Tháng 6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Khi Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, các dự án được đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) chính thức được khai tử sau gần 20 năm tồn tại.
Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, trước khi “giờ G” điểm, giới doanh nghiệp xây dựng trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh xôn xao về một hiện tượng “lạ”, không hiểu vì sao và bằng cách nào mà Công ty Mạnh Đức - một doanh nghiệp mới nổi ở tỉnh này, có qui mô vốn, tài sản cũng rất bình thường, từng dính nhiều “lùm xùm” lại liên tiếp được tỉnh giao những dự án quan trọng.
Theo tìm hiểu, Công ty Mạnh Đức - TNHH được thành lập ngày 20/2/2002 có trụ sở tại khu phố Dương Lôi, Khu công nghiệp Tiên Sơn, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, do ông Nguyễn Thế Mạnh (sinh năm 1973) làm người đại diện theo pháp luật và Giám đốc.
Cuối năm 2013, Công ty Mạnh Đức có số vốn điều lệ là 28 tỷ đồng do ông Nguyễn Thế Mạnh góp 24,5 tỷ đồng, tương đương 87,5% vốn điều lệ, bà Nguyễn Thị Thành góp 3,5 tỷ đồng, tương đương 12,5%; cả hai cùng có hộ khẩu thường trú tại phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đến tháng 10/2014, công ty nâng vốn điều lệ lên 140 tỷ đồng.
Vào tháng 8/2018, Công ty Mạnh Đức nâng vốn điều lệ từ 260 tỷ lên 368 tỷ đồng. Đến tháng 6/2020, công ty nâng số vốn điều lệ lên 518 tỷ đồng được góp bởi 2 thành viên. Trong đó, ông Nguyễn Thế Mạnh góp 453,25 tỷ đồng, tương đương 87,5% vốn điều lệ, bà Nguyễn Thị Thành góp 64,75 tỷ đồng, tương đương 12,5%.
Doanh nghiệp này đăng ký tới 61 ngành nghề kinh doanh, từ lĩnh vực xây dựng, tư vấn quản lý dự án và đấu thầu, cho đến khai thác vật liệu xây dựng, bán buôn, bán lẻ hàng hóa...
Khu đất 8,2 ha mà UBND tỉnh Bắc Ninh giao cho công ty Mạnh Đức để làm Khu nhà ở và DVTM tổng hợp tại phường Tân Hồng. Ảnh: congluan.vn
Có lịch sử hoạt động gần 20 năm nhưng tên tuổi Mạnh Đức chỉ được biết đến vào năm 2016, khi UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án khu nhà ở và dịch vụ thương mại tổng hợp tại phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn để tạo vốn đối ứng cho dự án cải tạo, nâng cấp đường Lý Thái Tổ (đoạn từ tỉnh lộ (TL) 295B đến quốc lộ (QL) 1A mới) do Công ty Mạnh Đức (TNHH) thực hiện dưới hình BT.
Sau nhiều lần điều chỉnh về tổng mức đầu tư, quỹ đất đối ứng của dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp đường Lý Thái Tổ (đoạn từ TL 295B đến QL 1A mới) đoạn qua trung tâm thị xã Từ Sơn, theo hình thức BT, Công ty Mạnh Đức đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt 8,2 ha đất tại phường Tân Hồng để làm khu nhà ở và dịch vụ thương mại tổng hợp với tổng mức đầu tư khoảng 107,372 tỷ đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường Lý Thái Tổ (đoạn từ TL 295B đến Quốc lộ 1A mới) đoạn qua trung tâm thị xã Từ Sơn và đầu tư xây dựng một số công trình trên địa bàn thị xã Từ Sơn theo hình thức hợp đồng BT đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 6/2016 với tổng mức đầu tư là 373,3 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, Công ty Mạnh Đức đã trúng thầu dự án BT này với tổng vốn đầu tư được xác định là hơn 370,019 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh phải tiếp tục bố trí quỹ đất đối ứng cho Công ty Mạnh Đức (TNHH) sao cho đủ giá trị mà nhà đầu tư đã bỏ ra làm đoạn đường 2,2km được xác định là 370,019 tỷ đồng.
