Sự thiếu nhất quán, thậm chí là mâu thuẫn nhau là điều được lưu ý sau những tín hiệu được phát đi từ Tổng thống Donald Trump, và các quan chức ngoại giao Mỹ thời gian qua. Thậm chí cùng một thời điểm, cùng một vấn đề nhưng có hai cách tiếp cận đối lập hoàn toàn. Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump bị đặt dấu hỏi lớn.
Ông Trump nên lo lắng vì chưa tròn 100 ngày cầm quyền, chính sách đối ngoại của ông đã gây ra nhiều rắc rối. Ảnh: CNBC. |
Người được quan tâm nhiều nhất trong chuyện này là ngoại trưởng Rex Tillerson.
Trong chuyến thăm Nga tuần trước, cựu CEO của ExxonMobil khẳng định là sẽ không có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng cuối chuyến đi, hai người lại gặp nhau mà không có kết quả gì đáng kể.
Trong cuộc gặp với các ngoại trưởng thành viên của EU, ông Tillerson thốt lên một câu rất không ăn nhập: “Tại sao người đóng thuế ở Mỹ phải quan tâm đến Ukraine nhỉ?”
Trước đó một tuần, ông chỉ đưa ra bình luận gồm vỏn vẹn 23 từ, với thái độ kém gay gắt, trước vụ phóng tên lửa hồi đầu tháng của Triều Tiên. “Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung khác. Mỹ đã nói đủ về Triều Tiên. Chúng tôi không bình luận gì thêm”.
Tuyên bố này khiến nhiều người chưng hửng.
Theo lý giải của Washington Post, những “sự tương tác hiếm hoi và không chắc chắn” của Ngoại trưởng Tillerson với các quan chức dưới quyền đã “làm dấy lên sự hoang mang trong hàng ngũ ngoại giao, những người đang cố hiểu xem quan điểm của nước Mỹ trong các vấn đề quan trọng là thế nào.”
Theo National Interest, Tổng thống Donald Trump, chứ không phải là Ngoại trưởng Rex Tillerson, là người đảo ngược cách giải quyết trong mọi vấn đề, từ Chính sách Một Trung Quốc tới sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Syria.
Ví dụ, hồi tháng 9/2013, ông Trump thúc giục cựu Tổng thống Obama trên Twitter rằng đừng tấn công Syria. Trong suốt chiến dịch bầu cử, ông Trump cũng tuyên bố phế truất Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phải là ưu tiên cao nhất. Nhưng đương kim Tổng thống Mỹ đã thay đổi quan điểm sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhoun.
Nhiều quan chức khác trong hàng ngũ của Tổng thống Trump cũng có thiên hướng tương tự khi chối bỏ quan điểm đưa ra trước đó về nhiều vấn đề đối ngoại quan trọng.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley bóng gió rằng Mỹ đã chuẩn bị để có hành động quân sự đơn phương chống lại Chính phủ Syria. Nhưng trong một cuộc họp báo trước đó chỉ một tuần, bà Haley giải thích rằng chính quyền Trump không “tập trung vào ông Assad theo cách mà các chính quyền tiền nhiệm đã làm”.
Trong khi đó, lộn xộn cũng xảy ra tại Hội đồng An ninh Quốc gia, từ sự ra đi trong ê chề của tướng Lục quân về hưu Micheal Flynn, tới cuộc giành giật quyền lực giữa Cố vấn an ninh quốc gia hiện tại H.R. McMaster và thân tín của ông Trump Steve Bannon. Đấu đá nội bộ khiến đội ngũ của Trump không thể hiện được năng lực và trách nhiệm.
Nhiều nhà quan sát chính trị Mỹ cho rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson vẫn đang trong quá trình tiếp cận với công việc của một nhà ngoại giao.
Tuy nhiên, còn một giải thích khác cũng rất hợp lý. Đó là giả thiết nếu Ngoại trưởng Tillerson nắm một tập đoàn chuyên giải quyết với các vấn đề đối ngoại khó nhằn như nước Mỹ, ông cũng không thể quá tin tưởng rằng Tổng thống Trump sẽ ủng hộ ông trong mọi tuyên bố.
“Các hoạt động ngoại giao thận trọng hàng tháng, thậm chí hàng năm trời có thể sẽ vô ích chỉ với các dòng tweet thiếu kiểm soát”. Chuyên gia Christopher A. Preble nhận định.
Việc Nhà Trắng ngăn chặn Ngoại trưởng Tillerson bổ nhiệm những vị trí chủ chốt còn thiếu trong bộ máy đối ngoại cũng là một lý do.
Trên thực tế, hàng trăm nhân viên từng phục vụ trong các chính quyền Cộng hòa tiền nhiệm từng bị đánh trượt trong các vòng tuyển chọn của chính quyền Trump. Số này hoặc đã ký tên vào lá thư phản đối #NeverTrump, hoặc từng nói những lời không vừa lòng tỷ phú Donald Trump trong suốt chiến dịch bầu cử.
Ví dụ: vị trí Thứ trưởng Ngoại giao hiện vẫn còn trống, sau khi Tổng thống Trump bác bỏ lựa chọn của Ngoại trưởng Tillerson, Elliott Abrams. Theo một thống kê của Huffington Post, gần một nửa trong các vị trí lãnh đạo trong sơ đồ tổ chức của bộ Ngoại giao Mỹ “hoặc còn trống hoặc do các quan chức tạm quyền đảm nhận”.
Tình hình sẽ chưa được cải thiện trong một sớm một chiều bởi chính quyền Trump có thể sẽ lên kế hoạch xóa luôn các vị trí này.
Trong Kế hoạch Ngân sách trình lên Quốc hội Mỹ, Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm ngân sách của bộ Ngoại giao gần 29%. Đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy ông không coi trọng đóng góp của các nhà ngoại giao và các chuyên gia đối ngoại.
Các thành viên Quốc hội, như nghị sĩ Eliot Engel, đại diện cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện từng thốt lên thất vọng rằng Tillerson dường như đang vật lộn với sự cắt giảm này. Còn về phía đối diện, nhiều thành viên đảng Cộng hòa tuyên bố dự thảo Ngân sách của Trump là “sự trở lại của thảm họa”.
Trong môi trường như vậy không ngạc nhiên khi “nhân viên bộ Ngoại giao xoay sang thêu dệt những câu chuyện hoang đường về năng lực và chính sách của Tillerson” The Washington Post nhận xét. Rõ ràng, sự rối loạn của ngành ngoại giao Mỹ không chỉ có trách nhiệm của Ngoại trưởng Tillerson./.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.