Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 3 năm 2017 | 8:53

Chiến lược chống IS của Tổng thống Trump: Bản sao từ ông Obama?

Chiến lược chống IS của Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhiều chuyên gia quân sự cho là “một bản sao” của chính người tiền nhiệm Barack Obama.

Quên lời hứa hợp tác với Nga ở Syria?

Kênh tin tức NBC News dẫn lời Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis nhận định: "Kế hoạch đánh bại IS hiện tại giống hệt như một câu mà người Mỹ vẫn hay nói: “Kế hoạch B chỉ để cho có mà thôi. Cứ đẩy mạnh kế hoạch A [ám chỉ kế hoạch của ông Obama-ND].

chien luoc chong is cua tong thong trump ban sao tu ong obama hinh 1
Tổng thống Donald Trump (phải) và người tiền nhiệm Barack Obama. Ảnh: AP

Chúng tôi không đưa ra được một chiến lược tiếp cận mới nào hết. Tôi có thể nói rằng, Tổng thống Trump muốn gửi một thông điệp đến nhóm quan chức dưới quyền ông rằng, họ cần phải đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch cũ [do ông Obama khởi xướng-ND]”.

Cũng theo hãng NBC News, chiến lược mới của ông Trump cho đến nay vẫn chỉ là tăng cường việc hỗ trợ các nhóm phiến quân tại Iraq và Syria để có thể giành lại những “thành trì” của IS ở Mosul và Raqqa.

Chiến lược này cũng lặp lại quan điểm của ông Obama rằng, để tiêu diệt được IS, cần phải cắt đứt các nguồn thu nhập của chúng và ổn định được tình hình lại những khu vực mà các nhóm phiến quân tại Iraq và Syria chiếm lại từ tay IS.

Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra kể từ sau khi ông Trump nắm quyền Tổng thống Mỹ là liệu ông có “nhớ” đến cam kết hợp tác với Nga trong việc đánh bại IS mà ông đưa ra trong quá trình vận động tranh cử hay không?

Cũng theo các chuyên gia, câu trả lời gần như là không bởi dù nhiều lần úp mở về khả năng tham gia cùng Nga vào cuộc chiến chống IS tại Syria, cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy ông Trump có kế hoạch tăng cường hợp tác với Nga trong vấn đề này.

Thay vào đó, có thông tin cho rằng, Mỹ còn định tăng cường hiện diện quân sự, đặc biệt là lực lượng bộ binh trong khu vực. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin từ các tướng lĩnh quân đội Mỹ cho biết, “Mỹ sẽ điều thêm khoảng 1.000 binh sĩ đến khu vực phía Bắc Syria trong tuần tới”.

Nếu thông tin này được Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis xác nhận, số binh sĩ Mỹ tại Syria sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay.

Trước đó, có thông tin cho rằng, Mỹ có khoảng 500 lính đặc nhiệm, 250 lính biệt kích và 200 lính thủy đánh bộ tại Syria. Ngoài ra, còn có khoảng 5.000 quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện hiện đang có mặt tại Iraq.

Mỹ sẽ lại sa lầy ở Trung Đông dưới thời Tổng thống Trump?

Biên tập viên tạp chí Politico Bryan Bender từng bày tỏ lo ngại rằng “Mỹ sẽ lại tái diễn tình trạng sa lầy” nếu tiếp tục tăng cường đưa bộ binh vào Trung Đông như trước đây.

“Mỹ đã âm thầm điều thêm hàng trăm binh sĩ đến Iraq và Syria kể từ khi ông Trump lên nắm quyền và đang cân nhắc đưa thêm hàng nghìn binh sĩ nữa tham gia chống IS tại 2 quốc gia nói trên, chống lực lượng phiến quân tại Yemen và tiêu diệt Taliban tại Afghanistan”, ông Bender nói.

Theo ông Bender, hành động này của phía Mỹ rõ ràng đi ngược lại với những cam kết của ông Trump trong quá trình tranh cử rằng “sẽ tránh xa các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Vzglyad của Nga, nhà phân tích quân sự nổi tiếng Alexander Perendzhiev cho rằng, Washington hoàn toàn có thể gia tăng đáng kể cơ hội đánh bại IS nếu họ chấp thuận hợp tác với Moscow và Damascus.

Tuy nhiên, thay vì “bắc cầu” sang Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại chọn cách thúc đẩy hợp tác với đối tác truyền thống của Mỹ ở Trung Đông là Saudi Arabia.

Mới đây nhất, ngày 16/3, ông James Mattis đã có cuộc gặp với người đồng cấp Saudi Arabia Mohammed bin Salman để bàn thảo về các vấn đề an ninh tại Trung Đông.

Như vậy, theo nhà phân tích Perendzhiev, lại một lần nữa, ông Trump lại “đi vào vết xe đổ” của ông Obama khi thực thi một chiến lược “không mấy khác biệt” so với người tiền nhiệm.

Cũng theo ông Perendzhiev chính sách về Trung Đông của Mỹ về cơ bản bị tác động bởi những “chuyên gia vận động hành lang đầy quyền lực” thay vì phải mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

“Câu hỏi lúc này không phải là ai đang nắm quyền Tổng thống Mỹ mà “trật tự chính trị” hiện nay là gì? Trật tự này không phải do Tổng thống Mỹ quyết định mà là do một nhóm “tinh hoa chính trị” ở Mỹ nắm giữ. Nhóm này chuyên đi vận động hành lang cũng như đích thân kiểm soát việc thực thi những chính sách mà họ đưa ra”, ông Perendzhiev nói.

Nhà phân tích Perendzhiev cảnh báo, sẽ là “rất ngây thơ nếu tin rằng, chính sách của Mỹ tại Syria sẽ thay đổi căn bản dưới thời Tổng thống Donald Trump”./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top