Dù chỉ tồn tại ngắn ngày đến cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, song chính phủ mới thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Pháp và thế giới bởi giúp mường tượng và định hình chiến lược điều hành đất nước của Tân Tổng thống Macron.
Chính phủ mới được coi là “gọn nhẹ” thứ hai trong lịch sử nền cộng hòa thứ năm của Pháp với 23 Bộ trưởng và Quốc vụ khanh, bao gồm cả Thủ tướng; chỉ sau chính phủ thời cựu Thủ tướng Fillon (21 thành viên).
Đúng như dự đoán, chính phủ mới gồm nhiều thành phần và có sự pha trộn khá cân bằng gồm 3 bộ trưởng của cánh hữu; 4 bộ trưởng của đảng Xã hội cũ, 3 người của đảng trung dung Modem và hai người của đảng cực tả. Sự cân bằng về giới là tuyệt đối khi có 11 nam và 11 nữ Bộ trưởng,
Đại diện của xã hội dân sự cũng đông đảo trong chính phủ mới, gồm cựu vô địch đấu kiếm Laura Flessel – Tân bộ trưởng thể thao; Chủ tịch tập đoàn đường sắt Elisabeth Borne – Tân Bộ trưởng Giao thông; hay cựu biên tập viên dẫn truyền hình Nicolas Hulot – Tân Bộ trưởng chuyển giao sinh thái.
Đa số các dự đoán trước đó đều đã không chính xác, cho thấy thành công tiếp theo của Tân Tổng thống và Thủ tướng cùng ê-kíp của ông Macron trong việc bảo mật thông tin.
Một số điểm đáng chú ý đó là tên các Bộ được thay đổi hoặc hoàn toàn mới như không còn Bộ Quốc phòng mà đổi thành Bộ phụ trách các lực lượng quân đội; có thêm Bộ trưởng phụ trách chứng khoán và các tài khoản công; một số bộ có hai lãnh đạo ví dụ Bộ trưởng ngoại giao kiêm Bộ trưởng châu Âu Jean Yves Le Drian và dưới ông là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu bà Marielle de Sarnez. Ba vị trí được phong là Bộ trưởng cấp cao cũng được giao cho những nhân vật lớn tuổi nhất trong chính phủ mới (cả ba đều 69 tuổi) là Bộ trưởng nội vụ; Bộ trưởng ngoại giao kiêm Bộ trưởng châu Âu và Bộ trưởng Nông nghiệp.
Ngoài ra, lần đầu tiên một phụ nữ là bà Sylvie Goulard được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách các lực lượng quân đội (Bộ trưởng Quốc phòng).
Với tuổi trung bình của các bộ trưởng là 54, chính phủ mới được đánh giá là khá trẻ, trong đó có 3 bộ trưởng dưới 40 là Quốc vụ khanh phụ trách công nghệ số Mounir Mahjoubi -33 tuổi và nữ Bộ trưởng phụ trách bình đẳng nam nữ Marlène Schiappa và Bộ trưởng phụ trách chứng khoán và các tài khoản công Gérald Darmanin – cả hai đều 34 tuổi.
Ngoài ra, trong chính phủ mới, có hai Bộ trưởng không theo con đường học vấn đại học là Bộ trưởng chuyển giao sinh thái –từng là người dẫn truyền hình - Nicolas Hulot và người phụ trách các vấn đề châu Âu bà Marielle de Sarnez.
Việc trì hoãn công bố chính phủ mới sau 24h để trình lên Cơ quan quản lý nhà nước cấp cao về sự minh bạch của công chức là một bước đi khôn ngoan của Tân Tổng thống và Thủ tướng để đảm bảo ít nhất một chính phủ “sạch” – đòi hỏi đầu tiên và cao nhất của cử tri Pháp đối với các bộ trưởng sau loạt bê bối vừa qua. Bước đi này cũng để tránh lặp lại lịch sử năm 2013 khi cựu Bộ trưởng Ngân sách Jérôme Cahuzac có tài khoản ở nước ngoài để trốn thuế, rồi năm 2014 vụ ông Thomas Thévenoud, mới làm Quốc vụ khanh về Ngoại thương được 9 ngày, đã phải từ chức vì quên khai, nộp thuế trong vòng ba năm.
Tân Tổng thống yêu cầu cơ quan này trong 1 ngày, kiểm tra 3 tiêu chí đối với các gương mặt có tiềm năng bổ nhiệm Bộ trưởng là: có khai và nộp thuế đẩy đủ hay không ; kê khai tài sản cá nhân ; hiện có mâu thuẫn lợi ích nào hay không ?
Dù thận trọng như thế, nhưng những rắc rối đầu tiên đã xuất hiện khi người ta lục lại lịch sử Thủ tướng Edouard Philippe – người đang đứng đầu thực thi cùng Tổng thống Macron việc thiết lập lại văn hóa chính trị Pháp – lại từng bỏ phiếu chống dự luật năm 2013 về minh bạch hóa đời sống chính trị Pháp; đồng thời từng từ chối cung cấp kê khai tài sản của mình cho Cơ quan quản lý nhà nước cấp cao về sự minh bạch của công chức vào năm 2014.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.