Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 14:49

Chanh leo xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc: Cơ hội và thách thức

Mới đây, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam theo đường chính ngạch. Các chuyên gia cho rằng, nếu tận dụng tốt cơ hội này, chanh leo có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Tuy nhiên, những lợi thế và cơ hội đang có chỉ được tận dụng triệt để khi quá trình sản xuất đảm bảo an toàn và đúng tiêu chuẩn.

Tiềm năng lớn

Chanh leo hiện nằm trong top 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao năm 2021 của nước ta. Trong 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador.

Do đó, diện tích trồng loại cây này cũng liên tục tăng, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên. Sản lượng chanh leo ước đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk; lợi nhuận có thể lên tới 350-400 triệu đồng/ha.

 

a1.jpg
Sơ chế chanh leo xuất khẩu.

 

Nước ta hiện có 46 địa phương trồng và sản xuất cây chanh leo với hơn 6.000ha, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn/năm, năng suất bình quân 22,67 tấn/ha. Dự kiến, giai đoạn năm 2025 - 2030, cả nước ổn định diện tích chanh leo 12.000 - 15.000ha, sản lượng quả tươi 300.000 - 400.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, chanh leo cũng là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Từ ngày 1/7, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo, thông qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc): Hữu Nghị Quan, Pò Chài, ga đường sắt Bằng Tường, Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu.

Bà Hồ Thị Loan, Giám đốc Kinh doanh sản phẩm công nghiệp của Nafoods Group, cho biết, việc Trung Quốc cấp phép cho quả tươi sẽ có lợi cho nông dân trồng chanh leo do giá quả tươi cao hơn nhiều so với giá chanh leo dùng để chế biến. Nguyên nhân là do nhu cầu quả tươi của Trung Quốc có khả năng phục hồi và thậm chí là cao hơn trước đại dịch Covid-19.

Nhiều thách thức

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện không nhiều vùng nguyên liệu ở nước ta đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Trung Quốc. Đây là thách thức lớn. Phía nước bạn yêu cầu tất cả vùng trồng, các cơ sở đóng gói trước khi xuất khẩu phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT, được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm nông sản khi nhập khẩu vào thị trường nước bạn đều phải đạt những tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, Ogranic...

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị, các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép và lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, phía bạn yêu cầu phải có cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.

Theo GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu trái cây tươi nói chung và chanh leo nói riêng phải bắt buộc theo quy định trong thương mại hàng hóa. Trong khi đó, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc nông sản của Việt Nam còn rất yếu.

PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), cho rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu để trái cây Việt Nam cạnh tranh được với trái cây Thái Lan, Malaysia cũng là một thách thức không nhỏ.

Cần cải thiện chất lượng

Theo nhiều chuyên gia, để có thể xuất khẩu chanh leo thành công chính ngạch sang Trung Quốc, người trồng tại các địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, Hiệp hội sản xuất chanh leo cần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chất lượng phải được quan tâm hàng đầu.

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn , để cải thiện chất lượng chanh leo, cần xây dựng sách hướng dẫn chi tiết về quy trình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP phù hợp cho từng địa phương.

Đặc biệt, cần lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả để hướng dẫn sử dụng trên cây chanh leo. Cùng với đó, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về giống, sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, sấy khô.

 

Bà Hồ Thị Loan, Giám đốc Kinh doanh Sản phẩm công nghiệp của Nafoods Group chia sẻ, là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu các sản phẩm chanh leo hàng đầu Việt Nam, hiểu được các yêu cầu từ phía Trung Quốc, chúng tôi đã có các chính sách đáp ứng ngay từ khâu cây giống như không ngừng nghiên cứu, cho ra đời các giống cây chanh leo khỏe mạnh, có khả năng chống chọi với các loại sâu bệnh, đồng thời cho năng suất quả cao.

Nafoods Group thường xuyên tập huấn cho cán bộ kỹ thuật vùng trồng và nông dân về kỹ thuật canh tác, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho chanh leo. Đồng thời, triển khai các chương trình tập huấn, hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân nâng cao nhận thức truy xuất vùng trồng và các rào cản kỹ thuật để hình thành thói quen canh tác bài bản chuyên nghiệp.

 

Cục Bảo vệ thực vật cần sớm cấp mã số vùng trồng cho địa phương; đồng thời, kiến nghị Cục sớm ban hành bộ hồ sơ hoàn chỉnh để tập huấn cho cán bộ chuyên môn địa phương, từ đó là cơ sở hướng dẫn cho DN dễ dàng tiếp cận thị trường.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, giấy phép, chứng từ hải quan, chứng nhận xuất xứ, cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử cho các sản phẩm nông sản đối với thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản thương mại. Xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, nguồn vốn cho ngành sản xuất nông sản xuất khẩu, cũng như tháo gỡ về hạ tầng logistics.

Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyên đề nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp cần tổ chức tốt khâu liên kết sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cập nhật thông tin thị trường.

Đề cập về giải pháp hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, Bộ đã và đang tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về những thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc đến doanh nghiệp, hiệp hội kịp thời và đầy đủ. Nắm bắt kịp thời thông tin, doanh nghiệp sẽ tự tin vượt qua mọi rào cản, đưa hàng xuất khẩu thành công.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top