Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 9 năm 2018 | 9:56

Cây kim khâu nhỏ bé hủy hoại ngành công nghiệp trái cây tươi

Ít ai có thể nghĩ rằng một cây kim khâu nhỏ bé có thể hủy hoại cả một ngành công nghiệp sản xuất trái cây tươi khổng lồ, nhưng đó là câu chuyện có thật đang xảy ra ở Australia.

 

Dâu tây tại một nhà hàng ở Sydney, Australia ngày 19/9/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
 


Australia đang mùa thu hoạch dâu, thế nhưng phải chứng kiến những kệ hàng bày dâu tươi quen thuộc trống rỗng trong các siêu thị, cửa hàng rau quả, cùng những hàng xe tải nối nhau chở hàng tấn dâu tươi đổ xuống hố chôn để tiêu hủy, không ai không khỏi xót xa. 

Nguyên nhân chỉ là vài chục trường hợp thông báo phát hiện thấy kim khâu trong những trái dâu tươi mua ăn từ siêu thị, điều chưa từng xảy ra và có lẽ không bao giờ xuất hiện trong trí tưởng tượng của nhiều người, nhất là lại ở một nước văn minh và tiến bộ như Australia. 

Ban đầu chỉ là một vài trường hợp và người ta cho rằng đây có thể là hành động phản đối hay trả thù của một lao động hái dâu tươi hay làm trong quy trình lựa chọn, đóng hộp… đối với chủ trang trại, nhà sản xuất vì bị trả lương thấp, đối xử không tốt. 

Tuy nhiên, chỉ trong hơn một tuần, chuyện cây kim khâu nhỏ bé được ai đó cố ý cắm vào quả dâu đã trở thành rất lớn, gây hoang mang cho người tiêu dùng trên khắp Xứ sở Chuột túi khi có tới bảy nhãn hiệu lớn cung cấp dâu tươi ra thị trường ở 7/8 bang và vùng lãnh thổ của Australia bị ảnh hưởng.

Hành động được Bộ trưởng Y tế Australia, Greg Hunt, mô tả là “tội ác” này hẳn không còn là từ một cá nhân nào đó mà là sự phá hoại có hệ thống và chủ ý.

Tính ra mỗi thương hiệu đến nay chỉ phát hiện vài ba quả dâu bị cắm kim khâu và thực tế nếu có ăn phải quả dâu như vậy cũng không quá nguy hiểm tới tính mạng, nhưng ở một đất nước vốn đặt quyền lợi và sự an toàn của người tiêu dùng lên trên hết, 7 nhà sản xuất nói trên buộc phải thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm, kể cả những trái dâu đã thu hoạch nhưng chưa đưa ra thị trường. 

Vụ việc tưởng chừng nhỏ, nhưng chỉ trong hơn một tuần đã khiến ngành sản xuất dâu tươi với doanh thu 130 triệu AUD (93 triệu USD) mỗi năm của Australia trở nên điêu đứng. 

Ngoài bảy thương hiệu trên phải đóng cửa, những nhà sản xuất hay các trang trại trồng dâu khác trên khắp đất nước ở châu Đại Dương này cũng gần như phải chịu chung số phận khi lượng tiêu thụ giảm mạnh do người tiêu dùng không dám mua dâu vì sợ cắn phải kim khâu, các đối tác thương mại ở một số nước như Anh, Nga và New Zealand ngừng nhập khẩu dâu tươi từ Australia. 

Giá bán dâu tươi rớt thảm hại, thậm chí thấp hơn cả chi phí đầu vào. Những chủ trang trại, nhà chế biến và sản xuất, các công ty xuất khẩu dâu tươi mấy ngày qua như “ngồi trên đống lửa,” hàng nghìn công nhân và lao động làm việc trong ngành này phải tạm ngồi nhà hoặc tìm việc khác. 

Đau xót phải chứng kiến những cánh đồng dâu tươi đến mùa thu hoạch không được hái hay những đống quả nằm im lìm trong kho lạnh, nhiều chủ trang trại đã nghĩ ra những cách chế biến thành những sản phẩm khác như làm mứt, ép bán nước tươi, thậm chí làm thành bia dâu… nhưng chỉ giải quyết được số lượng nhỏ và tạm thời. 

Chưa rõ động cơ hay mục đích gì, song những thủ phạm cắm những cây kim khâu, dù chỉ vài chục chiếc, vào những quả dâu tươi đã gây thiệt hại hàng triệu AUD cũng như hủy hoại danh tiếng, uy tín và lòng tin của cả một ngành công nghiệp lớn của đất nước nổi tiếng với những quy định hết sức khắt khe về kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm này. 

Cảnh sát và các nhà điều tra trên khắp Australia đã vào cuộc ngay lập tức với mức treo thưởng cao cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ thủ phạm, nhưng đến nay vẫn bó tay bởi đúng như “mò kim dưới đáy biển.”

Những chiếc kim khâu quá nhỏ bé và rất dễ dàng cho một hay một nhóm công nhân, lao động có ý định xấu nào đó mang theo khi làm việc trong trang trại trồng dâu, nhà xưởng chế biến. 

Và những chiếc kim khâu nhỏ bé và vô tri khi rơi vào tay những kẻ xấu mất nhân tính hay mất lương tâm có thể trở thành vũ khí lợi hại, hủy hoại cả một ngành công nghiệp khổng lồ vốn là kế sinh nhai cho hàng triệu người./.
 
 
 
 
 
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top