Việc bố trí quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư vẫn được điều chỉnh, theo nội dung Văn bản ngày 19/6/2018 của Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh: “Để đối ứng hoàn trả vốn cho dự án BT, Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu địa điểm tại Công văn 2425/UBND-XDCB ngày 26/7/2017, số 3964/UBND-XDCB ngày 10/11/2017 và Công văn điều chỉnh diện tích số 129/UBND-TNMT ngày 18/1/2018 với tổng diện tích 27,94 ha”.
Như vậy, khu nhà ở và dịch vụ thương mại tổng hợp tại phường Tân Hồng chỉ là 1 trong số các khu đất mà nhà đầu tư được giao để hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp đường Lý Thái Tổ (đoạn từ TL 295B đến QL 1A mới) trung tâm thị xã Từ Sơn theo hình thức hợp đồng BT.
Thật không quá khi nói, Công ty Mạnh Đức “phất lên như diều gặp gió” nhờ các dự án BT khi liên tiếp được giao hàng chục hecta đất theo hình thức này.
Ngay trước hình thức BT bị khai tử, Công ty Mạnh Đức vẫn được tỉnh Bắc Ninh “chọn mặt gửi vàng” để giao cho nhiều dự án thuộc diện “khủng” trên địa bàn. Cụ thể:
Ngày 6/3/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Quyết định số 72/QĐ-UBND do ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký về việc giao đất cho Công ty Mạnh Đức (TNHH) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở và dịch vụ thương mại tổng hợp tại phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn tạo vốn đối ứng cho dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp đường Lý Thái Tổ (đoạn từ TL 295B đến QL 1A mới) trung tâm thị xã Từ Sơn theo hình thức BT.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh giao 82.018,0m2 đất cho Công ty Mạnh Đức (TNHH), trong đó: Giao đất có thu tiền sử dụng đất: đất ở 28.636,87 m2 (128 lô), gồm: đất nhà ở liền kề 3.725,74 m2 (31 lô); đất nhà ở biệt thự 24.911,13 m2 (97 lô). Thời hạn giao đất: 50 năm.
Giao đất không thu tiền sử dụng đất: 53.381,13 m2 trong đó: đất cây xanh, mặt nước 15.773,92 m2; đất hạ tầng kỹ thuật 2.939,79 m2; đất giao thông 22.460,98 m2; đất công cộng (đất nhà trẻ) 2.008,33 m2; đất hỗn hợp (trung tâm thương mại, căn hộ cao tầng) 10.198,11 m2.
Cũng trong ngày 6/3/2020, tại Quyết định số 73/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Công ty Mạnh Đức 969 m2 (tương đương với 6 lô đất) đợt 2 cũng để thanh toán cho dự án trên.
Ngày 17/8/2020, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 369/QĐ-UBND giao 4,108 ha đất tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn (đã thực hiện xong bồi thường, hỗ trợ theo các quyết định thu hồi đất ngày 26/5/2020 của UBND thị xã Từ Sơn cho Công ty Mạnh Đức (TNHH) để xây dựng nâng cấp đường vành đai từ khu phố Tư đi khu phố Nghè theo hình thức BT theo dự án đầu tư được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 21.1.2.1.000 608, chứng nhận lần đầu ngày 22/11/2016 và phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 641/QĐ-UBND ngày 08/06/2016 và số 1690/QĐ-UBND ngày 25/10/2019.
Ngày 9/12/2020, bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 1739/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty Mạnh Đức (TNHH) thực hiện dự án đầu tư xây dựng cải tạo hồ Đại Đình và nâng cấp đường chợ Lã phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn theo hình thức hợp đồng BT.
