KTNT - Đê điều là công trình quan trọng được xây dựng, giữ gìn, tu bổ qua nhiều thế hệ nhằm ngăn nước lũ, nước biển, bảo vệ tính mạng của nhân dân, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể và của cá nhân. Ấy vậy mà một số doanh nghiệp vì muốn “hầu bao” căng tròn ngang nhiên dùng xe trọng tải lớn vận chuyển vật liệu xây dựng trên đê, phớt lờ những quy định của Nhà nước…
Đê sông Đuống chạy qua huyện Quế Võ (Bắc Ninh) là con đê xung yếu, điều tiết lượng nước, bảo vệ mùa màng và tính mạng không chỉ cho người dân địa phương mà còn cả cho các vùng lân cận đang phải “oằn mình cõng trên lưng” hàng loại xe tải trọng tải lớn chạy suốt ngày đêm.
Từ đơn thư phản ánh của người dân địa phương, phóng viên có mặt tại đoạn đê Bến đò Châu Cầu 2 thuộc xã Ngọc Xá và xã Châu Phong (Quế Võ), tận mắt chứng kiến hàng chục xe có tải trọng lớn nối đuôi nhau rầm rập chạy trên mặt đê. Nhiều đoạn mặt đường bị cày nát, trên mặt đê Châu Cầu 2 xuất hiện hàng trăm "ổ gà", "ổ voi", nhiều điểm trên mặt đê được trải thảm nhựa đã xuất hiện các vết rạn, nứt chằng chịt gây nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ của huyện Quế Võ. Khi có mưa, mặt đê lầy lội bùn đất, gây ảnh hưởng cho các hộ dân sinh sống ven đê.
Đường bị cày nát bởi "phi đội" xem tải nặng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân trực tiếp là do mấy năm gần đây, một số xã ven đê cho thuê đất bãi làm bến tập kết VLXD nên hàng trăm lượt xe tải hạng nặng thả sức chạy suốt ngày, đêm chở cát cho các công trình xây dựng. Đồng thời, người dân nơi đây còn chỉ đích danh “ông công ty” có hàng chục xe tải khối lượng từ 35 – 40 khối đang “cày nát” mặt đê là Công ty Việt & Sơn.
Mặt đê đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Đặc biệt, đang trong mùa mưa lũ, việc sử dụng xe trong tải lớn để chuyên chở VLXD là điều không thể chấp nhận được, vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ đê điều. Ấy vậy mà Công ty Việt & Sơn phớt lờ các quy định, “tranh tối tranh sáng” cày nát đoạn đê xung yếu.
Điều đáng nói ở đây, sự việc xảy ra trong một thời gian khá dài mà chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn.
Khi chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương xin ý kiến về vụ việc trên, thì chỉ nhận được sự lảng tránh với lý do có phần hợp lý: “bận họp với cấp trên”!
Dư luận đặt câu hỏi: Có chăng “công tắc đèn xanh” được chính quyền sở tại “bật” cho doanh nghiệp “làm bừa”?
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên./.
Vinh Bá
KTNT