là vấn đề được ngành hết sức quan tâm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
 
ATVSTP chưa bao giờ là vấn đề hết “nóng”, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt những quy định có liên quan, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng trong thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm, tránh tình trạng “lờn thuốc”, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
 
Quảng Nam: Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm
 
Theo bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống khi kiểm tra đều có những vi phạm chủ yếu như điều kiện vệ sinh cơ sở; điều kiện về con người; sản phẩm thiếu tiêu chuẩn, không có công bố hợp quy, đăng ký bản công bố sản phẩm; hàng hết hạn sử dụng, thiếu ghi nhãn hàng hóa v.v... “Đây là những vi phạm mà hầu hết các cơ sở đều mắc phải khi Đoàn Kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh trực tiếp kiểm tra. Cùng với việc phát hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đợt kiểm tra này cũng nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống thực hiện đúng cam kết về ATVSTP, nhằm đảm bảo sức khỏe người dân” - bà Cẩm cho biết.
 
quảng-nam-1.jpg
Kiểm tra các cơ sở sản xuất.
Khó khăn, hạn chế hiện nay là các cơ sở nhỏ lẻ khó quản lý; hàng hóa trôi nổi không rõ nguồn gốc có phổ biến; thức ăn đường phố thực hiện chưa tốt các quy định về đảm bảo ATTP; kẹo bánh, quà vặt trước cổng trường vẫn chưa quản lý được nên có nhiều mối nguy cho sức khỏe các em học sinh. Đáng lo là dịch vụ nấu ăn lưu động (thuộc loại hình thức ăn đường phố do cấp xã quản lý) có khi lên đến 1.000 suất ăn/lần phục vụ nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra rất cao nên khó khăn trong công tác quản lý của cấp cơ sở.
 
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về ATTP, các ngành chức năng của tỉnh gồm nông nghiệp, y tế, công thương đang phối hợp chặt chẽ với ngành công an, quản lý thị trường để triển khai cao điểm thanh tra, kiểm tra về ATTP. Kết thúc đợt kiểm tra sẽ công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
 
 
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top