Trước đó, chính Công ty Mạnh Đức (TNHH) đã có đề xuất cải tạo hồ Đại Đình trên khu đất có diện tích khoảng 4,48 ha (đã bao gồm diện tích đường ven hồ), với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 78,104 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: Nạo vét, kè hồ có diện tích mặt nước khoảng 2,47 ha; bãi để xe diện tích khoảng 1.300 m2; diện tích còn lại là khuôn viên cây xanh, đường dạo quanh hồ; Đường ven hồ Đại Đình; Đường chợ Lã…
Đổi lại, tỉnh Bắc Ninh sẽ giao nhà đầu tư khai thác giá trị khu đất có diện tích khoảng 4,0 ha trong khu đất có tổng diện tích khoảng 8,9 ha do UBND thị xã giới thiệu tại Văn bản số 379/UBND-XDCB ngày 4/5/2017 thuộc phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư là 64,9 tỷ đồng, phần nộp ngân sách nhà nước là 32,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III - phân khu 2 tại Bắc Ninh. Dự án có quy mô khoảng 208ha với tổng vốn đầu tư hơn 2.779 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 430 tỷ đồng. Theo quyết định, Công ty Mạnh Đức là nhà đầu tư của dự án song Thủ tướng giao UBND tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm về việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Như vậy, chỉ trong vài năm, từ một công ty tư nhân có ngành nghề kinh doanh ban đầu là bán buôn tre, nứa, gỗ cây và gỗ chế biến, sau đó bổ sung ngành nghề đầu tư, xây dựng nhưng lại được giao nhiều dự án có quy mô lớn, và được “trả quyền lợi” hàng chục ha đất ở những vị trí “đắc địa” gây “chấn động” trong giới đầu tư, xây dựng.
Điều dư luận, băn khoăn đặt đặt ra nhiều dấu hỏi: Tại sao Công ty Mạnh Đức lại dễ dàng thâu tóm, trở thành nhà đầu tư “quan mặt” tại nhiều dự án BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến vậy? Có hay không việc tỉnh này “ưu ái” để nhà đầu tư là Công ty Mạnh Đức “ẵm trọn” nhiều khu đất vàng “béo bở”? Việc xác định giá đất tại các dự án đổi đất lấy hạ tầng có phù hợp về giá trị hay không, có tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước hay không? Năng lực thực hiện dự án của Công ty Mạnh Đức cũng như tính minh bạch trong quá trình chọn nhà đầu tư của tỉnh Bắc Ninh diễn ra như thế nào?
Hơn nữa, về năng lực của Công ty Mạnh Đức, liệu nhà thầu này có đáp ứng được việc triển khai cùng lúc hàng loạt dự án từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng như hiện nay.
Thực tế hiện nay, xuất hiện tình trạng dự án tiến độ triển khai ì ạch, “rùa bò”, thậm chí là “đắp chiếu”, còn doanh nghiệp chỉ chăm chăm đầu tư, bán đất, chia lô, phần nền phần đất đối ứng đổi hạ tầng để thu lời.
Sau 20 năm tồn tại, ngoài một số ưu điểm thì hàng loạt các dự án xây dựng theo hình thức BT đã lộ rõ nhiều bất cập. Dù chưa có cơ sở để kết luận nhưng bên trong các dự án BT cũng có thể có tiêu cực và lợi ích nhóm giữa nhà đầu tư và người giao đất.
Năng lực tài chính vừa phải và từng "dính" nhiều lùm xùm, nhưng không hiểu vì lý do gì, Công ty Mạnh Đức (Bắc Ninh) hết lần này đến lần khác "ôm" trọn hàng loạt dự án khủng. Ảnh: trangtraiviet.vn
Dự án BT trở thành “miếng mồi ngon nghẻ” cho không ít những hoàng hôn nhiệm kỳ, nhóm lợi ích và doanh nghiệp hưởng lợi, còn người dân phải nếm “trái đắng” bất đắc dĩ từ BT đem lại . Bản chất “đổi đất lấy hạ tầng” lộ rõ tính hai mặt của thế thời, là kẽ hở thất thoát tài sản nhà nước.
