Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 4 năm 2021 | 16:28

Bắc Ninh: Người có công trở thành “tội đồ”?

Từ ngày 10-12/3/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bưu điện huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Đây là vụ án hy hữu khi có tới 294 nguyên đơn, đồng thời là bị hại.

tien-du.jpg
Ông Trần Minh Hùng đang ngửa mặt kêu trời đi tìm công lý.

 

Chia sẻ với PV, can phạm trong vụ án, ông Trần Minh Hùng cho hay: Ngày 01/01/2018, ông được bổ nhiệm là Phó giám đốc phụ trách Bưu điện huyện Tiên Du. Ngày 01/01/2019, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bưu điện Tiên Du. Đến ngày 19/4/2019, ông phát hiện kiểm soát viên Nguyễn Thị Hà có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lập các sổ tiết kiệm giả trao cho người gửi tiền tiết kiệm, thu tiền không hạch toán qua hệ thống.

Ngày 24/4/2019, Nguyễn Thị Hà tự tử tại sông Đuống (khu vực Cầu Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Thành đã tiến hành điều tra xác minh, kết luận: phụ nữ nhảy cầu tự tử là Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1986, trú tại thôn Duệ Đông, Thị Trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là giao dịch viên (GDV) Phòng giao dịch bưu điện Tiên Du.

Sau khi Nguyễn Thị Hà tự tử, nhiều người dân đã đến Bưu điện Tiên Du xuất trình sổ tiết kiệm do Nguyễn Thị Hà (GDV) thực hiện, yêu cầu tất toán. Nhận thấy sự việc phức tạp, có thể Nguyễn Thị Hà tự tử liên quan đến việc chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng, Bưu điện huyện Tiên Du đã gửi công văn đề nghị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh (PC03) tiến hành xác minh làm rõ nội dung: Tổng số có 294 nguyên đơn dân sự (người bị hại). Các bản kết luận giám định số 79 ngày 07/5/2019, số 98 ngày 26/5/2019, số 106 ngày 28/6/2019, số 119 ngày 27/7/2019, số 139 ngày 06/9/2019 và số 07 ngày 25/12/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh kết luận: Trong số 538 sổ tiết kiệm (STK) người dân nộp cho CQĐT có 56 phôi thật, còn lại 482 phôi giả. Như vậy, Nguyễn Thị Hà đã chiếm đoạt trong vụ án này là 68.880.451.938 đồng, trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2019.

Từ ngày 10 - 12/3/2021,  Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm (thụ lý số 96/2020/TLST- HS) do thẩm phán - chủ tọa phiên tòa, bà Nghiêm Thị Lượng tiến hành xét xử quyết định, tuyên bố bị cáo.  Theo Bản án số 28/2021/HS-ST, Tòa tuyên bố bị cáo Trần Minh Hùng, Nguyễn Thị Hài và Nguyễn Thị Lương phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo phải lĩnh án: Trần Minh Hùng 54 tháng tù; Nguyễn Thị Hài 35 tháng tù (cho hưởng án treo); Nguyễn Thị Lương 36 tháng tù (cho hưởng án treo).

Theo bị cáo Hùng, phán quyết của tòa chưa khách quan, có sự oan sai. Ông Trần Minh Hùng mới được Bưu điện Bắc Ninh bổ nhiệm làm Giám đốc bưu điện huyện Tiên Du (Quyết định số 08/QĐBĐBN ngày 30/01/2019), thay vì trước đó bà Nguyễn Thị Hài làm Giám đốc và bà Nguyễn Thị Hà là kiểm soát viên Bưu điện huyện Tiên Du. Sau  01 năm 4 tháng điều hành, ông Hùng đã phát hiện Nguyễn Thị Hà có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lập tức tố cáo lên cấp trên vào ngày 19/4/2019. Đến ngày  24/4/2019, Nguyễn Thị Hà tự tử. Với số tiền Nguyễn Thị Hà chiếm đoạt theo kết luận của CQĐT Công an tỉnh Bắc Ninh lên tới 68.880.451.938 đồng diễn ra từ nhiều năm trước. Đành rằng, về lý, Trần Minh Hùng có trách nhiệm một phần trong thời gian làm Phó Giám đốc  01 năm 4 tháng. Bù lại, Trần Minh Hùng đã đi sâu, đi sát trong quản lý đơn vị, có công tố giác tội phạm kịp thời, bằng không sự việc sẽ đi về đâu?