Dư luận còn cho rằng, nếu không có sự “ưu ái”, “bật đèn xanh” của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ, của các lãnh đạo địa phương mà dự án BT sử dụng đất thì không có chuyên một doanh nghiệp “làng nhàng” như Công ty Mạnh Đức có thể “vượt mặt” các ông lớn cùng ngành trong và ngoài tỉnh để dễ dàng “thâu tóm”, “bỏ túi” các dự án BT theo cách nhanh, “chớp nhoáng” đến vậy.
Ngoài ra, không chỉ riêng Công ty Mạnh Đức là nhà đầu tư thực hiện các dự án BT đã triển khai và đây không phải là lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án BT bất thường đến phi lý như các dự án Công ty Minh Đức đang thực hiện. Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin các dấu hiệu bất thường, tồn đọng rất nhiều vấn đề bất cập, “lỗ hổng”, bao gồm nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước, đội vốn, chậm tiến độ, nghi vấn lợi ích nhóm,... tại các dự án BT khác đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Theo đánh giá của chuyên gia, để ngăn chặn “sân sau”, “lợi ích nhóm” tại các dự án được thực hiện bằng hình thức hợp tác công tư thì cần phải sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý đối với loại hình đầu tư này.
Một là, các cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch từ quá trình lập dự án, đấu thầu, thanh toán. Đặc biệt, tình trạng dự án BT lại rơi vào một vài nhà đầu tư “quen mặt” mà ví dụ cụ thể, điển hình như trường hợp Công ty Mạnh Đức “thâu tóm” hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như đã nêu ở. Để làm rõ vấn đề và giải tỏa sự hoài nghi của dư luận, đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an) cần sớm chỉ đạo, vào cuộc, xác minh, lãm rõ việc doanh nghiệp “thâu tóm đất vàng” tại các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
Ngoài ra, hình thức hợp tác công tư cần được thực hiện công khai, minh bạch nhằm tìm được nhà đầu tư có năng lực và triển khai nghiêm chỉnh, tránh đầu tư chỉ định sẽ dẫn đến trường hợp ưu tiên cho doanh nghiệp thân quen, dẫn tới tham nhũng, thất thoát nguồn lực đất đai.
Hai là, một số dự án BT được phê duyệt sau khi triển khai thi công và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt điều chỉnh một số nội dung không đúng quy định và còn sai sót, phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT. Có tình trạng ký hợp đồng chưa đúng quy định, không bảo đảm nguyên tắc ngang giá, không quy định cơ cấu tỉ lệ vốn.
Ba là, việc chỉ định nhà đầu tư, giao đất sai quy định đã thể hiện những điểm bất thường trong quá trình triển khai dự án BT, thất thoát ngân sách và nguồn lực nhà nước. Các chuyên gia kinh tế khi đánh giá về quá trình thực hiện dự án BT đã lưu ý phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, giao đất không thấp hơn với mức giá của thị trường đã định.
Để ngăn chặn lỗ hổng này, cần phải hoàn thiện quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo đó, nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công cũng được quy định rõ. Giá trị tài sản công phải được xác định theo giá thị trường, theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán.
Bốn là, các địa phương không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với nhà đầu tư dẫn đến nhiều dự án “đắp chiếu”, chậm tiến độ, đội vốn. Nhiều dự án chưa hoàn thiện nhưng đã giao đất đối ứng cho các nhà đầu tư để triển khai các dự án chung cư, biệt thự rao bán rầm rộ. Giá đất tại thời điểm đó thường rất thấp, sau khi được đầu tư hạ tầng, giá đất lên cao, nhà đầu tư thu lợi lớn.
------
Nguồn tham khảo:
https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/dieu-tra-theo-don-thu/bac-ninh-cong-ty-manh-duc-duoc-giao-hon-hang-chuc-ha-dat-theo-hinh-thuc-bt-180971.html
https://phapluat.tuoitrethudo.com.vn/bac-ninh-co-bat-thuong-khong-khi-giao-hang-loat-du-an-bt-cho-cong-ty-manh-duc-58586.html