Xét về góc độ quản lý, ông Hùng cho rằng:

Thứ nhất, Hợp đồng số 05/2013/HĐSPDVNH/VNPOST-LPP ngày 12/3/2013, ký kết giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam quy định: “Tất cả các hoạt động dịch vụ của Ngân hàng tại các phòng giao dịch bưu điện phải được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên liên tục, bởi Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt ít nhất mỗi năm 01 lần. Thực tế từ năm 2011 đến năm 2019, Ngân hàng không kiểm tra thực tế hoạt động của Phòng giao dịch, dẫn đến phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Thị Hà.

Thứ hai, Giám đốc Bưu điện huyện chỉ điều hành chung, quản lý hành chính đối với toàn bưu điện huyện. Phòng giao dịch hoạt động độc lập, dưới sự kiểm soát độc lập của kiểm soát Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Bắc Ninh, Phòng nghiệp vụ Bưu điện tỉnh Bắc Ninh. Cá nhân Giám đốc Bưu điện huyện không được cấp user của hệ thống ngân hàng, không được có bất kỳ một bút tích nào trong việc kiểm soát nghiệp vụ của Phòng giao dịch. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh lại quy trách nhiệm cho Giám đốc Trần Minh Hùng. Phải chăng “Quýt làm cam chịu”?!

Thực tế thấy: Hầu hết số tiền thất thoát trong vụ án là do Nguyễn Thị Hà thực hiện hành vi  lừa đảo khách hàng thông qua các cộng tác viên trực tiếp thực hiện, sau đó không nộp tiền về hệ thống bưu điện theo quy định mà để ngoài hệ thống ngân hàng nhằm chiếm đoạt. Bưu điện huyện Tiên Du và toàn thể cán bộ, công nhân viên không được hưởng lợi đối với số tiền mà Nguyễn Thị Hà chiếm đoạt.

Ngoài ra, việc xác định số tiền thiệt hại qua từng giai đoạn cũng chưa khách quan bởi lẽ: Qua tài liệu Bưu điện huyện Tiên Du, đặc thù của dịch vụ tiết kiệm là tính tái tục theo thời hạn. Người gửi theo kỳ hạn 1, 3, 6, 9, 12 tháng, hết thời hạn rút ra hoặc tái tục đổi số gửi tiếp. Dữ liệu thu giữ được tủ của Nguyễn Thị Hà thể hiện có 125 sổ tiết kiệm của người gửi là tái tục đổi sổ số tiền 16.392.877.000 đồng. Như vậy, có ít nhất 125 sổ, tương ứng với số tiền trên Nguyễn Thị Hà thực hiện hành vi lừa đảo từ năm 2018, trước thời điểm Trần Minh Hùng làm Giám đốc và có thể còn nhiều sổ tiết kiệm Hà đã cấp cho người dân từ trước đã được tái tục nhưng chưa thu giữ được. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Ninh chưa điều tra làm rõ số tiền mà Nguyễn Thị Hà thực hiện hành vi lừa đảo theo đúng thực tế là bao nhiêu? Ngoài Nguyễn Thị Hà còn ai nữa, ai là người được hưởng lợi trong hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Thị Hà?

Từ những yếu tố trên, việc quy trách nhiệm cho Trần Minh Hùng gây thất thoát số tiền 63.370.242.000 đồng cần được xem xét một cách khách quan, tránh oan sai.

Dư luận băn khoăn, vì sao ông Trần Minh Hùng, người có công phát hiện, tố cáo người có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lập các sổ tiết kiệm giả, lại trở thành “tội đồ”?  Trong vụ án này, cần làm rõ trách nhiệm của Bưu điện tỉnh Bắc Ninh và Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt.

 

Ngày 23/3/2021, ông Trần Minh Hùng có Đơn gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng cáo Bản án sơ thẩm số 28/2021/HS-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

 

 

 

Đoàn Sử
Ý kiến bạn đọc
Top